Thứ Năm, 28 tháng 8, 2008

Mekong Trên Đường Suy Thoái

Phạm Phan Long P.E
Mekong – Dòng Sông Quốc Tế

Sông Mekong là dòng sông quốc tế dài 4800 km phát nguồn từ vùng Thanh Hải, Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái, Cam Bốt và Việt Nam ra Biển Đông. Lưu vực sông Mekong rộng 795,000 km2 và lưu lượng ra biển trung bình 15,000 m3/giây, 775 tỉ m3/năm -thứ tám trên thế giới. Nước Mekong chảy về hạ nguồn từ 2,000 m3/giây vào mùa hạn và tăng lên 50,000 m3/giây vào mùa lũ hay tăng lên 25 lần; chảy về Tonle Sap tăng 50 lần.

Sông Mekong là nguồn sống cưu mang 70 triệu cư dân trong đó có đến 70 sắc tộc. Mekong mang nhiều tên khác nhau tùy dân cư từng vùng sông: Trên thượng nguồn, người Tây Tạng gọi Mekong là Dzu Chu (River of Rocks), Trung Quốc gọi là Lancang Jiang (sông Cuồng Nộ), người Thái gọi là Mae Nam Khong (sông Mẹ) và người Việt gọi là sông Cửu Long.

Langcang-Mekong chảy siết xuống từ 5,000 m độ cao, len vào những khe núi đá, đổ xuống biên giới Trung Quốc, mất 4,500 m độ cao; khi vào biên giới Lào Trung chỉ còn cao độ 500 m, chảy xuống những nước hạ nguồn, đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rồi ra biển.

Hình 1: Bản Đồ Lưu Vực Sông Lancang- Mekong (MRC)
Đập dang họat động (Dam operational)
Đập đang xây (Dam under construction)
Đập đang dự trù (Proposed Dam)




Mekong – Tài Nguyên Thiên Nhiên của Lưu Vực
Sông Mekong được tạo hóa ban cho 1,500 -1,700 giống cá, và nhiều sinh vật hoa màu. Về sự phong phú đa dạng sinh thái, sông Mekong chỉ đứng sau sông Amazon mà thôi. Nhưng Mekong khác hơn tất cả các dòng sông lớn khác ở chỗ Mekong còn ít bị khai thác nhất còn sót lại cho nhân loại.

Tạo hóa ban cho Mekong một hồ chứa thiên nhiên hòan hảo đó là Biển Hồ Tonle Sap. Đây là kho tàng vô giá và một phép lành cho dân cư Cam Bốt và ĐBSCL. Biển Hồ vừa vựa cá cho dân Cam Bốt, vừa là khiên chắn lũ và vừa là hồ nước cho cả trăm ngàn tấn cá sinh sản cho dân Cam Bốt và Việt Nam thu họach tại hạ nguồn.

Dân tộc Thái và Lào tin vào thần thọai thần Naga đã sống tại dòng Mekong, sau khi tĩnh tâm, thần Naga đã nhả ra hồng cầu, to như quả trứng, bay từ mặt sông lên trời. Truyền thuyết này đã được dân chug làm thành lễ hội truyền thống của họ. Người Cam Bốt còn tin rằng họ chính là con cháu của Công chúa con gái thần Naga sinh ra. Do đó, sông Mekong còn có ý nghĩa văn hóa và linh thiêng đối với cư dân lưu vực.

Mekong là bát cơm, đĩa cá, lợi tức, kế sinh nhai và nguồn sống còn của 70 triệu người đa số là nông ngư dân. Nguồn sống này vẫn có từ ngàn năm nhưng nay đang trên đà suy thoái, bị tàn phá nặng nề phần lớn bởi con người đã và sang khai thác bất trách thêm vào thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Phù sa

Sông Mekong mang một trọng tải phù sa xuống hạ nguồn và ra cửa biển. Theo nghiên cứu năm 2006 của nhà địa lý học TS Avijit Gupta của trường Đại học Leeds, sông Lancang-Vân Nam đổ vào Mekong 80 triệu tấn phù sa hay 50% của tổng số 150-170 triệu tấn phù sa về hạ nguồn [1]. Nguồn phù sa này là nguồn chất dinh dường thiên nhiên cho ngư sản và phân bón cho hoa màu nông nghiệp hạ nguồn. Phù sa này còn là nguồn bồi đắp thiết yếu cho duyên hải Nam Việt và dinh dường cho sinh vật ở đó. [2]

Ngư nghiệp
 
Lưu vực sông Mekong sản xuất được 1.5 triệu tấn ngư sản hàng năm, số ngư sản này là 80% nguồn chất đạm cho 70 triệu dân cư lưu vực. Giá trị ngư sản của Mekong ước tính là 2 - 3 tỉ $USD hàng năm.

Mekong còn là nơi trú ẩn sinh tồn của nhiều lòai cá hiếm quý gần tuyệt chủng như lòai cá hô Pangasianodon gigas (giant cat fish mà người Thái gọi là Pla Buk), cá heo Irrawaddy và hàng trăm giống di ngư -migratory fish- bơi xuống hạ nguồn để trưởng thành và rồi lớn lên trở ngược lại thượng nguồn để đẻ trứng theo một chu trình thiên nhiên của chúng.

Nông nghiệp

Tổng số gạo sản xuất từ ba nước Việt Nam, Thái Lan và Cam Bốt tương đương với 10% tổng số lượng gạo xuất cảng trên của thế giới. Việt Nam đã xuất cảng 4.6 triệu tấn trong bảy tháng đầu và dự trù xuất cảng đến 6 triệu tấn gạo (2.7 tỉ $USD) trong năm 2009. Số lúa gạo này là nhờ phần lớn vào ĐBSCL, phù sa màu mỡ và nước sông cung cấp cung cấp từ thượng nguồn.
Lợi Ích và Hiểm Họa Thủy Điện Trên Mekong
Lợi ích của thủy điện Mekong

Điện và nước là hai cung ứng tối cần cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Nhu cầu điện năng của lưu vực Mekong cho 25 triệu gia đình có thể sẽ cần đến tổng công suất lên đến 20,000 đến 25,000 MW. Cam Bốt là quốc gia phải trả tiền điện cao nhất thế giới. Thái Lan cần nhập cảng điện từ các nước láng giềng vì không thể thỏa mãn được nhu cầu nội địa. Việt Nam và Trung Quốc không thể tiếp tục đà tăng trưởng như hiện nay nếu chỉ xây nhà máy nhiệt điện [đốt nhiên liệu đang cạn kiệt dần như than đá, dầu xăng hay ga]. Giá nhiên liệu ngày càng tăng và ô nhiễm càng nghiệt ngã trên các đô thị dân cư đông đúc.

Thủy điện trên lưu vực Lancang-Mekong là nguồn năng lượng không thể không khai thác vì số vốn xây dựng và phí tổn nhiên liệu họat động và điều hành thủy điện ít hơn hẳn so nhà máy điện đốt than đá, đốt dầu hay đốt ga. Thủy điện mang cho kỹ nghệ nặng, các công ty xây dựng, mạng lưới cung cấp cơ khí và vật liệu và các quỹ đầu tư được nhiều quyền lợi to lớn.

Nhóm đặc quyền và đặc lợi này có sức mạnh tài chánh và nhiều ảnh hưởng chính trị, họ dễ kết hợp nhau, nhất là tại quốc gia đang mở mang trong lưu vực Mekong, làm chính sách thuận lợi, che đậy thông tin bất lợi, khống chế dư luận, hạn chế nghiên cứu tác động môi sinh và không tích cực phổ b iến thông tin môi sinh học cho dân cư.

Phong trào khai thác thủy điện đã bị khựng lại tại các nước văn minh, vì không còn địa điểm tốt, công dân các nước văn minh chống đối mãnh liệt và chịu luật lệ kiềm tỏa; nhưng thủy điện lại đang trổi mạnh tại những nước đang phát triển và càng lan nhanh dưới tay những chính quyền thiếu dân chủ.
Phát triển thủy điện Mekong có nhiều yếu tố tích cực:
  1. Điện năng của các dự án Lancang sẽ có là 14,800 MWtrên dòng chính và Mekong là 30,000 MW, trong đó 14,800 MW là trên dòng chính. Điện năng sản xuất sẽ nhằm cung cấp cho các thành phố lớn kỹ nghệ như Côn Minh, Thượng Hải, Bangkok chứ không về Cà Mau, Đồng Tháp, Biển Hồ. [3]

  2. Vốn đầu tư vào khỏang 40-50 tỉ USD và nguồn lợi tức liên tục 50 năm sau có thể trên 170 tỉ USD cho Trung Quốc và 350 tỉ USD cho hạ nguồn.

  3. Điện khí hóa xã hội đem ánh sáng và tiện nghi văn minh vào đời sống, kỹ nghệ tăng năng suất và phát triển kinh tế. Bớt lệ thuộc vào nhập cảng xăng dầu từ ngoại quốc.
  4. Tránh ô nhiềm không khí từ việc đốt than đá hay dầu khí từ các nhà máy nhiệt điện.

  5. Dùng nhân công bản xứ xây đập thay vì phải nhập cảng máy móc nhiệt điện.

  6. Chi phí vốn xây cất nhà máy thủy điện vào khỏang $1,000 USD/ KW tương đương xây nhà máy gas turbin, trong khi nhà máy đốt dầu và than là $1,500 USD/KW hay hơn nữa.

  7. Chi phí điều hành chỉ bằng 50% nhiệt điện kèm theo thu họach du lịch của hồ chứa.

  8. Giảm bớt cường độ lũ hạ nguồn (chưa hẳn, vì những năm mưa kỷ lục cao hồ sẽ không có dung tích to lớn đó). Giảm bớt cường độ khô hạn hạ nguồn (thực tế ở Mekong khi Manwan, Jinghong và Daschaosan bắt đầu giừ nước ở thượng nguồn hạ nguồn Mekong hứng chịu hạn hán nhiều năm liền).
Bảng 1: Danh sách Đập Vân Nam trên thượng nguồn Mekong


Storage: Dung tích, triệu m3 MCM
Installed Capacity: Công suất, MW
Commissioning: Năm khởi động

Bảng 2: Danh sách đập hạ nguồn Mekong đang dự định


Installed Capacity: Công suất, MW
Những Tác Hại của Thủy Điện Thượng Nguồn đã gây ra cho Lưu Vực Mekong trong 10 năm qua
Nguy hại từ thủy điện dường như trút xuống hoàn toàn trên dân cư lưu vực, so với giới đầu tư, kỹ nghệ và thành phố, nông ngư dân là thành phần đông nhất 80% nhưng ít được hưởng lợi nhất. Họ chưa chắc sẽ được điện về thắp sáng thôn làng; họ không có quyền quyết định về các dự án ấy, họ lại không có hậu thuẫn chính trị để tự vệ công bằng. An tòan thực phẩm, kế sinh nhai và tài nguyên còn lại cho các thế hệ tương lai của họ đều là những điều bất khả nhân nhượng đã dần dần bị hy sinh không thể cứu vãn lại được. Dân cư Mekong phải lên tiếng bảo vệ phần còn lại.

Hiểm họa và suy thoái đã xảy ra trên khắp lưu vực sông Mekong, tuy đã tiên đóan trước và cảnh báo, khoa học đã mất 10 năm từ khi thủy điện Vân Nam bắt đầu họat động mới có được những dữ kiện xác quyết về sự suy thoái rất đáng biết như sau:

1. Lưu lượng sông vào mùa lũ sẽ giảm và mùa hạn sẽ tăng chỉ là lý thuyết của Trung Quốc phe “pro” thủy điện. Thực tế nhu cầu điện năng từ nhà máy thượng nguồn sẽ là yếu tố chỉ đạo cho lưu lượng chảy được thả xuống hạ nguồn. Nước sông Mekong đã giảm xuống vào mùa hạn; sau khi các hồ Vân Nam xây xong, họ đã giữ và tích lũy nước trong nhiều năm liền mới lên đủ để bắt đầu cho nhà máy họat động. Theo tường trình năm 2004 của SEARIN (Southeast Asia River International Network), sau khi Manwan xây xong lưu lượng giảm 25%. Tại Chiang Saen biên giới Thái Lào, mực nước tháng 3 năm 1991 từ 1 m đến 1.5 m sang năm 2004 xuống dưới 1 m [4]. Theo tường trình 2006 của X. X. Lu và R. Ỵ Siew thuộc trường Đại Học Quốc Gia Saingapore, lưu lượng tối thiểu tại Chiang Saen đã giảm nhanh vào năm 1990 đến 2005 chỉ còn 50%, Bảng 3 và Bảng 4 là hai nghiên cứu độc lập nhưng bổ túc xác nhận hiện trạng này. [5] Hệ quả tất yếu là muối sẽ xâm nhập sâu hơn vào thềm lục địa ĐBSCL gây thất thoát thu họach nông nghiệp.

Bảng 3: Lưu lượng tối thiểu Chiang Saen 1962-2003 SEARIN



Bảng 4: Chiang Saen – Lưu lượng trung bình Mekong tháng 1985-2000 [Lu,Siew 2006]


2. Hệ quả là diện tích vùng lụt hàng năm sẽ giảm và trực tiếp gây thiệt hại cho ngư nghiệp. Mặt hồ Tonle Sap, theo mùa lan rộng lên gấp 6 lần từ 2,000 km2 ở tới 14,000-18,000 km2 từ hạn sang lũ. Tonle Sap mất đi có thể 50% diện tích vùng lụt; thời gian lụt sẽ rút ngắn đi. Cá sẽ mất đi nơi sinh sản và không đủ có nhiều thì giờ tăng trưởng và do đó tiềm năng sản suất ngư sản sẽ phải giảm nặng hơn diện tích. Theo tài liệu MRC, cá hô (cá bông lau khổng lồ) bắt được ở cao điểm là 61 con năm 1988 đến năm 2002 không thấy và nay rất hiếm, gần như tuyệt chủng. [6]

Bảng 5: Cá Hô – Số cá hô bắt được 1983-2004 (MRC Development Series No. 5)


3. Tonle Sap có thu hoạch ngư sản năm 1973 là 125-160,000 tấn/năm, sang năm 1979-88 chỉ còn 66,000 tấn. Sau khi Manwan, Jinhhong và Dashaosan xây xong lưu lượng nuớc và thu họach ngư sản của Tonle Sap đã sút giảm và thiệt hại theo. Cố vấn môi trường người Anh Fred Pearce cho rằng phương cách điều hành hồ chứa của Trung Quốc sẽ cắt giảm nước lũ Mekong đi mất một phần tư và sẽ làm diện tích vùng lụt Tonle Sap xuống còn một nửa [7]. Sau năm 1999, vì dùng lưới và thuyền máy nhiều nên thu hoạch tăng nhưng cá lại nhỏ hơn và còn ít các giống cá hơn.

Bảng 6: Thu hoạch ngư sản Tonle Sap, Cambodia (MRC Decelopment Srries No. 4) 


4. Theo sau khi Trung Quốc cho chất nổ phá cù lao đảo mở gềnh thác trên Lancang năm 2002, Thái Lan báo cáo mất 50% ngư sản tại Chang Rai trong thời gian 2001-2004. Nếu Trung Quốc hoàn thành hết 8 đập Vân Nam sẽ có khả năng giữ lại 50% nước sông Lancang thì hậu quả sẽ nặng nề hơn thế nừa. Hồ Xiaowan -Tiểu Loan- sẽ mất 10 năm mới tích lũy đầy mức hoạt động; trong 10 năm ấy, lấy đâu Trung Quốc chia cho hạ nguồn ngăn ngừa hạn hán như họ đang hứa hẹn.

5. Sông Lancang Trung Quốc vốn cung cấp khoảng 74 triệu tấn phù sa vào 1962-1992 nhưng đến 1993-2000 chỉ còn 34 triệu tấn phù sa xuống được Chiang Saen Mekong [5]. TS Matti Kummu (Helsinki University, Findland) tường trình tương tự ở Chiang Saen, Luang Prabang và Pakse năm 2006 và cho biết đập Jinghong chặn 90% và đập Manwan chặn 68% phù sa Vân Nam không cho chảy xuống dòng Mekong nữa [2].

6. Hiện tượng mất phù sa làm nước sông “đói” sói mòn ven bờ đề đòi lại phù sa, gây sạt lở, lấn vào thôn ấp ven sông nơi đa số cư dân sinh sống [8]. GSTS Des Walling, chủ tịch World Association for Sediment and Erosion Research, tường trình về nồng độ và trọng tải phù sa tại Chiang Saen Mekong cho thấy sút giảm đột ngột 1996-1999 và mất rất rõ 50% vào năm 2004. [9]
Bảng 7: Phù Sa tại Chiang Saen – Nồng độ phù sa


7. Tạ Thị Kim Oanh và TS Nguyễn Văn Lập (Viện Khoa Học và Công Nghệ) đã ghi nhận vận tốc đất bồi tại Cà Mâu năm 1996 đã mất từ 3,189 xuống 1,401 ha/năm; Bến Tre từ năm 1987 đã gỉam mất từ 2913 xuống 1,281 ha/năm. Cà Mau đang lùi dần cho biển lấn vào với vận tốc 17 ha/năm 1985-1998 [10]. Đây là những biến đổi vô cùng quan trọng cho hệ sinh thái ĐBSCL cần được Việt Nam ưu tiên lưu tâm trên tầm mức quốc gia, nếu không nói là đến lúc phải đánh tiếng chuông báo nguy với MRC và Trung Quốc. Sự việc này đã trùng hợp xảy ra sau khi đập Manwan bắt dầu hoạt động ở Vân Nam (1993-1995). Mối liên hệ trực tiếp của các đập thượng nguồn và sạt lở duyên hải hạ nguồn đã là kinh nghiệm tất yếu xảy ra khắp các sông lớn của trên giới.

8. Tonle Sap và ĐBSCL gần như không hưởng lợi gì từ những đập thủy điện càng phải dự phòng qua các bài học từ những dòng sông khác. TS Marc Goicho (World Wildlife Fedration) đã khuyến cáo MRC về lịch sử sự sói mòn duyên hải đồng bằng tại các sông Nile Trung Đông, sông Volta châu Phi, Danube, Senegal, Ebro và Rhone là vì khai thác thủy điện trên nguồn [8]. Phù sa nguồn dinh dường khi bị chặn lại tại những hồ chứa sẽ gây thiệt hại đến năng suất nông nghiệp. Nhà văn Fred Pearce sho rằng mất phù sa sẽ làm giảm năng suất ruộng dồng, canh tác nông nghiệp phải tốn kém hơn vì cần bù vào bằng phân bón. [7]

9. Hàng trăm giống di ngư trên dòng Mekong sẽ bị thóai hóa và có hiểm họa diệt chủng vì chu trình sống của chúng bị chăn đứng tại các con đập không còn xuống được cuối nguồn để lớn lên và không về lại thượng nguồn để sinh sản. Phù sa giảm, tỷ trọng dòng nứơc thay đổi theo, độ nổi của trứng và cá con sẽ bị ảnh hưởng. [11]

10. Tác động trên nông nghiệp ĐBSCL, theo TS Tyson Roberts củA Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian Tropical Research Institute, mùa lũ sẽ không còn nước nhiều chảy suống để rửa phèn nữa và mực nước sông đủ thế năng cao để đưa nước vào Đồng Tháp Mười để canh tác, thu họach ĐBSCL sẽ giảm theo[12].
Những Nguy Hiểm và Vấn Nạn Khác
  1. Nguy hiểm vì Thái Lan dự tính chuyển nước ra khỏi dòng chính Khong Chi Mun.

  2. Nguy hiểm vì các nước hạ lưu tranh chấp quyền lợi thiếu hợp tác.

  3. Nguy hiểm vì các khai thác phát triển bất cẩn.

  4. Nguy hiểm vì điều hành đập bất cẩn và thiếu dự đóan vũ lượng lẫn báo động kịp thời.

  5. Nguy hiểm vì áp lực từ giới đầu tư, cung cấp vật liệu và máy móc.

  6. Nguy hiểm vì phân chia lợi cho một số nhỏ và tai hại cho số lớn khác hứng chịu.

  7. Nguy hiểm vì thiếu nghiên cứu khoa học và kỹ thuật.

  8. Nguy hiểm vì không có định chế quản lý trong sáng.

  9. Nguy hiểm vì không ai chịu trách nhiệm khi tai họa hay xảy ra.

  10. Nguy hiểm vì không có cơ chế bảo vệ và bồi thường.

  11. Nguy hiểm vì dân cư lựu vực thiếu hậu thuẫn chính trị.

  12. Nguy hiểm vì thiếu dân trí và dân chủ.
Mekong Phải Làm Gì
Những bài học đắt giá từ việc khai thác sông ngòi trong 50 năm qua trên khắp thế giới đã buộc World Bank ngưng hẳn việc tài trợ cho các dự án thủy điện lớn. Trước cảnh bế tắc này, hai tổ chức quốc tế WB và The World Conservation Union (ICUCN) đã thành lập và tài trợ cho tổ chức World Commision on Dams (WCD) quy tụ những chuyên viên thượng thặng thế giới năm 1999 kết hợp kinh nghiệm, thẩm định lợi hại thủy điện và soạn thảo tiêu chuẩn để khai thác bền vững và bảo vệ môi sinh cho các công trình tương lai. WCD đã xoá đi nghi ngờ còn lại và công nhận những tai họa do việc khai thác sông ngòi đã gây ra trong quá kh. WCD đã đưa những khuyến cáo, từ phương cách nghiên cứu từ đầu để nhân loại phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn sống cho đời sau. Tiếc thay, khuyến cáo của WCD vẫn chưa được các quốc gia Mekong nhìn nhận và thực hiện. Ngay cả MRC tuy có nhìn nhận gía trị nhưng cũng chưa đưa các khuyến cáo áp dụng thực tế vào kế hoạch phát triển mà họ có trách nhiệm điều hợp và quản lý.

Dân cư và trí thức cần huy động chính quyền Việt Nam chủ động cứu lấy ĐBSCL; khuyến cáo tổ chức ASEAN bảo tòan lưu vực Mekong; khuyến cáo Trung Quốc và MRC ngừng ngay các dự án thủy điện phản bền vững và thiếu nghiên cứu; khuyến cáo Trung Quốc và MRC theo hướng dẫn của World Commission on Dams trong các dự án tương lai.

1. Vận động giới trí thức ASEAN trong vùng và khắp thế giới ý thức lên tiếng bảo vệ 70 triệu nông ngư dân và tài nguyên thiên nhiên của lưu vực Lancang-Mekong. Một nhóm trí thức ASEAN đã sọan văn thư khuyến cáo MRC năm 2007 [13]. Khoa học gia thuộc trường Đại học Sydney năm 2007 đã cùng các nhà khoa học khắp thế giới gởi thư tới MRC thỉnh cầy ngưng dư án xây đập Don Sahong [14].

2. Vận động dân cư lưu vực lên tiếng đòi hỏi MRC cung cấp phân tích khoa học độc lập và công khai về lợi hại tòan lưu vực, phải bảo đảm bền vững môi sinh và kế sinh nhai dân cư trong tất cả các kế họach khai thác trong lưu vưc.

3. Vận động khối ASEAN đòan kết tạo thành một đối trọng với Trung Quốc về chính trị.

4. Vận động MRC thành một cơ quan môi sinh bảo vệ quyền lợi hạ nguồn trước thượng nguồn.

5. Vận động NGO thế giới hợp tác với ASEAN NGO để học kinh nghiệm của những lưu vực khác.

6. Thành lập một phân khoa nghiên cứu quốc tế chuyên về Mekong tại Đại học Cần Thơ, Việt Nam đào tạo chuyên viên để nghiên cứu việc phát triển bền vừng lưu vực như BS Ngô Thế Vinh đã đề bạt trên Tạp chí Đi Tới vào năm 2002.

7. Kết hợp với dân cư Vân Nam nâng MRC thành Lancang-Mekong River Commission LMRC trong đó có Trung Quốc cùng tham gia và cùng soạn thảo kế họach phát triển bền vừng chung cho toàn thể hệ sinh thái.

8. Lập Quỹ Bảo Vệ Lưu Vực -Mekong Basin Proctection Agency- độc lập do NGO của các lưu vực và chuyên gia qiuốc tế hợp tác nước điều hành. Tòan thể lưu vực sẽ dành riêng góp vào Quỹ này 2% vốn tổng số đầu tư (khỏang $1 tỉ USD), và 5% số thu (khoảng $50 triệu USD) tuy rất khiêm nhường cho 70 triệu người nhưng mới có ngân hỏan để đền bù cho nạn nhân lụt lội, hạn hán, tái thiết các nơi bị thiệt hại và hồi phục môi sinh do sự rủi ro hay khai thác sơ suất.
Đôi Điều Kết Luận
Miền Bắc Trung Quốc có 380 triệu dân và số nước cho từng đầu người chỉ được 6% so với trung bình thế giới. Họ chuyển nước từ Dương tử lên Hoàng Hà và có thể sẽ từ Lancang lên Dương Tử. Số 8 con đập Vân Nam sẽ tránh cho họ xây 50 nhà máy điện than. Cuộc đấu tranh Mekong với Trung Quốc không phải hay chưa phải đổ máu nhưng là sống còn và vô cùng cam go không khác gì các tranh chấp lãnh thổ ngàn năm truớc. Trung Quốc đã can tâm bắt cả triệu dân Trung Quốc hạ nguồn sông Hoàng Hà và Dương Tử phải hy sinh cho các đại công trình thủy điện. Với dân số cao và tăng trưởng không thể ngừng, họ đã không dừng lại tại Ải Nam Quan hay đảo Hải Nam để Nam tiến dần và chiếm lấy Biển Đông bất chấp các quốc gia ở cạnh đó. Vân Nam Lancang nằm hòan tòan trong lãnh địa của họ, sự Trung Quốc nhượng bộ cho Mekong càng khó khăn vô vàn, nhưng không phải vì thế nguời Việt và Cam Bốt sẽ để Tonle Sap và ĐBSCL bước từng bước thành tử địa.

Dân cư, sinh vật và thảo mộc cả lưu vực Lancang-Mekong, sẽ mất nguồn sống vĩnh viễn nếu các nước hạ nguồn không cùng ngồi lại bảo vệ sin tồn của mình trước các dự án khai thác đại quy mô đang gấp rút diễn ra ở Vân Nam và những dự án dứt điểm Tonle Sap và ĐBSCL đang âm thầm thai nghén tại hạ nguồn.

Dân cư hạ nguồn sẽ không phủ nhận lợi ích của thủy điện của cả lưu vực nhưng phải phủ nhận hoàn tòan cung cách khai thác tắc trách, nguy hiểm và gây tác hại hạ nguồn đang được tranh đua thực hiện khắp lưu vực cùng sự phân phối ích lợi điện năng lại không nhằm chia sẻ gì cho họ.

Phạm Phan Long, P.E.
Chủ Tịch Viet Ecology Foundation
http://www.vietecology.org
longp@cox.net

Tài Liệu Tham Khảo
  1. Avijit Gupta et al, Sediment Storage and Transport in the Mekong,
    Dundee, UK, 2006, http://books.google.com/books?id=FV8AkHo1QI4C&pg=PA459&
    lpg=PA459&dq=mekong+river+sediment&source=bl&ots=vrOdqenDXF&
    sig=8qO2Vjw-wGVQWVaCwXZVRXnV6vY&hl=en&ei=7hV7SuLAL4LiNePajNoC&sa=X&
    oi=book_result&ct=result&resnum=6#v=onepage&q=mekong%20river%20
    sediment&f=false
  2. Minutes of the MRC Regional Workshop on Discharge and Sediment Monitoring and Geomorphological Tools for the Lower Mekong Basin, 21-22 October 2008, Vientiane, Lao PDR
  3. Michael Richardson, Dams in China, Yale Global, July 16, 2009
    http://yaleglobal.yale.edu/display.article?id=12580
  4. Southeast Asia River Network, A Case Study of Lancang-Mekong, November, 2004, http://www.livingriversiam.org/mk/mek_down_impact_en.pdf
  5. Lu, Siew, Water discharge and sediment flux changes over the past decades in the Lower Mekong River: possible impacts of the Chinese dams,
    http://hal-sde.archives-ouvertes.fr/docs/00/30/48/34/PDF/hess-10-181-2006.pdf
  6. Mahasarakarm et al, Fisheries of Thailand, Mekong Development Series No 5, MRC, May 2007,
    http://www.mrcmekong.org/download/free_download/Mekong-Fisheries-of-Thailand-Eng.pdf
  7. Pearce, IRN, Damming of the Mekong: Major Blow to an Epic River, Yale Enviroement, 360, June 22, 2009,
    http://e360.yale.edu/search.msp
  8. Marc Goicho, Towards an understanding of Mekong River geomorphology, http://www.mrcmekong.org/download/Presentations/
    sediment-monitoring/SO_Goichot_speech_Towards%20an%20
    understanding%20of%20Mekong%20River%20geomorphology.pdf#search="sediment"
  9. Walling, Sediment Data for the Mekong, MRC October21-22, 2008 http://www.mrcmekong.org/download/Presentations/sediment-monitoring/SO_Walling_Status%20of%20Sediment%20Data%20at%20MRC.pdf
  10. Ta Thi Kim Oanh, Nguyen Van Lap, Yoshiki Saito, Sediment processes in the Mekong River Delta
    http://www.mrcmekong.org/download/Presentations/sediment-monitoring/
    S4_Nguyen_Sedimentation%20processes%20in%20the%20Mekong%20River%20delta.pdf
  11. Catch and Culture, MRC September 2008,
    http://www.mrcmekong.org/download/
    programmes/fisheries/Catch_Culture_vol14.2.pdf
  12. Tyson Roberts, Downstream Ecological Implications of China’s Lancang Hydropower and Mekong Navigation Project
    http://vxtbg.brim.ac.cn/Symposium/Proceedings.pdf#page=48
  13. 2007 Petition Against Lower Mekong Dam,
    http://www.internationalrivers.org/en/node/4421
    http://www.internationalrivers.org/files/Mainstream%20MRC%20letter%20Nov%2013%202007.pdf
  14. Scientists concerned for the sustainable development of the Mekong River, The Unversity of Sydney May 25, 2007
    http://www.internationalrivers.org/files/Don%20Sahong%20scientists%20May%202007.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét