Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Mekong Sea Dike Concept Paper

Phạm Phan Long P.E
Ngô Minh Triết S.E

Biến đổi khí hậu toàn cầu và Đồng Bằng Sông Cửu Long 
 
Theo tường trình của Chương trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) về Biến Đổi Khí Hậu Toàn Cầu (Global Climate Change - GCC) dân cư sống trong các nước đang phát triển sẽ phải gánh chịu 79 lần tai họa nhều hơn so với dân cư các nước đã phát triển. Các khảo cứu khoa học về biến đổi khí hậu của Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC), World Bank (WB), International Center for Environmental Management (ICEM) và U.S. Department of Interior’s Geological Survey (USGS) đều kết luận rằng Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một lưu vực sẽ chịu tai hại nhiều nhất trên địa cầu.

Theo các dự đoán khoa học của IPCC, Biển Đông có thể dâng lên đến 1 m vào năm 2100. Với mặt biển ở cao độ này, toàn thể mũi Cà Mau vào khoảng 17.460 km2 (37% diện tích ĐBSCL) sẽ bị ngập vào biển. Thêm vào đó, 19.600 km2 nội địa hiện nay sẽ trở thành vùng duyên hải phải hứng chịu tác động của sóng tràn vào khi có bão (storm surge). 30% dân số ĐBSCL, từ 6 đến 10 triệu người sẽ vĩnh viễn mất hết cơ ngơi và phải tản cư lên vùng đất cao hơn mà hiện nay cũng đã quá đông người. Hiện tượng biển lấn vào duyên hải, dù chậm từng mét, sẽ gây ra cuộc đại tản cư do biến đổi khí hậu và môi trường lớn nhất mà khoa học dự đoán sẽ xảy ra trong lịch sử khoa học và loài người.



Figure 1: Projected Sea Level Rise and 20 km New Storm Surge Zone by 2100

Biển không chỉ tràn ngập trên bề mặt, phần nguồn nước ngầm còn lại chưa bị nhiễm mặn của ĐBSCL sẽ bị mặn hóa, hậu quả là xuất cảng nông nghiệp của ĐBSCL sẽ phải cáo chung. Tổn thất đất đai, tài sản, cơ sở vật chất và thu hoach kinh tế rất lớn, cộng thêm chi phí di tản và tái định cư cho hàng triệu dân cư sẽ làm tổng số thiệt hại và mất mát lên đến trên 500 tỉ USD.

Đê Biển Mekong - Mekong Sea Dike

Bài khảo cứu này lược trình về viễn ảnh ĐBSCLbị ngập trước nguy cơ biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra, từ đó đề xuất khái niệm dự án đê biển -Mekong Sea Dike- như một trong các đáp án cho ĐBSCL mà các viện nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế nên nghiên cứu với mục đích bảo vệ ĐBSCLtrước hiểm họa biển dâng này.

ĐBSCL có thể đối phó với biển dâng bằng những phương cách nào và tạo sao lại chọn đê biển? Việc bồi đắp và nâng ĐBSCL lên 1 m hay chỉ bảo vệ các khu dân cự, để cứu ĐBSCL đều không khả thi nên khái niệm làm đê chống biển MSD, như trình bày ở đây, hiện ra như một đáp án cần phải được nghiên cứu nghiên cứu khả thi với tất cả các tác động tiêu cực. MSD có thể thiết kế ngay trên bờ hay theo ven biển. MSD theo ven biển hấp dẫn hơn vì tránh được phí tổn đất đai, tranh chấp quyền sở hữu với dân cư, và tăng thêm diện tích cho ĐBSCL.

Mekong Sea Dike (MSD) theo dự kiến dài khoảng 600 km ven biển, bên trong đê sẽ dành ra làm các hồ trữ nước hay bồi cao lên thành những vùng đất mới. Mặt đê sẽ dùng làm xa lộ duyên hải mới. Kinh phí dự trù cho MSD vào khoảng 20 tỉ USD.

MSD là một chi phí có ích lợi chính là tránh được các tổn thất và chi phí to lớn hơn. Nếu để ĐBSCL bị biển tràn ngập, kinh tế quốc gia tính bằng GDP của Việt Nam sẽ mất khoảng 12 tỉ USD hàng năm, và còn kéo dài về sau. Không những thế, phí tổn di tản, tái định cư hàng triệu cư dân và việc mất đi 17,000 km2 bất động sản cùng cơ sở hạ tầng trên đó, không thể ước tính và bù đấp được .

Bài khảo luận này chỉ đề xuất MSD như một khái niệm, MSD không nhất thiết là đề án độc nhất và chưa thể xác định là tốt nhất cho ĐBSCL. Với tầm vóc 600 km MSD sẽ là dự án đê biển lớn nhất trên địa cầu và lịch sử loài người. Với tầm vóc này MSD sẽ có nhiều khó khăn thiết kế và hệ quả tiêu cực. MSD cần có nghiên cứu khả thi kỹ thuật khoa học, nghiên cứu chiến lược tác động môi trường. Các đề án đáp ứng với biển dâng khả thi khác cũng cần được trân trọng nghiên cứu để tìm giải pháp tối ưu nhất.

MSD trong bài khảo luận này tạm thời chọn xây dọc theo ven biển nơi đáy biển có chiều sâu 3 m dưới mặt biển trung bình (MSL) để đê không quá sâu. Với lộ trình này đê biển chỉ cách bờ khoảng 3 km đến 5 km. Vị trí MSD và độ sâu tối ưu có thể xác định bằng những nghiên cứu chi tiết hơn sau này.

Để đối phó với 1 m biển dâng vào năm 2100, từ độ sâu đáy biển 3m nói trên, đê biển có chiều cao 7,7 m. Trên đê, để đối phó với sóng dâng (storm surge), dựa vào kỷ lục chiều cao sóng 200 năm, MSD cần thêm bức tường chắn 3,4 m trên mặt đệ. Chiều dài chính của MSD sẽ vào khoảng 600 km, thêm vào đó là 200 km đê tại các cửa sông và đê phụ để bảo vệ ĐB sông Đồng Nai phía Bắc.



Figure 2: Proposed Mekong Sea Dike Concept (Red)


Figure 3: Proposed Typical Cross Section of the MSD

Dự án MSD này được dựa trên một kỹ thuật xây nền đê và thân đê bằng phương pháp và vật liệu phù hợp với các điều kiện địa phương. Để tận dụng vật liệu tại chỗ, kiến thức kĩ thuật, và nguồn lao động địa phương, MSD được hình thành căn bản từ cát biển chứa trong các bao vải nhựa geotextile. Các túi cát có đường kính 5- 7 m và chiều dài trên 100 m, hoặc dài hơn. Cát có thể lấy sẵn từ đáy biển, hay từ các lòng sông và cửa sông, bơm cát vào túi geotextile và trải túi cát dọc theo duyên hải từng lớp một. Qua nhiều năm (5-10 năm), chúng lắng xuống, nén chắc lại sẵn sàng cho công trình xây xa lộ và tường chắn sóng. Mặt ngoài của đê được bảo vệ chống lại sức phá của sóng biển với một lớp đá hoặc bê- tông.

Ngoài cácđặc điểm khái quát về MSD nói trên, MSD phải có những cửa và cổng xả nước rộng đủ khả năng xả lũ ra biển và cần có cả máy bơm cấp cứu phòng khi bão lớn duy trì phương tiện di chuyển đường thuỷ ra vào biển. Những công tác vét lòng sông và cửa sông cần thực hiện để giúp nước thoát ra biển nhanh chóng hơn trong mùa lũ lụt.

Với chiều dài 600 km, trải dài qua những vùng có cao độ và cửa sông khác nhau, MSD không cần thiết được xây dựng cùng một lúc. Sự kết nối MSD và những con đường chạy vào bên trong vừa giúp tăng cường hệ thống giao thông địa phương, vừa giúp chi phí xây dựng phù hợp với ngân sách hằng năm, mà còn giảm thiểu ảnh hưởng tai hại nếu đê bị vở.

Diện tích vùng đệm giữa duyên hải hiện tại ra tới MSD trải rộng khoảng 3.600 km2 có thể sử dụng cho các mục đích sau:
  1. Giả sử 50% vùng đệm này để dành ra làm hồ chứa, hồ này sẽ có khoảng 2,7 tỉ m3 dung tích. Khối nước này nếu được bảo toàn phẩm chất sẽ có thể dùng để canh tác và chống nhiễm mặn dọc theo 600 km duyên hải.
  2. Phần còn lại là 1,800 km2 có thể bồi đắp phát triển thành đất mới cho nông nghiệp, kỹ nghệ, du lịch và môi trường sinh thái với giá trị thị trường có khả năng trên 10 tỉ USD sẽ góp giảm gần 50% phí tổn cho dự án MSD.

Figure 4: Reservoir or Reclaimed Land by the MSD 

Lợi ích MSD và thử thách ĐBSCL cần khắc phục

Lợi ích thực tiễn lớn nhất của MSD là ngăn biển dâng khỏi tràn vào ĐBSCL, tạo hồ chứa nước mới và đất mới. Tuy nhiên, ngoài biến đổi khí hậu, nhiều vấn nạn cam go khác cần phải khắc phục đồng bộ như sau:
  • Nổ lực xây dựng MSD phải từ trung ương: Thay vì để từng địa phương đảm trách, chính quyền Việt Nam từ cấp cao nhất phải lãnh đạo đại công trình MSD như việc sinh tử của cả quốc gia. Việc nghiên cứu, thiết kế, thi công và điều hành MSD phải phù hợp với điều kiện Việt Nam nhưng phải vững chắc và có bảo đảm phẩm chất theo tiêu chuẩn quốc tế.
  • Kiểm soát nước ngầm: Nếu mực nước ngầm vẫn tiếp tục hạ xuống tại ĐBSCL và Việt Nam không tìm cách đền bù vào thất thoát này, thì khối đất phèn nằm trên mực nước càng gia tăng sẽ bị không khí tác động thải ra acid. Hàng ngàn tấn acid này sẽ tích lũy bên trong ven đê và phá hủy môi trường.
  • Kiểm soát ô nhiễm môi trường nước: Nếu không kiểm soát được, không có hệ thống tiếp nhận và quản lý nước thải do sinh hoạt và kỹ nghệ gây ra, MSD có thể làm cho sông hồ và nguồn nước thêm ô nhiễm nặng nề. Đây là các công trình hạ tầng ưu tiên quốc gia cần phải làm dù có MSD hay không cũng thế.
  • Tai họa từ thượng nguồn: Các hồ chứa thủy điện lớn tại Vân Nam và Lào đều có vị trí rất gần các đường địa chấn bất ổn. Nếu hồ này vỡ và các cổng xả nước trên MSD không đủ khả năng thoát nước ra biển, ĐBSCL sẽ bị ngập tràn. Chương trình điều hành và xã nước từ các đập này phải được phối hợp chặc chẻ với Việt Nam để bảo vệ sự an toàn của ĐBSCL.
  • MSD sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự di chuyển của tàu bè ở Biển Đông và từ biển ra vào sông Mekong lên thượng nguồn. Mekong là dòng sông quốc tế do đó cần phải thông báo và thương lượng với các quốc gia lưu vực và theo lề luật của cộng đồng quốc tế.
  • Vận động quốc tế: Nguy cơ biển dâng là mối quan tâm toàn cầu nên dự án MSD sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế. ĐBSCL là nguồn cung cấp thực phẩm chiến lược của thế giới nên việc mất ĐBSCL sẽ đe dọa an ninh thực phẩm của toàn cầu. Chiều dài 600 km của ĐBSCL bên cạnh biển Đông, một vùng biển mà sự giao thông dọc duyên hải có ảnh hưởng chiến lược cho an ninh và kinh tế toàn cầu. Việc vận động quốc tế yểm trợ khoa học, kỹ thuật và tài trợ cho MSD là ưu tiên hàng đầu trong bang giao quốc tế.
Kết Luận

Vốn là một vùng dân cư sinh sống dựa vào nông nghiệp và dân số ngày càng tăng, ĐBSCL không thể nằm chờ biển tràn, Việt Nam cần nghiên cứu sâu về MSD vì đây là phương án có thể cứu lấy ĐBSCL, vựa lúa cho cả nước và thế giới; và còn để lại ấn tích ngàn đời như tổ tiên người Hòa Lan 800 năm trước đã làm đê biển để bảo vệ đất nước cho con cháu họ đến ngày nay.

MSD có lẽ là một dự án không tiền khoáng hậu trong lịch sử dân tộc và quốc tế, với chi phí vô cùng to lớn; nhưng MSD sẽ giúp bảo vệ được ĐBSCL khỏi bị chìm dưới biển. MSD có nhiều thách đố khó khăn làm lòng người e ngại. Sự dè dặt khoa học của những chuyên gia nhiều kinh nghiệm, dân chúng và các quan chức trước một đại công tác như MSD là xác đáng, nhưng không phải vì thế mà không tìm cách nghiên cứu xác định rõ và khuất phục các trở ngại của MSD, hay tìm giải pháp hữu hiệu nào khác.

Hy vọng khái niệm MSD trình bày trong bài này sẽ giúp phần phổ biến rộng rãi hơn ý thức về hiểm họa biển dâng tại ĐBSCL vì hâm nóng toàn cầu, và thúc đẩy nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế tìm giải pháp bảo vệ phần đất linh thiêng cho hàng chục triệu dân cư này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét