Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Đất, một yếu tố của Tứ Đại

Thái Công Tụng

1. Tổng quan
 
Tứ Đại là bốn cái lớn trong vũ trụ: đất, nước, gió, lửa. Bốn chất này đi liền với hành tinh Trái Đất ta đang sống . Đầu tiên là đất như đất nằm trên các lục địa như Mỹ châu, Á châu, Phi châu, tượng trưng cho chất rắn . Nước ngoài đại dương, trên sông ngòi, tượng trưng cho chất lỏng. Gió tức không khí giúp các động vật sinh sống, tượng trưng cho chất khí còn lửa là năng lượng cho mọi hoạt động của loài người có thể biến đổi chất đặc, chất lỏng thành chất hơi.

Trong cơ thể động vật cũng có Tứ Đại:
Yếu tố đất: như tóc, răng, da, thịt, xương, các cơ quan
Yếu tố lửa trong cơ thể giúp năng lượng cho sự hô hấp, tiêu hoá, tuần hoàn
Yếu tố gió như không khí trong phổi, hơi thở.
Yếu tố nước như máu, mồ hôi, nước mắt, nước tiểu

Trong cơ thể thực vật thì đất hoặc chất rắn là vỏ cây, thân cây; nước như nhựa nguyên chuyên chở các chất khoáng để nuôi cây; gió là không khí qua các khí khổng trong lá nhờ đó cây hút được chất CO2 qua hiên tượng quang hợp; lửa cũng là năng lượng chuyển hoá các dưỡng chất cho cây trồng.
Bài tham luận này đặt trọng tâm vào đất, một yếu tố của Tứ Đại và càng ngày được mọi người chú ý đến vì đất là một yếu tố quan trọng về môi trường.

2. Đất, một yếu tố quan trọng về môi trường

Trái đất ta ở có sông ngòi, có biển cả, có núi non, có thung lũng… nhưng trên hết có đất. Đất giúp cây cối có thể bám rễ vào, đất giữ được nước đủ thời gian để rễ cây có thể hút được nước nuôi thân, nuôi lá, nuôi hoa. Đất cũng chất chứa vô số vi cơ thể để hoàn thành nhiều biến đổi sinh hoá như hủy hoại các động vật chết. Trong đất cũng còn có mối, kiến, giun đất. Và chính nhờ các hoạt động của các loài này mà đất có một đời sống.

Đất là một cơ thể sống: nhận vào, biến đổi, hủy hoại, phế thải. Đất không hiện hữu mà không có đời sống và đời sống không hiện hữu nếu không có đất. Loài người xây cất trên đất, trong đất và với đất. Đất không phải chỗ nào cũng giống nhau: sự sử dụng đất đai muôn màu muôn vẻ của con người (đồng cỏ, đô thị, ruộng lúa, sân banh…) đã phản ánh sự đa dạng của đất.

Đất đi liền với con người nên ca dao, tục ngữ, thi văn cũng nhan nhãn nhiều câu có chữ đất : đất thiêng, thần đất, thổ thần, thổ nghi, phong thổ, địa linh nhân kiệt v.v. Trong kinh Phật cũng có một kinh gọi là kinh Địa Tạng.

Trần Hồng Châu có thi phẩm Nhớ đất thương trời; nhà sử học Tạ Chí Đại Trường có sách Thần, Người và Đất Việt; tục ngữ ta có câu Đất lành chim đậu; thi bá Nguyễn Du nói về Từ Hải là người đội trời đạp đất ỏ đời hoặc:
Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên
Làm nên động địa kinh thiêng đùng đùng. 


Có những khủng hoảng lớn, người ta nói là đất bằng nổi sóng. Và cũng chính Nguyễn Du cũng đã sử dụng hình ảnh đất trong câu:
Gặp cơn bình địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em


Khi thề nguyền cũng đem đất ra mà chứng giám:
Một lời đã trót thâm giao
Dưới dày có đất, trên cao có trời

Tản Đà cũng nói về đất:
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười


Một tiếng hát hay, người ta cũng dùng chữ đất như ‘tiếng hát từ lòng đất’. Người Pháp cũng có chữ chanson tellurique, có nghĩa là tiếng hát hay quá, như tuồng phát xuất từ cõi sâu của lòng đất mẹ và như thế mới có chiều sâu và đi vào lòng người.

Tài nghệ văn chương, Nguyễn Du cũng dùng chữ đất như trong câu nói về chàng Kim Trọng:
Nền phú hậu, bậc tài danh
Văn chương nết đất, thông minh tính trời, 


Vô hình chung, danh từ đất thân thương đến nỗi ăn nhập vào nói chuyện, vào lời thơ tiếng hát, vào ca dao tục ngữ tóm lại vào đời sống cả vật chất lẫn tâm linh của con người Việt như trong câu ca dao:
Đất có bồi có lở
Người có dở có hay
Em nguyền một tấm lòng ngay
Đinh ninh một dạ đến ngày trăm năm


hoặc trong câu hò đối đáp nam nữ:
Nữ:
Phận em là phận má đào,
Nên chăng trời định biết sao bây giờ,
Chẳng nên riêng chịu tiếng hư,
Hỡi người quân tử bây giờ biết tính sao?


Nam:
Đất thấp, lại trời cao.
Dù cho đến chết anh nào dám quên!
Gặp nhau đây ta hãy phỉ nguyền,
Chết đi em hóa làm nước, anh liền làm (cá) để theo em.


Và cứ mỗi năm, người Việt có tục xông đất vào sáng mồng một Tết vì họ tin là người đến đầu tiên trong nhà mình,- tức xông đất-, ảnh hưởng đến công việc làm ăn suốt năm đó!

Nhưng vượt lên trên các thơ, phú, ca dao, tục ngữ, hò đối đáp, tập quán v.v. , đất là một tài nguyên quan trọng, nhưng lại ít người để ý . Khi dân số hiện nay trên 6 tỷ người và sẽ xấp đôi chỉ trong vòng 50 năm nữa, sản lượng lương thực cũng phải theo kịp với đà tăng dân số .Trong khi đó thì tài nguyên đất suy giảm với ô nhiễm, với sa mạc hoá, mặn hoá, mất dần với đô thị hoá và kỹ nghệ hoá . Con người phải hiểu thêm tài nguyên đất: đất là gì, đất từ đâu đến, các mối tương quan giữa đất và các yếu tố khác, nhân quả và các chu kỳ trong đất, ý nghĩa tâm linh của đất v.v.
Bài tham luận này cố gắng giải đáp các câu hỏi đó .

3. Đất là gì?
 
Như vậy, các nhà thơ, nhà văn đều có đề cập đến đất, nhưng thử hỏi đất là gì ? Đất là do sự hủy hoại của các loài đá khác nhau, dưới tác động của mưa, của gió, của các sinh vật Với thời gian, đất càng lúc càng dày hơn và tự biến đổi; đất dung nạp các chất hữu cơ do thực vật, rễ cây chết đi, các chất sét .. cũng như các biến chất khác như màu sắc (đất đen, đất đỏ, đất xám..), các tầng đất (đất mặt, đất sâu ..). Nếu so với chiều sâu của qủa địa cầu thì đất rất ư là mỏng, vì chỉ dày từ vài cm đến vài mét .Tuy mỏng nhưng lại rất quan trọng vì giữ nhiều chức năng cho sự sống còn của con người. Đất trồng trọt được chỉ chiếm 17% diện tích các lục địa, tức 5.5% diện tích trái đất (không tính đến diện tích rừng)
Đất cũng rất đa dạng vì có thể biến đổi theo loại đá, theo khí hậu, theo địa hình, theo thảo mộc và theo thời gian. Đất ra đời cùng với sự sống nghĩa là từ lâu lắm, trước khi loài người xuất hiện. Và từ khi loài người hiện hữu thì đất đã cưu mang con người. Nếu sống gần đất phì nhiêu thì kinh tế phồn thịnh, dân tình ấm no, văn hoá nẩy nở. Nhiều nền văn minh điêu tàn vì đất kiệt quệ, nghèo nàn. Các nền văn minh nhân loại cũng từ vùng đất phù sa phì nhiêu như dọc sông Nil, sông Tigre và Euphrate ở Trung Đông, sông Hồng ở Việt Nam, sông Hoàng Hà và Dương Tử ở Trung Quốc, sông Hằng ở Ấn Độ .

Với con người thì đất như hình với bóng: đất dưới chân ta đi, dưới nhà ta ở, dưới đường ta xây. Đất cũng trước mắt ta với muôn vàn phong cảnh: này là đồng bằng xanh mát, nọ là núi rừng âm u, kìa là bưng rạch ngổn ngang.

Đất tạo ra của cải, tác động đến sự giàu có.

Phải mất rất nhiều năm, có khi hàng trăm năm đất mới hình thành nhưng nhiều tính chất của đất như độ xốp, độ phì nhiêu, cấu trúc, hoạt động sinh học v.v. lại có thể đổi thay nhanh chóng. Thời gian tạo thành đất thường lâu dài vì mọi quá trình như trực di, tích tụ, bào mòn, phân huỷ thực vật, trao đổi cation đều rất chậm và trải dài trên hàng ngàn năm. Có đất trẻ vì được bồi tụ mỗi năm như đất phù sa ven sông suối nhưng cũng có đất già nua trong đó nhiều tính chất đất không thay đổi nữa.

4. Đất và các tương quan
 
Nếu vẽ ra 4 vòng tròn giao nhau: vòng tròn thứ nhất tượng trưng cho thủy quyển, vòng tròn thứ hai tượng trưng cho khí quyển, vòng tròn thứ ba cho sinh quyển, vòng thứ tư cho thạch quyển thì phần chung của 4 vòng tròn đó chính là thổ quyển.
Thực vậy, thổ quyển liên hệ với cả 4 cái quyển kia:

4.1 Đất liên hệ với thạch quyển
 
Trái đất ta ở khi khởi đầu cách đây hơn 4 tỷ năm chỉ là một hình cầu nóng chảy. Lửa, hơi nóng và vật chất dưới lòng đất có thể phun lên cao nếu cấu trúc dưới lòng đất nơi đó thuận tiện để nó len lỏi đi lên.Vật chất phun lên từ núi lửa một phần là chất lỏng, một phần chất rắn và một phần là khí, tất cả đó được gọi là magma (dung nham). Dung nham gồm những đá núi lửa bazan lần theo những khe nứt dẫn lên trên đất liền hay miệng núi tìm đường phun trào ra ngoài, chảy tràn lan như một dòng 'suối lửa'.

Dần dà , đá nguội lại trên mặt tạo ra vỏ trái đất. Đá lại bị phong hoá rồi tạo ra đất.
Trên Trái đất có núi, có đồng bằng, có thung lũng.

Đá mẹ sinh ra đất có thể là đá phún xuất như granit, bazan; cũng có thể là đá biến chất như diệp thạch, sa thạch do đó các loại đất cũng khác nhau. Đá mẹ ảnh hưởng đến phần lớn đặc tính vật lý và hoá học của đất.

Địa hình như đình đồi, lưng chừng đồi, chân đồi v.v. Địa hình ảnh hưởng dến sự thoát nước trong đất, mức độ xói mòn và thảo mộc nên có ảnh hưởng đến đất. Địa hình cũng ảnh hưởng đến sự phân phối các loại rừng thiên nhiên: rừng ven sông suối, rừng núi cao, rừng ven biển v.v..
Tại miền châu thổ, đồng bằng mới nhìn qua thì bằng phẳng nhưng về ẩm độ trong đất, có ruộng cao<, ruộng thấp: ruộng cao thì dễ thoát nước hơn, nước trong ruộng ít hơn, khó tát nước hơn; có ruộng sâu úng thủy, đất nặng hơn nên kỹ thuật canh tác cũng khác.

Ca dao ta có câu:
Rủ nhau đi cấy, đi cày
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa


Trên đồng cạn, dưới đồng sâu đã vô hình chung nói lên địa hình và đất đai: địa hình đất có chỗ cao, chỗ thấp. Lại thêm câu ca dao:
Ra đi mẹ có dặn dò
Ruộng thấp thì cấy, ruộng gò thì gieo

hoặc câu hát ru em:
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về


Các chân ruộng thấp cũng như đồng sâu trong ca dao trên là các ruộng có mực nước gần mặt đất, thường có ẩm độ cao nên phải cấy còn ruộng gò thì mực nước trong ruộng ở sâu, ít ẩm độ trong đất, không có nhiều nước để cấy cho nên phải gieo hạt.

Vì ẩm độ đất tương quan với địa hình nên thực vật cảnh ở chân đồi, ở ven sông, khe, suối cũng khác thực vật cảnh các chỗ cao. Gần hồ ao, khe suối, có nhiều lau sậy:
Vi lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một mình
hay cây liễu :
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

4.2 Đất liên hệ với sinh quyển
Cụm từ đất lành chim đậu cho thấy ngay có tương quan giữa thổ quyển (đất) và sinh quyển (chim). Đất giúp cho sự sinh trưởng thực vật trong sinh quyển, xuyên qua các dưỡng liệu như chất đạm, lân, potat, các vi lượng nhưng ngược lại sinh quyển với cây cối cũng bị các loài vi khuẩn, nấm, giun, mối, kiến phân huỷ để rồi trở về đất . Lớp đất mặt có nhiều vi sinh vật giúp đất có thêm chất hữu cơ, chất khoáng giúp cây trồng. Sinh quyển cũng bao gồm rừng cây mà trên Trái Đất ta ở cũng có các loại rừng khác nhau.

4.3 Đất cũng liên hệ với khí quyển, nghĩa là với khí hậu thông qua sự bốc hơi, bay hơi, mưa, nắng, gió ; khí hậu ảnh hưởng đến nhiều tiến trình tạo ra đất: đất vườn Lâm Tì Ni, nơi Đức Phật đản sanh khác với đất vùng Bồ đề đạo tràng, cũng khác với đất núi Linh Thứu. Nói khác đi, khí hậu ảnh hưởng trên đất đai thông qua vai trò của mưa, của loại và số lượng thảo mộc, độ phong hoá, mức độ phân hủy chất hữu cơ và tiến trình hoá học

4.4 Đất cũng tương quan với thuỷ quyển
Nước mưa, nước tưới phải xuyên qua đất mặt mới xuống được nước ngầm. Đất đi liền với nước vì mọi sự rửa trôi trên đất cũng trôi về sông ngòi và biển cả và sự xói lở sông suối kéo theo các trầm tích phù sa cho đất. Nước mưa một phần do cây hấp thụ, một phần bị bốc hơi nhưng phần lớn lại nằm trong đất ngầm, tạo ra nước. Đất cần nước để thực vật hút các dưỡng liệu trong đất vì nếu đất khô quá, cây sẽ chết. Dẫn nước vào ruộng, tưới cây giúp đưa đất đến ẩm độ cần thiết cho cây mọc. Nhiều cây không chịu được nước nhiều do đó phải thoát nước:
Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đều


Nhờ rừng giữ được ẩm độ trong khí quyển làm nước ngầm nhiều hơn. Ngoài ra, khi độ che phủ của rừng và chất lượng rừng tăng thì về mùa mưa, các hiện tượng chuồi đất, lở đất, lũ quét cũng sẽ giảm đi. Mùa nắng nhờ rừng cây nên khe suối không bị khô cằn, cho thấy khả năng sinh thuỷ của rừng đầu nguồn. Cây xanh cũng làm tăng chất lượng của môi trường sống bằng cách giảm sự chói chang của ánh nắng, giúp không khí mát dịu hơn, trong lành hơn.

Thành ngữ Việt Nam có cụm từ: đất nước.

Đất giúp nước mưa thấm vào lòng để làm nước ngầm, giúp giếng có nước sinh hoạt . Nhờ đất trữ được nước, nếu không thì nước chảy thẳng ra sông, ra biển.
Sau đây là sơ đồ trình bày về các tương quan nói trên:



Như vậy, đúng như học thuyết Phật giáo, mọi việc đều trùng trùng duyên khởi, cái này có vì cái kia có và mọi vấn đề đều tương quan, tương liên, tương tác, tương thuộc với nhau .

Trong bài thơ Bà Huyện Thanh Quan:
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà


ta cũng thấy đất, bầu trời, cỏ cây hoa lá hiện hữu như một toàn thể tính tương trợ lẫn nhau và nếu thiếu sự tương tác, bức tranh toàn bích kia sẽ bị khập khểnh. Tương tự như thế, giản đồ trên cho ta thấy cả một chuỗi dài hiện tượng vật chất lệ thuộc vào nhau, sinh sinh hoá hoá, vô thuỷ vô chung, từ ngàn xưa đến mãi ngàn sau, có sanh, có diệt, có luân hồi.

5. Nhân quả, luân hồi và đất

Luật nhân quả cho biết nếu mình gây ra ác quả thì cũng sẽ tạo ra các ác báo: nếu con người tàn phá thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ quật ngã lại ta. Và Đức Phật cũng nói trong kinh Địa Tạng, qua lời Địa Tạng Bồ Tát, trong phẩm Nghiệp cảm của chúng sanh:

Nếu gặp kẻ buông lung săn bắn thời ngài dạy rõ quả báo kinh hãi điên cuồng mất mạng, nếu gặp kẻ đốt núi rừng cây cỏ thời ngài dạy rõ quả báo cuồng mê đến chết, nếu gặp kẻ dùng lưới bắt chim non thời ngài dạy rõ quả báo cốt nhục chia lìa.

Vô hình chung, qua lời giáo huấn đó, Đức Phật đã nêu rõ các vấn nạn môi sinh của thời đại ngày nay như cần bảo vệ đa dạng sinh học, không phá rừng v.v.

Thực vậy:
-phá rừng trên núi cũng đem đến những hậu qủa tiêu cực như hồ thuỷ điện bị bồi lấp nhanh chóng, sụp lở bờ sông, lưu lượng nước sông kém đi nên vào cuối mùa nắng, nước mặn ngoài biển xâm nhập sâu trong đất làm đất bị nhiễm mặn.

-phá rừng ngập mặn duyên hải nên không có hàng rào thiên nhiên che chở chống gió bão, làm đất mặn dễ bị phèn hoá vì khi thoát nước, lớp phèn dưới đất sâu dễ bị oxydhoá.

Luân hồi trong đất. Luân là bánh xe, hồi là trở lại .Luân hồi có nghĩa sinh ra, chết đi rồi sinh lại, vòng đời cứ tiếp tục mãi như thế.

Trong đất, có nhiều chu kỳ sinh sinh, hoá hoá, từ chu kỳ cacbon, chu kỳ nitơ cho đến chu kỳ nước, chu kỳ lưu huỳnh v.v.

Đất là một cõi đi về: thực vật trên mặt đất cũng như các loài Tảo dưới biển, nhờ ánh nắng mặt trời có thể hút chất CO2 và nước để tạo ra các hydrat cacbon và oxy theo phương trình:
6CO2 + 6H2O --> C6H12O6 + 6O2.
Đó là hiện tượng quang hợp. Và nhờ oxy này mà các động vật có thể tồn tại, sinh trưởng. Động vật, kể cả loài người hút chất oxy qua sự hô hấp:
C6H12O6 + 6O2 --> 6CO2 + 6H2O

Nói khác đi, hiện tượng hô hấp là hiện tượng đảo ngược hiện tượng quang hợp.

Ngoài ra, khi thực vật và động vật chết đi, các vi cơ thể trong đất như vi khuẩn và nấm sẽ biến đổi chất hữu cơ (chất mùn, xác rề, lá ..) thành chất vô cơ (sulfat, cacbonat, nitrat ..) để rễ cây hấp thụ. Thực vậy, đất không phải là vật vô tri vô giác mà là cả một kho tàng mầu nhiệm với muôn vàn vi sinh vật trong đó. Nhờ các vi sinh vật trong đất nên mới có chất mùn hữu cơ vì chất này do sự huỷ hoại của rễ thực vật. Các vi sinh vật có thể rất nhỏ như vi khuẩn, tảo, nấm và nguyên sinh động vật hoặc các tuyến trùng cho đến những sinh vật thấy được bằng mắt trần như giun, côn trùng, bò cạp, dế, mối. Các vi sinh vật ăn, sinh trưởng, di chuyển làm đất tơi thoáng, giàu chất mùn và giúp thoáng hơi. Mạng lưới thức ăn trong đất (food soil web) vận hành theo nhiều cách: chúng phân huỷ chất hữu cơ, xác rễ thực vật, chúng cố định được chất đạm từ khí quyển; chúng làm đất thoáng, giúp nước thấm vào đất dễ hơn và làm giảm đi dòng nước chảy tràn.

Và cứ thế hữu cơ thành vô cơ, vô cơ trở thành hữu cơ, vạn vật từ đó tiếp nối nhau, tái sanh, luân hồi vô tận từ ngàn xưa mãi cho đến ngàn sau, như trong bài hát Ngầu nhiên: ‘Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng’

 
hoặc:
Những ngàn xưa trôi đến bây giờ
Sông ra đi hay mới bước về

(Gần như niềm tuyệt vọng)

Từ trước đến nay, hai hiện tượng quang hợp và hô hấp điều hoà với nhau Xưa kia, có thăng bằng giữa đại dương, thực vật rừng cây và đất đai nhưng càng ngày, có sự mất thăng bằng vì khí quyển tăng nhiều khí CO2 do đốt hoá thạch, do xe cộ, nhà máy phát thải ra trong khí quyển nên trái đất nóng dần; khí hậu biến đổi làm đảo lộn các thăng bằng sinh địa hoá vốn tồn tại hàng ngàn năm trước, với băng hà tan làm nhiều vùng thấp dọc duyên hải bị chìm dưới nước, làm mất đất nông nghiệp.

Tóm lại, hệ thống Trái Đất bị chi phối bởi một số hệ thống lớn trên vũ trụ: đất đi liền với nước qua chu kỳ nước; đất đi liền với khí hậu qua chu trình cacbon v.v . Các chu trình này ảnh hưởng và tác động lên nhau giúp cho đời sống tồn tại trên mặt đất này.

6. Các vấn nạn của đất 
 
Trong khi dân số trên thế giới không ngừng tăng thì tài nguyên đất đai lại càng ngày càng suy giảm. Chỉ kể vài vấn nạn thường nghe thấy hàng ngày trên báo chí : sụp lở bờ sông, nạn cát bay, sa mạc hoá, dòng sông chết, xói mòn, rửa trôi, ô nhiễm đất, đất chuồi, núi lở, sử dụng bừa bãi phân hóa học, hóa chất trừ sâu, diệt cỏ, gây ô nhiễm đất canh tác, nguồn nước mặt, nước ngầm và để dư lượng chất độc hại trong nông sản thực phẩm, suy thoái đất đai làm giảm đi năng xuất sinh học.

Như vậy, sự suy thoái của thổ quyển tác động tiêu cực đến:
-thuỷ quyển: chế độ thuỷ văn thay đổi với lụt, ô nhiễm nước
-khí quyển có nhiều khí nhà kiếng như khí metan từ các đầm lầy, khí cacbonic
-sinh quyển bị biến đổi trên mặt đất và trong đất
-nhân quyển: Tục ngữ ta có câu, địa linh nhân kiệt. Nếu đất đai phì nhiêu thì kinh tế phồn thịnh, kéo theo giàu có và giáo dục; ngược lại, khi đất đai bị suy thoái thì dĩ nhiên, hoa màu cũng bị giảm sút, kéo theo nạn nghèo đói và thất học.

Đất đai có thể suy thoái về lượng và phẩm:

(a) về lượng: nhiều diện tích nông nghiệp trước đây trồng hoa màu thì nay phải nhường chỗ cho các khu kỹ nghệ, các nhà máy, các đô thị trong tiến trình kỹ nghệ hoá và đô thị hoá .Các sân golf cũng chiếm thêm đất nông nghiệp. Tóm lại diện tích đất nông nghiệp càng ngày càng bị thu hẹp, đe dọa đến an ninh lương thực. Đó là chưa nói đến các biến đổi khí hậu cũng làm nước biển dâng lên làm nhiều vùng đất ở các chỗ thấp có thể chìm trong nước.

(b) về phẩm: đất bị xói mòn, đất đồi trọc, bờ sông bị xói lở làm đất bị nghèo thêm dưỡng liệu
Sông ngòi không phải cố định vì có lúc lệch dòng sau một cơn lũ, có khi bi lấp đi như trong bài thơ của Trần Tế Xương (Tú Xương):
Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình mình tưởng tiếng ai gọi đò


Tài nguyên đất đai thế giới có nhiều vấn đề: nạn sa mạc hoá, nạn hoang hoá, nạn mặn hoá, nạn bờ biển bị xâm thực, nạn đất dốc bị xói mòn v.v. và ta có thể phân loại ra 4 dạng ưu thế sau đây:

- xói mòn do mưa (water erosion)
Đất dốc vùng núi rất nhiều và dễ bị xói mòn.. Xói mòn trên các lưu vực sẽ làm các hồ chứa nước bị lắng tụ rất nhanh và làm lòng sông cạn dần, khiến lưu lưọng nước chảy ít đi. Xói mòn làm lớp đất mặt cũng như chất hữu cơ trong đất bị mất đi . Hiện tượng chuồi đất

- xói mòn do gió (wind erosion). Trên thế giới, nhiều vùng rộng lớn bị sa mạc hoá, do chăn nuôi quá tải, do biến đổi khí hậu, do cát bay. Chính vì cát bay, nên diện tích đất nông nghiệp bị giảm mỗi ngày, tác động nên đến cảnh nghèo đói.

-thoái hoá hoá học (chemical degradation). Trong dạng này là mọi suy thoái mặn hoá, phèn hoá, phù dưỡng (eutrophication), ô nhiễm, giảm độ phì nhiêu và chất hữu cơ. Đất cũng có thể bị ô nhiễm bởi các thuốc sát trùng và các hoá chất này có thể tiêu diệt các vi sinh vật trong đất như các loài giun đất, các loại khuẩn vốn giúp đất có cấu trúc cần thiết cho sự mao dẫn hoặc sự bền chặt.

-thoái hoá vật lý (physical degradation)
Trong sự thoái hoá vật lý, phải kể đến đất bị nén cứng như nhiều nơi bên Phi Châu (Mali, Niger ..) do chăn thả quá mức với nhiều đàn bò hàng ngàn con di chuyển tự do, làm đất bị nén cứng, (compaction, crusting) làm đất không thể thấm nước, do đó dễ làm mồi cho sự xói mòn, làm giảm đi khả năng sản xuất của đất. Đất cũng có thể bị xói mòn do sự phá rừng; phá rừng làm đất mặt bị trôi chảy hết, chỉ còn lại lớp đất sâu với sỏi laterit trên đất mặt không trồng trọt được (laterit hoá), ngoại trừ vài lùm bụi thưa thớt.

7. Ý nghĩa tâm linh của đất

Đất không những có giá trị vật chất, tạo ra của cải (thực phẩm, gỗ, củi, dự trữ nước ngầm) mà có cả vai trò văn hoá trong đó có yếu tố tâm linh.

Xưa kia, vào thời kỳ con người đứng trước những mãnh lực thiên nhiên, chỉ biết thích ứng một phần nào chứ chưa có thể làm chủ động hoàn toàn ngõ hầu biến trở lực thành trợ lực thì người Việt luôn tin vào siêu nhiên, thờ phụng mọi thần linh, từ thần cây, thần đất, đến thần sông, thần núi nên ta có Thủy thần, Sơn thần, Thiên thần, Thổ thần...

Theo Nho giáo, đất có mối tương quan giữa Trời và Người: Thiên Địa Nhân. Xưa kia, nhà vua làm lễ tế Trời ở Nam Giao cũng chính là trong mục đích nêu lên cái tương quan đó. Ngày xưa, nước ta có tổ chức lễ Tịch điền là lễ cày ruộng với chính nhà vua đích thân kéo những đường cày đầu tiên trên một thửa ruộng, và đó cũng có ý nghĩa mong cầu cho việc sản xuất nông nghiệp năm mới thắng lợi.

Rồi tục cúng ông Địa. Cúng ông Địa cũng đồng nghĩa với tục thờ Thổ Công vì Thổ Công là vị thần trông coi nhà cửa như trong tục ngữ: đất có Thổ công, sông có Hà Bá.

Làng nào cũng có đình thờ Thần Hoàng là vị khai canh ruộng đất khi mới đến lập cư . Trong câu Kiều cũng có câu:
Bạc sinh quì xuống vội vàng
Quá lời nguyện hết thành hoàng, thổ công
(câu 2131-32)

Danh từ Trời đi liền với Đất, ngụ ý là ruộng đất mùa màng đi liền với thời tiết khí hậu. Hai yếu tố ấy không phải chỉ giới hạn ý nghĩa vào vật chất nhưng còn có ý nghĩa siêu hình thần bí trong đó siêu nhiên dính liền với tự nhiên, phàm trần với tiên cảnh, người sống cạnh người chết, bầu trời với cảnh Bụt nên tục ngữ ta có câu: Trời đất hương hoa, Người ta cơm rượu.

Trong nhiều làng và nhất là ở miền Bắc, có cây đa, cây gạo và dưới gốc cây có thấy cái miễu, hay cái bệ gạch còn gọi là cái án nhiều người đến thắp hương cũng là để cầu thần đất, thần cây bảo vệ cho khu làng được yên ổn.

Trong kinh Địa Tạng, phẩm Địa Thần Hộ Pháp, có một đoạn Đức Phật nói về công đức vĩ đại của Thần Đất: “Thần lực rộng lớn của ông, các thần khác ít ai bằng. Vì cớ sao? Vì đất đai trong cõi Diêm-Phù- Đề đều nhờ ông hộ trợ, cho đến cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, gạo thóc, của báu, tất cả đều do đất mà có, đều nhờ nơi sức thần của ông cả’. Cũng trong kinh Điạ Tạng, phẩmThần Thông trên cung trời Đao Lợi thì các thần khác như Thần biển, Thần sông, Thần rạch, Thần cây, Thần núi, Thần Đất, Thần lúa mạ, Thần chủ ngày, Thần chủ đêm... và ở trong cõi Ta bà cũng đến hội họp nơi cung Trời Đao-Lợi nghe Phật thuyết pháp.
 
Đất là chỗ vị trí thấp nhất, chứa rác thải, tạp chất ô nhiễm nhưng đất không hề oán than. Chính Đức Phật cũng dùng hình ảnh của đất để khuyên người con, tu sĩ Rahula:

Con hãy h†c cách hành xº cûa ÇÃt: dù ngÜ©i ta có Ç° và räi lên ÇÃt nh»ng thÙ tinh såch và thÖm tho nhÜ hoa hÜÖng, nܧc ng†t và s»a thÖm ho¥c ngÜ©i ta có Ç° lên ÇÃt nh»ng thÙ hôi hám và dÖ dáy nhÜ máu mû, nܧc ti‹u và phân rác thì ÇÃt cÛng ti‰p nhÆn m†i thÙ Ãy m¶t cách thän nhiên, không vܧng m¡c t¿ hào cÛng không oán h©n hay tûi nhøc .Vì ÇÃt có dung tích r¶ng l§n, có khä næng ti‰p nhÆn và chuy‹n hoá . N‰u tâm ta r¶ng l§n và vô lÜ®ng nhÜ ÇÃt thì con cÛng có th‹ ti‰p nhÆn và chuy‹n hoá tÃt cä m†i bÃt công và oan úc và nh»ng thÙ Ãy së không th‹ làm cho con buÒn tûi và kh° Çau.

Đất mẹ nhận mọi thứ dơ bẩn từ rác thải, độc chất vậy mà đất mẹ không oán than, không biết hận thù mà lại tìm cách khống chế, chuyển hoá. Như vậy là đất có đặc tính vô ngã, khiêm hạ, nhẫn nhục, không mưu tính chỉ biết âm thầm nuôi dưỡng mọi loài, như vậy đất có đủ các đức tính Từ, Bi, Hỉ, Xả.

Trong kinh Pháp Cú, phẩm A-la-hán, cũng có đoạn nói về đất:
Trơ như đất, tâm không hiềm-hận,
Vững như trụ đồng, mặc cảnh nhục vinh
Trong như hồ nước lắng sạch bùn sình
Bực La-hán dứt Luân hồi lận đận


Nếu ta muốn học theo hạnh của Đất, thì ta phải học tính nhẫn. Nhẫn có nghĩa kiên nhẫn, nhẫn nhịn, nhẫn nhục. Và chính vì thiếu đức tính Nhẫn này mà trong thời đại ngày nay, nhiều cặp vợ chồng tan rã vì không ai nhịn ai, gây tranh cãi to tiếng kéo theo ly thân, ly dị. Tục ngữ ta cũng có câu: ‘Một sự nhịn là chín sự lành’ là cũng đề cao tính Nhẫn.

Nếu ta muốn học theo hạnh của Đất, thì ta phải có khiêm hạ. Lại phải càng khiêm hạ khi con người biết rằng kiếp sống mong manh và con người chết đi thì cũng trở về đất, thành hạt bụi như muôn ngàn vạn vật khác:
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi.
Để một mai vưon hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời ...


Nếu ta muốn học theo hạnh của Đất, thì ta phải có thái độ điềm nhiên thanh thoát, không chấp nệ với hư danh, không còn bị lay chuyển với các lời đồn đãi sai lạc. Chính trong lúc còn tại thế, Đức Phật cũng từng bị vu oan và nguyền rủa nhưng Ngài vẫn không giận, không oán: ‘Sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Chỉ có tâm Từ mới diệt lòng sân’, đó là giáo từ của Đức Bổn Sư.

Trước những nghịch cảnh của thế gian, được và thua, hạnh phúc và khổ đau, tâm các vị La Hán vẫn vô ngã, vị tha, bình thản. Nhà thơ Trần Hồng Châu đề cao cuộc đời của các bậc A La Hán khả kính:
Tôi yêu hàng cột lim sừng sững
chống đỡ âm dương mái vô thường
..
Tôi yêu các vì La Hán
vàng mười hai áo cà sa
âm thầm nhập định
trong vân vi giấc mơ ngàn thớ gỗ
chung quanh đây chúng con khổ vô vàn
xin quăng lưới
cho siêu thoát mấy hồn trầm lạc !
Tôi yêu ngọn cổ tháp trầm ngâm
ôm ấp mãi những kim thân xá lợi nào đây
tháp vẫn cài đầu nhật nguyệt mấy vầng trăng
tháp vẫn rười rượi buồn cho sông núi tóc bạc phơ 


Với thời đại ngày nay, con người càng dễ bị căng thẳng nên những giây phút tĩnh lặng, đi chậm, nói nhỏ, làm nhẹ, quán tâm trong hằng giác lại cần hơn bao giờ hết. Thực v ậy, các mối cảm xúc sân hận, khiến cơ thể bị thêm stress và tạo ra axit trong bao tử.

Trời đất bao la khi ta tĩnh lặng một mình. Lúc đó, ta thấy mình rất nhỏ trong vũ trụ và dễ thấy mình khiêm tốn, dẹp bỏ được cái ngã để hoà mình vào cái tâm tĩnh lặng, cái tâm đại ngã của vũ trụ, để nhìn vạn vật bằng tâm tưởng, tìm lại những giờ phút lắng đọng tâm hồn, tìm được sự an ủi trong trầm lắng. Tâm thức lắng dịu giúp ta thăng hoa trong cuộc sống, lòng mình thư giãn, vị tha rộng mở với yêu thương vạn vật, xoá bỏ tị hiềm, mọi ranh giới người và ta, vì lúc đó tâm ta vô trụ, vô phân biệt, được an nhiên tự tại.

8. Các chức năng của đất 
 
Cuộc sống của mọi sinh vật từ thực vật đến động vật, kể cả con người đều phụ thuộc vào đất: đất cung cấp chất dinh dường cho thực vật, động vật và vi sinh vật. Chất mùn do xác thực vật và vi sinh vật chết đi cũng như các chất khoáng từ Ca, Mg đến lân, potát đều giúp cho sự dinh dưỡng.
Đất sử dụng vào nông nghiệp (trồng lúa, trồng hoa màu), vào lâm nghiệp (rừng), chăn nuôi (đồng cỏ). Mỗi loại đất có chức năng khác nhau vì cây cối cũng nhiều loại .Trong kho tàng văn học dân gian, có vô số câu nói về đất:
Đất màu trồng đậu trồng ngô
Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn


Đất cũng sử dụng vào các hoạt động phi nông nghiệp: đất gia cư, đất dùng cho các khu kỹ nghệ, cho quốc phòng (trại lính, căn cứ không quân), cho các hoạt động văn hoá giáo dục (trường học, bệnh xá), cho thể thao (sân vận động), đất cho giao thông (xa lộ, đường đi, đường rầy xe lửa ), đất cho thủy lợi (kinh mương thoát nước, dẫn nước, đê điều), đất xây dựng cho các hệ thống truyền dẫn điện năng (dòng điện cao thế ), đất xây dựng chợ búa, chuà chiền, nhà thờ; đất để làm bãi rác, làm nghĩa trang; đất sản xuất vật liệu xây dựng (làm lò gạch, đồ gốm).

8.1 Đất nuôi nhân loại
Muốn sản xuất thực phẩm thì có 4 yếu tố quan trọng: mặt trời, không khí, đất và nước ; trong 4 yếu tố đó, thi nước và đất (cả lượng và phẩm ) có thể cải thiện với sự đầu tư như cải tạo đất, bón phân, tưới tiêu.

Đất sản xuất và chứa mọi dưỡng liệu cần cho đời sống (đạm, lân, kali, calci, magne, sắt, các nguyên tố vi lượng), kể cả không khí và nước. Các xã hội loài người phải nhờ đất đai để sinh tồn vì không có đất thì không có thực vật và động vật:
Quê ta mát đất phù sa,
Trồng rau, rau tốt, trồng cà cà sai
Quê ta lắm bắp nhiều khoai,
Đồng trong chắc lúa, bãi ngoài xanh dâu
Dâu xanh, xanh ngắt một màu,
Xóm làng đan né, rủ nhau chăn tằm
Ruộng vườn, ta bón ta chăm,
Cho dâu đầy lá, cho tằm thêm tơ


8.2 Đất là một thành phần quan trọng trong chu kỳ nước
Nước mưa là nguồn gốc quan trọng về nước ngọt. Một phần nước mưa bị thực vật chận lại và bốc hơi; nếu đến được mặt đất thì nước mưa có thể thấm xuống dưới (nếu đất không bị nén chặt) hoặc cũng có thể chảy tràn, gây ra nhiều tai ương như xói mòn, sụp lở bờ sông, lắng tụ trong hồ thuỷ điện, trong kinh khiến phải vét kinh mương. Nước mưa thấm vào đất một phần giúp nuôi cây, phần khác trôi xuống các mạch nước ngầm. Như vậy nước có thể là một tai ương, cũng có thể là tài nguyên. Tùy sự quản trị đất mà tài nguyên nước có thể ích lợi hoặc có hại. Quản trị lưu vực giúp điều hoà và sử dụng nguồn nước.

Đất giúp giữ được nước trong thuỷ cấp: 60% nước ngọt được nằm trong đất.

Sau một trận mưa, nước mưa thấm xuống đất và nhờ vậy, mực nước ngầm trong đất được tái tạo lại. Nếu đất bị nén quá chặt, không tơi thoáng thì nước chảy tràn và làm xói mòn dất. Như vậy, đất giúp điều hoà chế độ thủy văn của các dòng sông và mức nước ngầm.

8.3 Đất giúp lọc nước chảy qua và ảnh hưởng đến hợp trạng hoá học và sinh học
Tuy nhiên, khả nảng này có những hạn chế vì những đất bị ô nhiễm qúa nhiều (do các hoạt động kỹ nghệ hay chăn nuôi) cũng làm nước chảy qua các vùng đó bị ô nhiễm. Ví dụ: các dòng sông ở hạ lưu các nhà máy, các khu kỹ nghệ, các xưởng chế biến bột ngọt, khoai mì (Sông Saigon, sông Thị Văi, sông La Ngà ).

8.4 Đất ảnh hưởng đến hợp trạng của khí quyển
Đất cũng phát ra khí nhà kiếng từ các bãi rác khổng lồ, từ các đầm lầy (methane, Co2). Đất cũng giữ lại chất hữu cơ nghĩa là cacbon nên có thể xem đất như một giếng chứa chất cacbon nên giúp giảm các khí nhà kiếng.

8.5 Đất là một môi trường sống
Nhiều chu kỳ sinh học đều có một phần xảy ra trong đất. Những hệ sinh thái nuôi dưỡng con người như hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đồng cỏ, hệ sinh thái duyên hải, hệ sinh thái đô thị đều dựa vào đất.

8.6 Đất là một kho dự trữ vĩ đại về đa dạng dinh học
Chất hữu cơ trong đất giúp các vi cơ thể như vi khuẩn, nấm, động vật sinh sôi nẩy nở và làm tăng độ phì nhiêu trong đất Nhờ hoạt động các vi sinh vật, đất mới thành hình, đất mới hồi sinh, tái tạo và đất nuôi lại vi sinh vật.

8.7 Đất cung ứng cho loài người các vật dụng như cát, sạn dùng trong xây cất, sét làm gạch ngói, làm đồ gốm, vôi để sơn tường, laterit để lại trong các đền thờ như các đền thờ Chàm, đền thờ Đế Thiên Đế Thích.

Đất sét làm đồ gốm, làm gạch ngói, bát, đĩa, ấm, bình, chậu, thạp, ang, niêu, nồi, lò. Cứ tưởng cuộc sống ngày càng hiện đại với các đồ dùng bằng nhôm, inox… thì gốm đất nung sẽ chịu khép mình lùi vào dĩ vãng nhưng nhiều làng chuyên làm đồ gốm như Bát Tràng ngoài Bắc, Vân Sơn Bình Định vẫn tồn tại.
Câu ca dao:
Chiếu Nga Sơn, Gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, Lụa hàng Hà Đông


hoặc:
Ước gì anh lấy được nàng
Thì anh mua gạch Bát tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
cho thấy gạch Bát Tràng rất nổi tiếng.


Công dụng của đất làm vại, làm chum (trong Nam thì gọi là cái lu) có trong các câu thơ của Huy Cận:
Đất này đất vại đất chum
Đất này đất cũ lửa nung ngàn đời
Vại chum từ thuở xa khơi
Rắn như từng mảnh mặt trời nguội đen
Chum sâu giữ hạt giống bền
Ngô xanh tự bấy, lúa lên đều mùa
Nước trong lòng vại mát chưa!
Vại chum vững chải trụ bờ sông xanh
Nghìn năm tròn trĩnh vại sành
Ngày xuân trẻ lại dáng hình ban sơ


Ngày nay, ta có nồi làm bằng nhôm, bằng gang nhưng xưa kia, người Việt chỉ có nồi đất (nấu cơm, kho cá), ấm đất (nước trà). Nước ta có tục ăn trầu. Ăn trầu phải có vôi. Và người ta dùng đất sét để tạo ra các bình vôi để đựng vôi ăn trầu:
Thân em như thể bình vôi
Bỏ lăn bỏ lóc mồ côi một mình
Chị em ai thấy đừng khinh
Đỏ môi thắm miệng nhờ mình chớ ai


Tuy nhiên cũng có những bình vôi bằng bạc, bằng vàng. Chẳng thế mà có câu ca dao thách cưới:
Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao
Cưới em trăm tấm gấm đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng


Trong đất có vô vàn nguyên liệu từ đồng, vàng đến nhôm, sắt, hột xoàn, v.v... Tóm lại giúp cho con người trong mọi hoạt động kỹ nghệ, thủ công nghệ, văn hoá.

8.8 Đất là cả một pho sách lịch sử
Các nhà khảo cổ học thường đào xới đất dể tìm lại di tích của quá khứ; mộ của Tần Thuỷ Hoàng với hàng ngàn lính hầu chôn dưới đất hàng ngàn năm nay; nào là các xác con khổng long dinosaure chôn vùi từ đệ tam nguyên đại, nào là dấu tích con người trong các hang động thời thượng cổ.
Để tóm tắt, đất là một tài nguyên có ích cho loài người về nhiều phương diện. Đất là một quà tặng cho mọi người chứ không cho riêng ai ..Như vậy, loài người lại càng phải trân quý và gìn giữ không những cho thế hệ hiện nay mà còn cho các thế hệ tiếp nối.

9. Một hệ sinh thái đặc biệt: hệ sinh thái đất lầy (wetland ecosystems)
Các hệ sinh thái này (kể cả hồ, ao, sông suối, đầm lầy và vùng ngập lúc triều thấp) chiếm một diện tích rất rộng trên toàn thế giới, Riêng Việt Nam, có thể kể đất bưng, đất trũng, đất ven ao hồ, ven sông suối, và các vùng thấp duyên hải. Nước ở các hệ sinh thái này có thể là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn .Thực vật các hệ sinh thái đất lầy cũng rất đa dạng, từ cây sen, cây lau, tre, mây, cây liễu, rừng cây bần, cây đước còn động vật cũng thế : chim, cò, bò sát, chuồn chuồn. Nhờ các thực vật ven đầm ao nên các độc chất trôi ch ảy có thể bị chận lại và rễ cây hút đi chất độc trước khi xuống ao hồ.
Trong hệ sinh thái đất lầy, có cây sen mọc. Cây này cũng là tiền đề cho nhiều bài ca dao về tình yêu trong trắng:
Đêm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Anh được thì cho em xin
Hay là anh để làm tin trong nhà 


Trong Phật học, sen tượng trưng cho sự cố gắng giải thoát: mọc lên từ chốn bùn lầy hôi hám. Vì đất trong môi trường yếm khí chứa lưu huỳnh ở dạng H2S, tượng trưng cho cuộc đời đầy phiền não rồi tự mình vươn lên, vươn cao lên ra khỏi vũng nước rồi nở ra hoa sen thơm ngát, đủ màu, tượng trưng cho sự giải thoát toàn diện.

Chẳng thế mà trong mọi biểu tượng, từ âm nhạc, hội hoạ, trang trí mỹ nghệ, đức Phật luôn luôn được tôn trí với hoa sen:
Chín phẩm sen vàng lên giải thoát hoặc Chín phẩm hoa sen làm cha mẹ.

Hoa sen là biểu tượng của đạo Phật vì:
- khi đức Phật giáng sanh cũng bước đi trên hoa sen;
-khi đức Phật truyền pháp cho ngài Ma Ha Ca Diếp trên hội Linh Sơn cũng bằng cái hoa sen.
Một kinh quan trọng của Phật giáo cũng có tựa đề hoa sen: đó là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, còn gọi là Pháp Hoa.

Thế nhưng, càng ngày các hệ sinh thái đất lầy lại bị suy thoái. Nguyên nhân thoái hoá và mất đất do dân số tăng, do đô thị hoá, ô nhiễm, bơm nước ngầm quá nhiều. Với biến đổi khí hậu toàn cầu, sự thoái hoá còn nhanh hơn vì các vùng thấp là nơi mọi ô nhiễm đều chảy về chỗ trũng. Dưỡng liệu đất cao cũng trôi về chỗ trủng gây trở ngại cho các hồ ao, sông suối và các rạn san hô, chưa kể tăng khả năng xẩy đến các bệnh do nước chuyển (water borne diseases).

10. Kết luận

Hàng ngàn năm trước, qua các kinh Phật, đặc biệt là kinh Địa Tạng, Đức Phật có khuyên bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tức những vấn đề quan trọng của môi trường ngày nay.
Ngày nay, với dân số đông, đất đai nông nghiệp càng ngày càng hiếm, vấn đề bảo vệ môi trường lại càng ngày càng quan trọng hơn vì nạn cát bay, thiếu nước ngọt, khí nhà kiếng, băng hà tan, khô hạn nhiều. Do đó, ta thấy tài nguyên đất không phải quý vừa mà là quý lắm như ca dao:

Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu


Trên hành tinh Trái Đất này, mọi việc đều liên quan đến nhau: Trái Đất là mẹ của ta, là nhà của ta, là một cõi đi về và khi Trái Đất lâm bệnh với thay đổi khí hậu, với ô nhiễm thì con người cũng lâm bệnh theo. Thế nhưng chúng ta đang sống vô cảm với thiên nhiên và vô trách nhiệm với mảnh đất của mình. Thực vậy, tăng trưởng kinh tế mà thân tâm bấn loạn, thành phố thiếu không gian xanh, rừng đầu nguồn thành đồi trọc, vắng chim hót, khí hậu nóng thì không phải hạnh phúc.

Hạnh phúc không phải chỉ thuần túy căn cứ trên GDP, trên tăng trưởng kinh tế. Thực vậy, hạnh phúc đích thực là sống hài hoà với trái đất, trong niềm cảm thông sâu xa với trái đất trên cả 4 loại hình: cảm xúc (emotional), tinh thần (mental), thể chất (physical) và tâm linh (spiritual), không làm tổn thương đến đất mẹ - đó là trách nhiệm của các thế hệ hôm nay bảo vệ gia tài của mẹ để lại cho con.
Do đó con người phải thức tỉnh lại, nhưng thức tỉnh không phải là trên tư duy mà còn phải thể hiện qua hành động, qua việc làm: bớt phung phí, bớt tiêu thụ, biết rằng Trái Đất có giới hạn của nó. Hơn nữa, mọi hành động đều phải nhắm vào sự gìn giữ gia tài của Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ, bảo đảm cho các thế hệ tiếp nối tài nguyên và đó cũng nhằm trong phạm trù đạo đức học về môi trường.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét