Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Lào chịu ‘‘tham vấn trước’’ Don Sahong: Thực hư và cơ hội

Trọng Thành

Về dự án đập thủy điện Don Sahong, bị nhiều phản đối trong dư luận khu vực và quốc tế, một sự kiện khá bất ngờ đã xảy ra tại phiên họp của Ủy hội Mêkông (MRC) diễn ra ngày 26/06/2014 tại Bangkok. Lào thông báo gửi lại hồ sơ Don Sahong theo đúng quy trình “tham vấn trước”, thay vì làm lơ như trước đây, nại cớ Don Sahong không nằm trên dòng chính. Thực hư ra sao đằng sau chấp nhận “tham vấn trước” của Lào, và liệu quyết định này có trở thành tiền lệ, để bảo đảm rằng không dự án đập nào khác trên dòng Mêkông có thể được thực thi mà không có sự đồng thuận của cộng đồng các quốc gia trong lưu vực ? 

Trước đó, việc Lào không tuân thủ thủ tục "tham vấn trước và thỏa thuận" (PNPCA/Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement) đặt Hiệp ước Mêkông 1995 trước “nguy cơ tan vỡ”. Sự kiện Lào đột ngột thay đổi thái độ mới đây nhận được sự tán thưởng trong công luận các nước trong vùng, đặc biệt là Việt Nam. Một số người thở phào. Tuy nhiên, việc Lào một mặt chấp nhận quy trình “tham vấn trước”, mặt khác vẫn không từ bỏ kế hoạch xây dựng con đập, là điều mà nhiều nhà chuyên môn hết sức lo ngại, với lời cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn có thể xảy ra (đơn cử các nhận định của TS Đào Trọng Tứ “Lào tham vấn thủy điện Don Sahong : Việt Nam trưng ngay bằng chứng”, báo Đất Việt, của TS Tô Văn Trường, “Lào tham vấn thủy điện Don Sahong: 4 lý do lo ngại...”, báo Đất Việt và “Phía sau” việc tham vấn thủy điện Don Sahong, trang bauxite Việt Nam).
Dự án xây dựng đập Don Sahong chỉ là một trong số hơn 10 con đập, dự kiến được xây trên dòng chính của Mêkông, con sông mẹ nuôi sống hàng chục triệu cư dân các nước Đông Nam Á lục địa. Đa số các đập nằm trên đất Lào. Theo nhiều nhà khoa học, việc xây dựng dù chỉ một con đập trên dòng chính có thể gây ra những tác hại vô cùng lớn, mà các hệ quả với môi trường và xã hội là không thể vãn hồi.


Trước thềm hội nghị lần thứ 20 cấp Bộ trưởng các nước hạ lưu Mêkông, Save the Mêkông Coalition, hay Liên Minh Cứu sông Mêkông, đã có các tuyên bố báo chí và thư kêu gọi bảo vệ Mêkông. Ngày 04/04/2014, Liên Minh Cứu sông Mêkông gồm 56 tổ chức phi chính phủ các nước lưu vực Mêkông và quốc tế gởi lá thư chung đến bốn Thủ tướng chính phủ của các nước Mêkông. Ngày 24/04, một ngày trước Hội nghị nói trên, Liên minh ra tuyên bố báo chí “Thủy điện dòng chính sông Mêkông là mối đe dọa xuyên biên giới to lớn đến an ninh lương thực và người dân trong khu vực : Xã hội dân sự kêu gọi dừng việc xây thủy điện dòng chính”. Trong những tuyên bố và thư kêu gọi đó có sự tham gia của các tổ chức dân sự từ Việt Nam, Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenNID), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (Vietnam Rivers Network) và Trung Tâm Bảo Tồn và Phát Triển Tài Nguyên Nước (WARECOD).

Bên cạnh áp lực từ xã hội dân sự Đông Nam Á đang ngày một trưởng thành, với sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế, nhu cầu sử dụng luật pháp quốc tế vào giải quyết các mâu thuẫn và xung đột về sử dụng “tài nguyên nước” cũng ngày càng gia tăng. Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật liên quan đến việc sử dụng các dòng chảy quốc tế cho các mục đích ngoài giao thông thủy ("The United Nations Convention on the Law of the Non-Navigational Uses of International Water Courses"), được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phê chuẩn vào năm 1997, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 17/08/2014. Công ước của Liên Hiệp Quốc về các dòng sông xuyên biên giới có mục tiêu bảo đảm việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia một cách “công bằng”, “hợp lý”, thực hiện nghĩa vụ phối hợp hành động “không để lại các hậu quả đáng kể ("significant harm”/"dommage significatif") đối với các quốc gia chung lưu vực.

Việt Nam là quốc gia thứ 35 gia nhập Công ước, và cũng là quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN chính thức tham gia Công ước (cho dù về nguyên tắc đã có 9/10 quốc gia ASEAN bỏ phiếu thuận cho Công ước 1997). Việc có đủ 35 quốc gia gia nhập Công ước cho phép Công ước có hiệu lực. Trong thời gian tới, Công ước của Liên Hiệp Quốc về các dòng chảy xuyên biên giới hy vọng có thể mang lại những tác dụng tích cực để giải quyết một cách công bằng, hợp lý các mâu thuẫn xung quanh vấn đề các đập thủy điện trên dòng Mêkông.

Để luật pháp quốc tế có thể được thực thi, nỗ lực hành động của chính phủ và xã hội dân sự các nước là những điều có ý nghĩa quyết định. Nhiều nhà khoa học khẳng định Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt bằng chứng về tác hại của các dự án đập trên dòng chính Mêkông.

Để chuyển đến quý thính giả các thông tin về ý nghĩa của Hội nghị cấp Bộ trưởng của Ủy hội Mêkông cuối tháng 6/2014 đối với dự án Don Sahong, cũng như vai trò của các định chế khu vực và quốc gia trong với việc ngăn ngừa nguy cơ các dự án thủy điện nói chung trên dòng Mêkông gây thiệt hại trầm trọng về sinh thái, môi trường và xã hội, RFI có cuộc phỏng vấn với hai nhà nghiên cứu, Kỹ sư Phạm Phan Long (California), người chủ trương Hội Sinh Thái Việt (Viet Ecology Foundation/VEF), và Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Cần Thơ), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ (Viện DRAGON).

Thành quả rất lớn của các tổ chức dân sự khu vực

Xin KS cho biết các đánh giá về Hội Nghị cấp Bộ trưởng Ủy hội Mêkông thứ 20 tại Bangkok.
KS Phạm Phan Long : Tại Hội nghị thứ 20 ở Bangkok, Lào đứng trước nguy cơ Tòa án Tối cao Thái sẽ hủy bỏ khế ước mua điện Xayaburi của chính phủ Thái, trước yêu cầu Lào của ba nước Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam phải tham vấn họ, trước áp lực liên tục từ các tổ chức xã hội dân sự và trước yêu cầu tương tự của các nước viện trợ đối tác, Lào đã miễn cưỡng nhượng bộ đồng ý chấp nhận thủ tục tham vấn với các nước trong khu vực, nhưng Lào không ngừng mà vẫn tiến hành dự án Don Sahong.

Việc Lào chấp nhận thủ tục “prior consultation” hay “tham vấn trước” là một thành quả ngoại giao cho Ủy hội Mêkông (MRC-Mekong River Commission) và chính phủ các nước Mêkông. Nhưng thành công này là nhỏ là vì MRC và các chính phủ Mêkông đã không sớm khuyến cáo chính phủ Lào tuân thủ Hiệp Định 1995 và tham vấn ngay khi họ thông báo về dự án này. Trong khi đó, đây lại là thành quả rất lớn của các tổ chức dân sự và dân cư khu vực vì chính họ đã quyết liệt và kiên trì vận động chính phủ Mêkông và các nước viện trợ đối tác. Họ có công nhiều nhất, vì họ vừa gây áp lực vừa làm hậu thuẫn chính trị cho các chính phủ Mêkông thúc đẩy chính phủ Lào phải nhượng bộ.
Nếu áp dụng Chương II và Thể Lệ 5.4.3 của Hiệp định Mêkông 1995, các nước lân bang Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam không có quyền phủ quyết dự án nào của nước Lào; nhưng tham vấn trước theo Hiệp định 1995 có nghĩa là Lào cũng không được phép đơn phương tiến hành dự án bất chấp quyền lợi các nước láng giềng. Như thế Hiệp định 1995 đã ràng buộc các nước Mêkông phải có thỏa hiệp cho các dự án dòng chính như Xayaburi và Don Sahong.

Nếu chưa có thỏa hiệp trước mà Lào vẫn tiến hành xây đập rồi phải hủy bỏ vì không có thỏa hiệp Lào có thể sẽ phải đền thiệt hại cho các chủ thầu, đầu tư mà còn phải gánh trách nhiệm về các tác hại không thể vãn hồi như: làm mất vĩnh viễn các khu rừng nguyên sinh lỡ phá đi, gây tuyệt chủng ngư sinh, làm xáo trộn kế sinh nhai và hủy hoại văn hóa truyền thống của dân làng bị di tản.

Giám đốc Hans Guttman, người “bật đèn xanh” cho Lào vi phạm Hiệp định

Xin Kỹ sư cho biết tại sao chính phủ Lào lại có tự tin để hành động đơn phương như vậy?

KS Phạm Phan Long : Trước các vi phạm Hiệp định của Lào, theo tường trình của tờ Bangkok Post về Hội nghị thứ 20 này, ông Hans Guttman, CEO của MRC, đã tuyên bố rằng: “Theo điều lệ MRC Lào không cần hoãn hay ngừng dự án.” Như thế ông Guttman đã bật đèn xanh cho Lào vi phạm trắng trợn Hiệp định 1995. Như thế ông Guttman đã phụ họa cho hành động đơn phương bất chấp Hiệp định và quyền lợi láng giềng của chính phủ Lào.

Xin Kỹ sư cho biết cụ thể về vai trò của ông Hans Guttman, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội Mêkông ?

KS Phạm Phan Long : Đây không phải lần đầu tiên mà năm 2013, theo tường trình của tờ The Vientiane Times (lên mạng ngày 13/11/2013), ông Guttman đã tuyên bố: "Hiệp định không đi vào chi tiết thế nào là đập dòng chính hay không… vì một con đập tọa lạc trên một phần nào đó của Mêkông không có nghĩa nó là dự án dòng chính” và ông còn thêm vào: “Bạn không thể nói Lào đã vi phạm Hiệp định… chúng ta không có các chi tiết như thế (trong Hiệp định)”.

Ông Guttman đã hoang mang không tự xác định được Don Sahong có phải là dự án dòng chính hay không, dù dòng chảy Hou Sahong nơi Don Sahong chắn ngang là một trong những nhánh lớn nhất (của dòng chính) và duy nhất cho ngư sinh vào mùa hạn. Ông Guttman liên tiếp hành động như luật sư biện hộ cho Lào. Trong cương vị CEO của MRC đáng lý ông phải vạch ra là trong Hiệp định 1995 không có điều khoản miễn trừ cho một con đập dòng chính nào dù nhỏ đến đâu cũng thế.

Một người lãnh đạo văn phòng CEO của MRC hướng dẫn Mêkông bằng sự hoang mang của mình, đã để Lào tin tưởng là họ có thể bỏ qua thủ thục tham vấn PNPCA, và nay lại bao che cho Lào không phải ngừng đơn phương xây đập Don Sahong dù chưa có thỏa hiệp. Ông Hans Guttman chính là kẻ đã không bảo vệ Mêkông, không huy động được một dự án phát triển bền vững nào, không hiểu rõ Hiệp định 1995 và đang dẫn dắt các nước hạ lưu Mêkông kéo dài xung khắc và để Mêkông lâm vào thảm họa.

Cần một nghiên cứu “độc lập” và một giám đốc thực thi nghiêm túc Hiệp định 1995

Xin Kỹ sư cho biết nhận định của ông về những việc nên ưu tiên trong thời gian tới.

KS Phạm Phan Long: Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan nên nắm cơ hội này yêu cầu MRC tài trợ một nghiên cứu tác động chiến lược độc lập cho dự án Don Sahong như Tòa án Tối cao Thái đã buộc chính phủ Thái tuân thủ về dự án Xayaburi. Nhóm nghiên cứu này phải được hưởng tư cách độc lập với các chính phủ, với chủ thầu và các tài phiệt đầu tư vào dự án. Việc nhận tiền từ Lào và các nhóm lợi ích sẽ đặt cố vấn vào vòng kiềm chế, họ sẽ phải tuân thủ khế ước ký với chính phủ Lào, không còn tự do công bố thông tin và dữ kiện có hại cho Lào và chủ dự án.

Thứ hai là, Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan trong tiến trình tham vấn cần yêu cầu ngay Lào phải hoãn xây đập Don Sahong và tăng thêm thời gian nhiều năm nữa ngoài 6 tháng để cho cố vấn nghiên cứu tác động chiến lược. Hiệp định 1995 có điều khoản cho phép như thế khi cần. Thêm vào đó, các chính phủ phải cảnh giác Lào về những tác động không thể cứu vãn và không thể phục hồi, nhắc nhở Lào và chủ đầu tư trách nhiệm phải hủy bỏ dự án, bồi thường thiệt hại và phục hồi môi sinh, nếu không đạt được thỏa hiệp.

Thứ ba là, Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan không thể chấp nhận việc ông Hans Guttman vẫn tìm cách tiếp tục bao che cho Lào tiến hành xây đập. Cần thẳng thắn chất vấn tư cách hành động độc lập và khả năng điều hành của ông Hans Guttman. MRC cần có một CEO mới nắm vững Hiệp định 1995, nghiêm chỉnh áp dụng các điều khoản của Hiệp định, cảnh giác ngăn cản các vi phạm Hiệp định ngay từ đầu và có can đảm từ chức khi trở thành vô hiệu. Việc ra đi của ông Hans Guttman dù tự nguyện hay không sẽ là một thông điệp của MRC với dân cư là từ nay MRC không thể cứ như cũ nữa, mà việc điều hợp và sinh hoạt của MRC sẽ phải có trách nhiệm, hợp lý, dứt khoát và hiệu quả.

Việt Nam có nguy cơ thiệt nặng nhất

Xin Kỹ sư cho biết ý nghĩa của việc phía Lào chấp nhận một phần thủ tục “tham vấn trước” trong hội nghị các bộ trưởng của Ủy hội Mê kông lần thứ 20 vừa qua với vấn đề các con đập dư kiến trên dòng Mêkông nói chung.

KS Phạm Phan Long: Khi Lào chấp nhận tham vấn trước với Don Sahong thì tiến trình PNPCA tham vấn trước đã thành tiền lệ, không thể tránh né cho 9 dự án dòng chính Mêkông kế tiếp theo.
Trên tổng thể, Trung Quốc đã hoàn tất những con đập lớn nhất có thể làm trên thượng lưu Mêkông trên Vân Nam. Năm 2010, Viện nghiên cứu ICEM của Úc đã làm nghiên cứu và ước lượng thiệt hại ngư nghiệp, nông nghiệp xuống hạ lưu và ICEM đã quan tâm khuyến cáo các nước Mêkông hoãn xây 11 con đập dòng chính ở hạ lưu Mêkông trong 10 năm, để nghiên cứu thẩm định khoa học các tác động tổng hợp xuyên biên giới của chúng và tìm giải pháp hay giảm thiểu thiệt hại.

Lào không hoãn mà quyết tâm nhanh chóng xây các đập dòng chính của họ cho bằng được. Lào đã hứa hoãn, nhưng vẫn tiến hành xây đập Xayaburi và nay không hoãn mà vẫn tiến hành xây đập Don Sa Hong.

Những đập của Lào lại nằm gần những vùng Ramsar wetland (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được công ước Ramsar bảo vệ), các kho tàng sinh học quốc tế quan trọng cần phải bảo vệ vì sự sinh tồn của nhân loại. Don Sahong nằm ngay trong Siphandone, một Ramsar site sắp được công nhận của Lào, ngay cạnh thác Khone trên đầu của Stung Treng, một Ramsar site đã được công nhận của Cam Bốt và sẽ ảnh hưởng đến Tràm Chim, một Ramsar site đã được công nhận của Việt Nam.

Cũng theo ICEM, Việt Nam sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong bốn nước Mêkông nên Việt Nam cần vận động bảo vệ Mêkông ráo riết và liên tục, yểm trợ việc nghiên cứu tối đa ở mức cao nhất của chính quyền và chính sách quốc gia để kịp đuổi theo những thời hạn tham vấn quá ngắn ngủi. Những tổ chức dân sự cũng cần can đảm hơn nữa, phải công khai lên tiếng gây áp lực chính sách vừa làm hậu thuẫn cho Cam Bốt trước một láng giềng hung hăng như Lào, ta có một thí dụ sau đây.

Tòa án Việt Nam có bảo vệ quyền lợi của dân Việt như tòa án Thái ?

Năm 2012, 100 dân làng Đông Bắc và Bắc Thái Lan biểu tình trước tòa án Tối Cao tại Bangkok phản đối dự án Xayaburi bên Lào vì tác động tai hại cho dân cư hạ lưu bên Thái. 37 Công dân Thái nộp đơn lên tòa kiện việc Thái mua điện từ đập Xayburi vào ngày 7/8/2012 và bị Tòa Hành chánh từ chối xét xử. Họ không nản chí, lại nộp đơn khiếu nại tại Tòa án Tối cao Thái vào năm 2013 và kiên nhẫn chờ đợi phán quyết.

Ngày 24/06/2014, tòa án Tối cao chấp nhận đơn kiện và ra phán quyết buộc 5 cơ quan chính quyền Thái phải tuân theo Hiến Pháp, thông báo và phổ biến các tài liệu liên hệ, tổ chức các buổi tường trình và tham vấn để tìm hiểu sâu hơn về tác động của Xayaburi trên môi sinh, sức khỏe dân cư và nghiên cứu đánh giá cả tác động xã hội. Ba trong 5 cơ quan đó là: National Energy Council, Thai Cabinet và nhất là EGAT Electric Generating Authority of Thailand (công ty do Bộ Năng lượng Thái Lan quản lý, sẵn sàng mua đến 95% điện của Xayaburi).

Đây là một landmark case, hay vụ kiện lịch sử cho các nước Mêkông và là bài học đặc biệt cho chính phủ và các tòa án Cam Bốt và Việt Nam. Vì đây là lần đầu tiên tòa án một nước là Thái lại xét xử một vụ án liên quan đến dự án ở một nước khác là Lào. Tòa án Thái đã biết dựa vào luật của họ để bảo vệ dân họ truớc tai họa giáng xuống từ bên kia biên giới.

Nông dân và ngư dân Đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể kiện chính phủ Việt Nam, các công ty Việt Nam tham dự khai thác thủy điện Mêkông hay ký kết mua điện Mêkông hay không ?

Tôi có một câu hỏi gửi đến chính phủ Việt Nam và hơn 90 triệu người dân Việt khắp nơi :
Tòa án Việt Nam có quyền và cũng có thể ra lệnh cho chính phủ bảo vệ quyền lợi dân Việt Nam mình như thế không? Nếu không, thì tại sao không?

10 năm mới đủ đánh giá các tác động môi trường

Khép lại phần tạp chí mời quý vị nghe các nhận định của TS Lê Anh Tuấn. Ông nhấn mạnh đến ý nghĩa quyết định của việc tiến hành các nghiên cứu độc lập về tác động của các dự án thủy điện đối với các hệ sinh thái và đời sống dân cư hạ lưu, một công việc đòi hỏi rất nhiều năm mới có thể cho được kết quả chính xác.

TS Lê Anh Tuấn : Chúng tôi đã có một số bài học tương tự ở các dòng sông khác trên thế giới, như một số dòng nhánh ở sông Mêkông, ví dụ bài học về đập Pak Mun ở dòng nhánh của sông Mêkông ở Thái Lan. Khi đập thủy điện Pak Mun làm xong, thì lượng cá trên sông giảm sút rất nghiêm trọng và gây ra những tác động không lường trước được về mặt môi trường. Suy rộng ra, thì trên dòng chính Mêkông, tác động chính như thế sẽ lớn hơn rất nhiều. Và cái đoạn từ Nam Lào đến Cam Bốt, có rất nhiều loại cá hay các sinh vật chỉ có ở vùng này thôi, và chúng có số lượng rất ít, và đang ở trong tình trạng đặc biệt nguy cấp.

Cái đe dọa này các nhà khoa học và môi sinh cũng đã thấy rồi, nhưng tác hại của nó tới mức nào thì chúng ta cần phải có thời gian để nghiên cứu nữa. Bởi vì không chỉ riêng một loại cá nổi tiếng ở vùng này mà còn có các loại cá khác và các cây, các vùng đất ngập nước, các khu bảo tồn. Những cái này phải có thời gian mới đánh giá được, bởi vì tác động về mặt môi sinh thường thường là tác động lâu dài. Các nhà khoa học đã thấy được nguy cơ rồi, nhưng tới mức độ như thế nào, cần phải có các đánh giá tiếp theo.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị các chính phủ dừng lại trong khoảng thời gian khoảng 10 năm để đánh giá cho đầy đủ, và các đánh giá đó phải được kiểm chứng qua các khảo cứu, hay các xem xét khác nhau, để chính quyền có một kết luận khoa học nhất.

Các nhà khoa học nói là có “tác động nghiêm trọng”, nhưng Lào nói là “tác động không nghiêm trọng”. Lấy cái gì để đánh giá cái này ? Cần phải kết hợp nghiên cứu hai bên để đánh giá cho đầy đủ. Đánh giá đầy đủ để tránh ra những quyết định gây hối tiếc. Ví dụ như khi mình xây rồi, làm tuyệt chủng giống cá heo nước ngọt chẳng hạn, lúc đó mình không còn cơ hội để khôi phục lại những điều kiện như ngày xưa nữa.

Nhờ những kết quả nghiên cứu đó, mình có thể đề xuất ra những giải pháp khai thác nguồn nước có lợi nhất. Cũng có thể làm thủy điện, nhưng bằng cách nào đó, nhưng nó không gây tác động lên hệ sinh thái, sinh kế của người dân. Tức là, cái lợi chúng ta tìm cách khai thác, nhưng cái thiệt hại có thể giảm thiểu tới mức các bên có thể chấp nhận được.

***

Quyết định của chính phủ Lào trở lại tham vấn các quốc gia láng giềng về dự án Don Sahong có thể được hiểu theo nhiều hướng. Hành động này có thể được giải thích như là một thủ thuật “câu giờ” của phía Lào, trong giai đoạn chính quyền nước này đang chịu nhiều áp lực từ phía chính phủ các nước láng giềng, và đặc biệt từ các liên minh dân sự bảo vệ sông Mêkông. Mặt khác, giải quyết bất đồng liên quan đến các dòng sông xuyên quốc gia theo các chuẩn mực pháp lý quốc tế ngày càng trở thành một xu thế, đặc biệt với việc Công ước Liên Hiệp Quốc 1997 về sử dụng nước ở “các dòng chảy quốc tế” sắp có hiệu lực, sau khi thành viên thứ 35 (Việt Nam) đăng ký tham gia... Dù lý do này hay lý do kia, quyết định tham vấn của Lào cũng mở ra cơ hội cho các bên đưa ra các luận cứ phản bác hay ủng hộ. Để đưa ra được các luận cứ thuyết phục, không thể không có các công trình nghiên cứu cơ bản và tổng thể về tác động môi trường-xã hội của Don Sahong nói riêng, của các đập trên dòng chính Mêkông nói chung (cũng như trên các dòng nhánh vào mùa khô).

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã rất chậm trễ khi khởi động các công trình nghiên cứu như vậy. Nghiên cứu về các tác hại nhiều mặt của thủy điện trên dòng Mêkông đối với đồng bằng Cửu Long, khu vực định cư của 1/5 dân số quốc gia, chiếm đến 40% sản lượng nông phẩm và 54% sản lượng thủy sản đã bị coi hết sức nhẹ trong suốt một thời gian dài. Việc để cho một số công ty tư vấn làm công việc điều tra, thẩm định dưới sự điều hành của một cơ quan chính phủ có nguy cơ dẫn đến những “xung đột lợi ích”, khiến định hướng nghiên cứu bị chi phối.

Theo một số nhà nghiên cứu, việc Viện Thủy lực, Nước và Môi trường Đan Mạch (DHI Water & Environment) được chính phủ Việt Nam lựa chọn làm cơ sở thực hiện nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính Mêkông, trong một chương trình kéo dài trong hơn hai năm (2013-2015), chưa phải là một bảo đảm để có được một kết quả khoa học đủ tin cậy, xét về thời gian quá ngắn dành cho nghiên cứu, cũng như tính chất chưa minh bạch của quá trình tiến hành nghiên cứu. Trong khi đó, một số rất ít công trình trong nước, các công trình do Ủy ban Mêkông quốc gia hay khu vực chủ trì, được khởi sự từ ít năm trở lại đây, cho đến nay, vẫn chưa cho ra các kết quả được cộng đồng khoa học công nhận.

Liệu các kết quả nghiên cứu thực sự có kịp ra lò trước khi dòng Mê kông "vỡ vụn" ?

RFI xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Lê Anh Tuấn và Kỹ sư Phạm Phan Long. 

Nghe: Part 1, Part 2, Part 3 Part 4
 
Trích từ nguồn http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140702-lao-chiu-"tham-van-truo"-du-an-don-sahong-thuc-hu-va-co-hoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét