Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Hiểm họa cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi sinh của đất nước

Nguyễn Đức Hiệp

Với một lãnh thổ trải dài lên nhiều cao độ và vĩ tuyến, tạo hóa đã ban cho dân tộc Việt Nam một hệ sinh thái đa dạng và nhiều kho tàng tích sinh học hiếm quý. Chiến tranh đã hủy hoại đất nước và đày đọa nhiều thế hệ; ngày nay, để phát triển kinh tế trong hòa bình, lâm sản, khoáng sản và thủy sản đã bị khai thác kiệt quệ và nạn ô nhiễm đã lan tràn ra không khí, sông hồ, kinh rạch và đất đai. Môi sinh bị đặt dưới áp lực nặng nề của dân số gia tăng và chính sách khai thác tài nguyên ráo riết để xuất cảng trong tình trạng quản lý thiếu kỹ thuật và thẩm quyền.

Khai thác đã lấn lên rừng già để làm than lấy gỗ, xuống vùng ngập mặn phá tràm lấy chỗ nuôi tôm, lên cao xẻ núi lấy đá, đào sâu tìm giếng, khai mỏ, hút dầu, và hàng ngày hàng triệu mét khối nước thải và chất thải đang chảy thẳng vào sông hồ kinh rạch không hề xử lý. Thậm chí các chất thải và rác rước còn để ứ đọng ngay trong các thành phố chật chội đông đúc, để những trận lụt lội mang các nguồn bệnh tật rải rộng khắp nơi.

Lê Huy Bá, Nguyễn Ðức An, Lâm Minh Triết đã tường trình về các tình trạng báo động gần như toàn diện: Ðất đai đang bị đá ong hóa tại nhiều nơi, 15% diện tích miền Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên đã biến thành "vùng đất chết". Rừng vốn che phủ trên 45% diện tích đất, nay đã sa sút chỉ còn 23%. Rừng ngập mặn nay chỉ còn 70% diện tích ngày trước. Trong thành phố, ô nhiễm SO2 trong không khí lên 2 tới 10 lần, bụi bặm lên 20 tới 60 lần mức độ cho phép. Giếng UNICEF phải đào sâu đến 70 mét cũng chỉ 15% là có nước dùng được. Rồi có khi chỉ 6 tháng sau cũng bị phèn hóa. Hàm lượng ô nhiễm trong nước ở miền Nam, nơi xem là vựa lúa của cả nước, lên gấp 2-10 lần, có khi 50 lần các chỉ tiêu của World Health Organization. Việc đào giếng cẩu thả đang gây ô nhiễm những nguồn nước ngầm khác. Thành phố HCM có 550.000 m3/ngày nước thải từ gia cư và 650.000-1.000.000 m3/ngày nước thải từ công nghệ. [1,2,3] Mai Thanh Truyết cũng đã nhận định: Ô nhiễm rất nguy hiểm vì ở miền Nam nước ngầm nằm không sâu, các chất ô nhiễm rất dễ xâm nhập và lan truyền bậnh tật. Ðặc biệt ô nhiễm nitrate trong nước gây ra bởi con người lẫn thiên nhiên có hiểm họa tử vong cho thai nhi và trẻ sơ sinh, đã lên đến 80 mg/L gần gấp đôi lượng cho phép nên cần phải đối phó cấp bách.[4]
Xã hội hiện nay thể hiện ra cảnh trạng ráo riết vơ vét tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi sinh, phó mặc cho các mầm bậnh tật gieo rắc trên hệ sinh thái và xâm nhập vào các nguồn thực phẩm của mọi giống loài. Thế hệ này đang ăn cạn kho thóc giống của mình, đi vệ sinh vào miệng giếng, rồi bỏ lại cho thế hệ sau một gánh công nợ chất chồng và lãnh thổ mang các vấn nạn môi sinh trầm kha tắc trách. Sự bảo toàn tài nguyên cho đất nước, và lành mạnh của môi sinh cho dân tộc phải là điều thao thức trong tâm tư của mọi người Việt. Nếu không niềm hãnh diện đã có "Ðổi Mới", "Lãnh đạo tiến bộ sáng suốt" sẽ thành những mỉa mai chua xót của dân tộc này trước thềm Thế Kỷ 21.

Việt Nam cần phải thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa và chế giảm các tác hại môi sinh trong mọi chương trình phát triển ngắn lẫn dài hạn. Việc lựa chọn một đường hướng kinh tế và chính trị khả dĩ bảo đảm sự bền vững tương lai cho môi sinh của đất nước, cũng như nếp sống người dân, phải được cân nhắc và đem lên hàng đầu bàn thảo công khai cả nước. Ðã đến lúc phải huy động một Hội Nghị Diên Hồng về Tài Nguyên và Môi Sinh để cứu lấy đất nước này.

Áp Lực Dân Số và Nghịch Lý

Dân số Việt Nam trung bình đã tăng 2.1% mỗi năm từ 1991 đến 1997. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 68 tuổi. Tỷ lệ sinh sản mỗi bà mẹ có 3.21 con. Ðổ đồng, mỗi người có 0,13 mẫu đất, ở hàng tệ nhất thế giới. Miền Bắc còn tệ hơn, chỉ có 0,06 mẫu đất mỗi đầu người . Tỉ số dân Việt biết chữ và tuổi thọ trung bình cao hơn so với các nước có ngang Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GNP). [5][6] Không nên lấy tin mừng này làm niềm hãnh diện quá đáng vì tự nó là một nghịch lý bẽ bàng: Nếu dân ta sống lâu hơn, khoẻ mạnh hơn, đi học đông hơn, thế sao ta lại không nuôi nổi mình mà vẫn phải chịu cảnh nghèo đói ngang hàng với các dân tộc nghèo nhất thế giới như vậy ? Chỉ số "GNP per capita" năm 1997 của Việt Nam là US$320. Việt Nam thành nước nghèo thứ 24 trên thế giới.
Transparency International vừa tường trình trong 1998, Việt Nam có "Corruption Perception Index" là 2.5, đứng vào hàng thứ mười trong các nước tham nhũng nhất thế giới, ngang hàng vơi Kenya và Russia.[7]

Sự Chênh Lệch Giữa Nông Thôn Và Thành Thị

Chặng đường đầu tiên của sự thay đổi kinh tế tại Việt Nam là kế hoạch Ðổi Mới. Việc giải thể cơ chế tập thể hóa đã mang lại một số thành công cho nền kinh tế nông nghiệp. Nhưng chênh lệch giữa nông thôn và thành thị đã trở thành một quốc nạn nổi bật. Ða số dân còn sống dưới mức nghèo đói. Sau khi Ðổi Mới mức chênh lệch về lợi tức tăng lại nhanh. Ðến 30% lợi tức cả nước nằm trong tay số 10% cao nhất .[8] Nạn thiếu hụt thực phẩm ở những vùng nông thôn tiêu biểu kéo dài đến sáu tháng trong một năm. [5] 45% Trẻ con đang thiếu dinh dưỡng. [8] Theo Japan International Cooperation Agency (JICA), trở ngại to tát nhất trong việc phát triển nông nghiệp Việt Nam là sự thiếu ổn định trong việc cung cấp thực phẩm, sự nghèo nàn tuyệt cùng của nền kinh tế nông thôn, cộng thêm nạn thất nghiệp tăng cao.

Cách biệt lợi tức sẽ dẫn đến những nguy hiểm sắp tới trong việc phát triển đô thị bừa bãi. Nông dân khi hết đường xoay sở phải tìm cách vào thành phố kiếm sống. Robin Broad đã tóm tắt: "Nếu khoáng sản của bạn đang bị tiêu hao, rừng của bạn đang bị chặt đốn, đất đai của bạn đang bị hao mòn, hải sản của bạn bị người khác đánh bắt, bạn còn con đường nào để đi nữa ?"

Theo tài liệu cuả World Bank: "Nếu dân số đô thị gia tăng như kế hoạch dự trù 5 đến 7% một năm, thì trong năm 2000 dân số ở đô thị sẽ lên đến 24 triệu. Trường hợp này sẽ không có cách nào giải quyết được ... bằng những khu nhà ổ chuột chật hẹp, và không tránh khỏi những vấn nạn xử lý rác và chất thải". Mặc dù có những lời cảnh cáo thống thiết này, chính đại diện Ngân Hàng đã công nhận rằng "trên thực tế", những kế hoạch cho mượn tiền và chỉ đạo của cơ quan FDI lại tương đương vơi một chiến lược đô thị hóa do chính World Bank (Ngân Hàng Thế Giới) yểm trợ.

Giá Trị Của Ðầu Tư Trực Tiếp Từ Ngoại Quốc
  Kể từ khi Ðổi Mới, mỗi năm hàng tỉ Mỹ kim Foreign Direct Investment (FDI) đã được đầu tư vào Việt Nam. Nhưng con số nhân công tìm được việc làm nhờ FDI rất thấp và đáng thất vọng. Chỉ dùng có 70,000, hay 0.02% trên tổng số công nhân. Theo IMF, đầu tư vào nông thôn chỉ được 20%, nhưng nông thôn lại chiếm hơn 80% dân số. [5] Luật Ðầu Tư Nước Ngoài của Việt Nam được Citibank cho là một trong những luật đầu tư rộng rãi nhất ở Ðông Nam Á . Nhiều công ty đa quốc gia (Multinational Corporation - MNC) đã đến Việt Nam nhưng không góp phần vào việc phát triển lâu dài. MNC đã vào Việt Nam vì giá công nhân và chi phí bảo vệ môi sinh còn thấp rẻ. Ðạt đem FDI vào một nơi nghèo khó đã quá lâu như Việt Nam có thể tiêu diệt ý chí sinh tự tồn, đè bẹp sức đề kháng mong manh của môi sinh, và cơ hội để quyền lực và tư bản kết hợp vô kìm hãm. Trong "Blueprint for a Banana Republic", Sixto Roxas phát biểu, "theo chiến thuật dựng lên những khu công nghiệp bất động sản và những khu chế xuất, đất nước đang gạt nhân dân nông thôn ra ngoài lề tạo nên những lãnh địa dân cư nghèo khổ và bần cùng..."

Việt Nam cần phải thay đổi chiến lược đầu tư để thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn, lập ra những tổ hợp trung và tiểu thương thay vì để nền kinh tế kiệt quệ đi vơi nạn di dân vào đô thị gay gắt thêm. Chiến lược phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam phải chú trọng vào nông thôn có đông dân sinh sống và cho giúp họ có công ăn việc làm lâu dài.

Ảnh Hưởng Những Nguồn Cho Vay

Theo phúc trình chính thức từ World Bank: "Mục tiêu lâu dài của Ngân Hàng ở Việt Nam là thúc đẩy phát huy các phát triển bền vững để nhanh chóng xoá bỏ nghèo nàn." Ngân Hàng hiện có những dự án chấn chỉnh cơ cấu (Structural Adjustment Credits, SAC). Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, IMF cũng đã uỷ thác 535 triệu Mỹ kim qua cơ quan Enhanced Structural Adjustment Facility, ESAF vào Việt Nam. Các chương trình này sẽ cấp tài trợ vơi điều kiện phải có cải tổ chính sách quản lý xã hội và cắt giảm chi phí. Chi tiết chính sách cắt giảm chi phí của chính phủ không được công bố ra ngoài. Hiện nay người dân sử dụng dịch vụ y tế và giáo dục đều phải trả lệ phí. Quan điểm khó hiểu của Ngân Hàng là lệ phí này là để "giúp người nghèo", tăng dịch vụ căn bản vơi ngân quỹ cắt giảm, và hạn chế lại nền giáo dục cao cấp. Bây giờ, những gia đình thật nghèo không cho con đi học được nữa. Con gái phải chịu thiệt thòi vì con trai mới ưu tiên được đi học lên cao.

Một viên chức đại diện World Bank nói "Tôi là một nhà kinh tế vĩ mô, tôi thật sự không biết về những vấn đề ngoài lãnh vực kinh tế này." Dựa theo mô hình mà những kinh tế gia của World Bank tại Vietnam Country Desk sử dụng, môi sinh đã không có giá trị kinh tế. Mặc dù World Bank đã có rất nhiều pho tài liệu phân tích về môi trường và những khuyến cáo phát triển bền vững, sự thiếu sót nói trên trong cấp điều hành của World Bank có thể coi là điều cần báo động vì họ đã không chú ý đến tệ nạn cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi sinh. World Bank đã nhấn mạnh rằng Việt nam phải tiếp tục đầu tư có hiệu quả và phát triển tối đa. Tài trợ của World Bank tùy thuộc vào việc Việt Nam tiếp tục tiến trình tăng trưởng dựa vào xuất cảng mà World Bank nhiệt liệt tán thành.[5]
Những Vấn Ðề Môi Sinh và Nền Kinh Tế Xuất Cảng Dựa Vào Tài Nguyên Thiên Nhiên
Phá rừng có thể là mối đe dọa lớn nhất cho môi trường và phát triển của Việt Nam. Rừng vùng Tây Bắc đã có thời Tố Hữu coi là "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" nay chỉ còn có 13.3% mà thôi. [1] Hiện tại có 9.3 triệu mẫu (hecta) được phân loại như rừng (kể luôn các đồn điền). Chỉ 1.4 triệu mẫu được xem như rừng che kín. Diện tích rừng bị mất đi ước tính khoảng 200,000 mẫu: 50% bị làm gỗ đốt, 25% bị phá làm đất nông nghiệp, và 25% bị cháy.[5]

Nạn phá rừng đã làm mất đi khả năng thấm hút và giữ nước của Cao nguyên gây ra lũ cuốn lụt lội và thất thoát đi một trữ lượng nước lớn cần trong mùa khô. Hiện tượng sói lở và lụt lội đã tàn phá những vùng đất nông nghiệp thấp của Việt Nam, hủy hoại đồng lúa, rừng đước, và công nghiệp cá ven biển.
Có khoảng 365 loài thú có cơ nguy diệt chủng đang sống trong rừng bao gồm rùa Javan Rhinoceros, voi Á Châu và cọp. Theo thống kê của Government's Biodiversity Action Plan, " Tại Việt Nam, 28% là động vật có vú, 10% là chim, và 21% là loài bò sát và lưỡng cư phải đối đầu với nạn diệt chủng." Từ năm 1970 đến 1994, số lượng cọp từ 3000 xuống khoảng 200 con, và tê giác từ 300 xuống còn 25 con. Viên chức của United Nations Development Program, Rob Morey phát biểu rằng, "Nếu như đà phá rừng này cứ tiếp tục nữa, trong tương lai sẽ hoàn toàn không còn rừng để che phủ môi sinh trong năm 2020" [5]

Vài công ty nước ngoài đã đầu tư những qui trình sản xuất bột giấy và ván ép vào Việt Nam. Nước ngoài làm chủ 100% từ việc độc canh cây khuynh diệp (bạch đàn) đến việc thu hoạch cho sản phẩm giấy. Nông nghiệp đặc trưng được gieo trở lại với những giống ngoại lai như khuynh diệp và cây keo. Những giống cây này hút rất nhiều nước làm mực nước ngầm phải rút xuống sâu, mặt đất hóa cằn cỗi và không tạo được môi trường sống cho các chủng loại động vật đa dạng. Rừng công nghiệp cho kết quả nhanh, ba năm đã có gỗ, nhưng không có khả năng che phủ tốt, hấp thụ mất quá nhiều nước, diệt hại các thảo mộc địa phương và làm giảm thu hoạch nông phẩm cho dân sinh sống trong vùng.[14]
Quyền Sở Hữu Ðất Ðai

Nạn phá rừng ở Việt Nam là một trường hợp cổ điển: Nhà nước làm cho tất cả đất đai nên không có động lực thúc đẩy cá nhân giữ gìn tài sản công cộng. Quyền sở hữu là điều kiện cần thiết để nền kinh tế lâm nghiệp trở nên bền vững. Luật lệ về đất đai tuy thừa nhận quyền sở hữu, lại cho giới chức cấp tỉnh có quyền phân phối, sử dụng và tịch thu đất đai. Ðiều này tạo ưu thế cho các kế hoạch nông nghiệp thương mại và hại cho sinh kế của người thiểu số. Sắc lệnh về rừng ấn định các vùng được bảo vệ hay được quản lý vơi quyền khai thác. Tại các vùng "đất trơ cằn", chính phủ trợ cấp để gây rừng, nhưng phần lớn dân cư không tham gia.

Việc thiếu minh bạch trong việc phân định quyền sở hữu đất đai dẫn đến hậu quả không ai lo bảo trì gìn giữ đất mà chỉ còn khai thác ngắn hạn "ăn xổi ở thì". Việc kiểm tra tài nguyên và đất đai phải được giao cho cộng đồng địa phương quản lý và giao cho người dân và gia đình họ chăm sóc lâu dài. Chính phủ nên cho phép chính dân địa phương không phải chính quyền địa phương mà thôi] có quyền quyết định về việc phát triển và cách sử dụng đất đai của họ. Khi nào người dân hành động do thôi thúc của quyền lợi chính họ, chính quyền sẽ bơt đi gánh nặng kiểm soát, việc phát triển Mới bền vững tự nhiên và đối tác giữa thiên nhiên và loài người Mới thực lên được mức tối ưu.

Chính Sách Di Dân Ðịnh Cư Du Mục
  Sau năm 1975, chính quyền Việt Nam bắt đầu kế hoạch di dân cấp lớn lên những vùng cao nguyên để giảm mật độ dân số ở miền Bắc, ổn định địa hình chính trị và an ninh. Chính quyền Việt Nam đã huy động 4.8 triệu người Kinh từ đồng bằng di dân lên những "vùng kinh tế Mới", tại Trung Nguyên và Cao Nguyên. Theo Rainforest Action Network, kế hoạch di dân vào tỉnh Ðắc Lắc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chính quyền dự định di chuyển trên 1 triệu người đến lập nghiệp ở khu biên giới Cambodia, khai phá rừng sâu, trồng trọt nông sản như tiêu, cà phê, và cao su. Những kế hoạch này đã làm tăng áp lực khai khẩn trên những khu vùng cao và đẩy những dân tộc thiểu số ra ngoài lề. Ba phần tư rừng bị phá hủy có thể qui trách vào chính sách di dân ở những khu vực nàỵ [5] Chính sách này không những gay gắt trên những vùng môi sinh vốn mong manh nhất của đất nước mà còn gây ra các vấn đề xã hội và cơ hội tái phân phối tài sản theo ân huệ chính trị.

Nông Nghiệp Du Canh
 
Nông nghiệp du canh của dân tộc thiểu số là phương pháp làm ăn nhỏ, đốn và đốt để dọn dẹp những miếng đất nhỏ trong rừng để canh tác. Trước khi bỏ đi nơi khác du canh họ dọn dẹp lại rồi để nguyên cho đất phục hồị Theo truyền thống, những miếng đất này rất nhỏ so vơi diện tích mênh mông của rừng, do đó nông nghiệp cổ truyền không phá hoại rừng mà lại vững chắc nhờ cho đất được để cho phục hồi trở lạị Edward Goldsmith ghi chú, "Quả thật, rừng còn tồn tại cho đến ngày hôm nay là một sự thành công kỳ diệu của hệ thống du canh cổ truyền trên vài thế kỷ". Người Cao nguyên bây giờ trồng trọt theo cách này là việc khó khăn vì họ không còn chỗ du canh khi rừng đã bị người di dân định cư lên chiếm đóng."

Khi người di dân và chính quyền lên thăm dò để lùng tìm các vùng đất canh tác mới thường lầm lẫn cho những mảnh đất tạm nằm hoang đó là không có chủ hay không ai canh tác. Có khi biết đất đang tạm bỏ hoang nhưng quyền sử dụng cố hữu của người du canh không được họ nhìn nhận.[5]
Thủy Ðiện

Ðể đáp ứng nhu cầu điện năng của công nghiệp, năm 2020 sẽ là 100 tỉ kw giờ. Hiện tại khả năng sản suất điện năng cuả Việt Nam là khoảng 14.5 tỉ kw giờ một năm. Hiện công suất điện năng đang có là 5,000 megawatt (MW), sẽ cần tăng lên 14,000 MW trong năm 2010. [9] Việc gia tăng điện năng đang được theo đuổi bằng các lò than đốt, khí đốt và ngay cả những lò hạt nhân. Thủy điện hiện là nguồn năng lượng chính yếu mà Việt Nam muốn khai thác thêm nhiều .

Thủy điện tuy không nhả khói tỏa nhiệt ra trời, không có các ống khói cao vút như nhiệt điện, nhưng không nhất thiết là nguồn điện năng có hiệu suất cao, giá thành rẻ và trong lành nhất cho loài người. Kỷ nguyên xây đập đã cáo chung tại các quốc gia tân tiến, con cháu họ đang tìm cách đóng cửa các nhà máy thủy điện, tháo hồ nước, mở cửa đập, mong làm sống lại các dòng sông mà thế hệ cha ông đã lỡ lầm hủy hoại. [10] Dù thế, hơn một tá dự án thủy điện đã được đề bạt ra tại Việt Nam. Dự án Mới và gây nhiều tranh luận nhất ở Sơn La, còn gọi là đập Ta Bu, vơi ươc tính phí tổn 3,5 tỉ USD, cho công suất 3.600 MW và 17 tỉ kw giờ năng lượng. Ðập Sơn La lớn gấp đôi đập Hoà Bình, mà Hoà Bình vốn đã là con đập lớn nhất Ðông Nam Á. Hồ chứa nước cho đập Sơn La sẽ làm ngập hầu hết các cánh đồng lúa trên Lai châu và Sơn La và phải tản cư ít nhất 70.000 người sắc tộc, tác động đến sinh kế của 110.000 người ở thượng nguồn. [11] Rút kinh nghiệm từ Hoà Bình, đa số người phải di tản không phải là người Kinh mà là sắc tộc thiểu số. Kế hoạch tản cư của Hoà Bình đã đền bù trung bình chỉ có 500 mét vuông đất cho mỗi gia đình. Ngay trong cuộc chiến chống Pháp, tuyên truyền chống chế độ thuộc địa đã nhấn mạnh là gia đình nông dân nghèo cũng cần đến 1000 mét vuông Mới tạm sống được. Vốn vẫn canh tác trên đất ẩm màu mỡ, người bị tản cư nay phải gỡ đất trồng cấy bên các sườn núi khô cằn và dốc cao quanh hồ chứa dưới nạn lở sói đất lan rộng khiến họ không thể nào tái lập kế sinh tồn.

Philip Hirsch ghi nhận "Phần lớn số người phải tản cư vì hồ chứa phải chịu điều bất công là họ chẳng được hưởng ánh đèn thắp sáng hay phúc lợi gì khác từ con đập". Công trình Hoà Bình đã giúp phần nào việc chống lũ lụt, nhưng chính nó lại cản phù sa cần thiết trong việc canh tác hạ lưu, làm nhu cầu dẫn thủy và phân bón hóa học tăng lên, thu hoạch nông dân và ngư dân giảm xuống. Sự soi mòn thượng nguồn và ven hồ chứa đã dồn trầm tích vào hồ khiến thời gian hữu dụng của Hoà Bình phải giảm từ 300 năm xuống dưới 100 năm [12]. Dự án Hoà Bình sử dụng mất 70% tổng số lượng gỗ sản suất ra từ lưu vực sông Ðà. Dự án Sơn La, nếu tiến hành, sẽ cần đến một số lượng gỗ lớn lao hơn và sẽ phải lấy ở ngay một vùng rừng đã kiệt quệ.

Ổn Ðịnh Môi Sinh và Tăng Trưởng Kinh Tế Tại Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia vừa hết chiến tranh, đã bị phơi mình dưới hàng ngàn tấn hóa chất độc hại, nay lại phải đối phó trước mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi sinh. Thêm vào đó là sự tranh chấp quyền lợi và quyền lực gay gắt trong nội bộ chính quyền. Bài học nhà máy than đá Quảng Ninh bị đóng cửa khi vừa xây xong là một điển hình.[13] Người Việt nói chung hiện không bận tâm nhiều đến số lượng tài nguyên cần phải gìn giữ lại hay việc bảo trì môi trường chung. Với dân số tăng nhanh, tài nguyên cạn hiếm dần, sự khai thác sẽ càng thêm khốc liệt trên nguồn tài nguyên còn sót lại mà 80% dân số ở thôn quê cần có để sinh tồn.

Vậy làm sao để bảo vệ kho tài nguyên đất nước và môi sinh lành mạnh mãi cho đời sau với khả năng kỹ thuật hạn hẹp của mình? Chi phí bảo vệ tài nguyên và môi sinh lấy ở đâu ra ? Không phải tìm ở đâu xa, mà ở những nguồn đang thụ hưởng mà người dân nào trong nước cũng thấy trước mắt; ở ngay các xí nghiệp đang ngang nhiên thải độc hàng giờ thẳng ra môi trường; ở những khoản phung phí nhập cảng hàng xa xỉ [gánh nặng cho cán cân mậu dịch mà chỉ giúp tăng trưởng kinh tế các nước ngoài].

Lấy đâu ra điện năng đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ nếu không tiếp tục trực tiếp khai thác môi sinh và xây dựng thêm nhà máy ? Năng lượng có thể để dành ra bằng cách tận lực bảo toàn, tránh lãng phí, dùng thiết bị hiệu quả cao, và quản lý nhu cầu tiêu thụ lẫn thất thoát. Nước Mỹ đã nhờ vào đó mà trong thập niên qua đã giảm tiêu thụ năng lượng quân bình đi được 25-50%, trong khi nền kinh tế vẫn phát triển đều đặn. Tại Việt Nam, tiềm năng tiết kiệm này phải còn cao hơn thế nữa.

Tìm đâu ra chuyên viên kinh nghiệm để giao phó trọng trách này ? Hiện đã có nhiều nhân tài, đã ở trong nước, và ngay trong các viện khoa học và cơ quan môi trường. Chuyên viên ở đâu cũng cần được huấn luyện, học kinh nghiệm và có dụng cụ để thi hành trọng trách của họ. Nhưng gánh nặng trên vai họ sẽ nhẹ đi rất nhiều, nếu được sự hậu thuẫn triệt để nhiệt thành và quyết liệt của pháp luật ngay từ thượng đỉnh. Khi đó, giới đầu tư không còn lý do để nghi ngờ lòng cương quyết bảo vệ tài nguyên và môi sinh của đất nước. Khi đó, mánh mung và lèo lách không còn là con đường pháp lý hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất. Khi đó, các chuyên viên, vốn có lòng sẽ xả thân đem "quách cả sở tồn làm sở dụng". Những nguồn đầu tư đứng đắn lâu dài sẽ tìm về thay thế những đối tác ngắn hạn thu mau. Khi đó, cả tình trạng môi trường lẫn công lý xã hội sẽ lành mạnh sống lại.

Dân tộc Việt đã giữ cõi bờ bằng lòng hy sinh suốt cả lịch sử, ngày nay vẫn không thiếu những người dân đang hy sinh, và trí thức sẵn sàng dấn thân cho khoa học và xã hội, nhưng sự hy sinh lịch sử cần thiết lần này không phải là của người dân, cùng không phải của giới trí thức, mà là của những người cầm quyền có lương tâm và ý thức.

(11/1998)

Tài Liệu Tham Khảo:

  1. Lê Huy Bá - Nguyễn Ðức An, Quản Trị Môi Trường Nông Ngư Nghiệp, 1996.

  2. Lê Huy Bá, Môi Trường, 1997.

  3. Lâm Minh Triết, Khảo Sát Ô Nhiễm Công Nghiệp TPHCM, 1994.

  4. Mai Thanh Truyết, Ô Nhiễm Nước & Vấn Ðề Môi Sinh ở TPHCM Ðại Hội Khoa Học KỹThuật Việt Nam, Anaheim, CA 1997.

  5. Sandy Buffett, Viet Nam's Development Path & Implications for Natural Resource Degradation, American University 1996.

  6. World Bank, Vietnam at a Glance, 10/1/98.

  7. Transparency International,1998 Corruption Perception Index.

  8. World Bank, World Development Indicator 1998.

  9. Reuters, Hanoi, October 17.

  10. Phạm Phan Long, Kế Hoạch Khai Thác Sông Mekong Ðại Hội Khoa Học Kỹ Thuật ViệtNam, Anaheim, CA 1997.

  11. Patrick McCully, Silenced Rivers, The Ecology and Politics of Large Dams, 1966.

  12. Phillip Hirsch et. al., Politics of Environment in South East Asia, 1998.

  13. Bach Tan Sinh, Environmental Policy and Conflicting Interests at Quảng Ninh, The Politics of Environment in Southeast Asia, 1998.

  14. Watersher, Natural Forest is The Right of Local People, Vol 3., No. 3, June 1998.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét