Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Bệnh truyền nhiễm trong lịch sử con người

Nguyễn Đức Hiệp

Đầu thế kỷ 20, đã xảy ra hai nạn dịch lớn, đậu mùa năm 1913 và dịch cúm Tây Ban Nha năm 1919. Cúm Tây Ban Nha vào Úc sau khi các binh lính trở về từ Âu châu sau đệ nhất thế chiến đã lây nhiểm vào dân số. Ở thời điểm cao của bệnh cúm, có đến 36% dân số bị nhiểm, trong đó gây ra 1.4% bị tử vong. Ở Sydney, chính phủ tiểu bang New South Wales đã ra lệnh đóng cửa các rạp hát công cộng, dân phải mang khẩu trang trên các phương tiện chuyên chở công cộng và các công sở. Trường học, quán bia đóng cửa, ngay cả các lể trong nhà thờ, tổ chức đua ngựa cũng không được tổ chức. Sau dịch cúm Tây Ban Nha là 2 dịch cúm lớn lan rộng trên thế giới là cúm năm 1957 và 1968, nhưng hệ quả không khốc liệt như dịch cúm 1918. Đây chính là bài học đáng sợ về dịch tể mà ngày nay các nhà chuyên môn và cơ quan y tế ở nhiều nước trên thế giới lo ngại là dịch cúm gia cầm lan qua người và trở thành cúm truyền nhiễm giết người nhanh chóng.

Virút cúm

Các virút cúm được chia ra ba loại: loại A, B và C. Virút loại A, ảnh hưởng đến gà, vịt, heo, cá voi, cũng như con người là loại nguy hiểm nhất. Virút loại A được chia thành nhóm dựa vào 2 loại proteins: haemaglutinin (HA) và neuraminidase (NA) ở chung quanh bề mặt của virút. Các khoa học gia đã tìm ra 16 loại HA (H1-H16) và 9 loại NA (N1-N6). Nghĩa là có tất cả 144 tập hợp các loại virút cúm A, nhưng chỉ có 3 loại tập hợp (H1N1, H1N2, H3N2) biết được hiện nay là nhiễm truyền giữa con người.

Cúm gia cầm thuộc loại virút H5N1, các nhà khoa học lo ngại là loại virút H5N1 sẽ gia nhập danh sách virút truyền nhiễm giữa con người. Loại cúm gia cầm này xuất hiện lần đầu năm 1997 ở Hong Kong, giết chết cả ngàn gà và 6 người nạn nhân. Sau khi chính quyền thiêu hủy hơn 1.5 triệu gà, nạn dịch chấm dứt nhưng virút gia cầm H5N1 vẫn còn lưu hành. Tháng 2 năm 2004, một người đàn ông chết vì cúm gia cầm ở Hong Kong, sau đó vào tháng 1/2004, dịch cúm gia cầm xảy ra giết chết gà ở Nam Hàn, Việt Nam, Nhật, Thái Lan. Cuối tháng 2/2004, tổng cộng có 28 người bị nhiễm cúm H5N1 trong số đó chỉ có 7 người là sống sót. Cúm gia cầm nhanh chóng lan qua Cambodia, Lào và Indonesia.. Qua các loài chim di cư từ nơi này sang nơi khác bị nhiễm cúm, dịch cúm gia cầm đã lan đi nhanh chóng. Cuối năm 2005 đã lan qua Thổ Nhĩ Kỳ, và mới đây trong tháng 1,2/2006 lan qua Nigeria (Phi Châu), Bungary, Pháp.

Cúm gia cầm H5N1 có thể thành nạn dịch chết người như cúm Tây Ban Nha 1918?

Virút cúm Tây Ban Nha thuộc 1 loại biến thể của virút H1N1. Hiện nay người ta được biết là virút Tây Ban Nha là từ chim nhảy qua người qua công trình nghiên cứu mới nhất gần đây (1). Hệ di truyền của virút Tây Ban Nha đã được giải mã (sequence) cho thấy là hệ di truyền của virút cúm gia cầm hiện nay ở Á châu có những thay đổi di truyền rất giống virút Tây Ban Nha đã gây truyền nhiểm chết người rất nhanh chóng. Chỉ một vài các protein đặc biệt trên hệ protein của virút là chuyển virút thành virút giết người. Virút Tây Ban Nha rất khác với virút cúm thường là nó nhiểm vào các tế bào ở tận sâu trong phổi và các tế bào phổi chung quanh các bao chứa không khí, mà thông thường không bị tấn công ở các virút cúm thường. Trong phòng thí nghiệm, khác với virút thường, virút Tây Ban Nha và virút gia cầm phát trên người hiện nay giết chết chuột khi chúng bị nhiễm. Tuy vậy hiện nay virút cúm gà chưa truyền nhiểm được từ người sang người.

Năm 1995, nhà khoa học Taubenberger thuộc khoa bệnh lý phân tử thuộc Viện Bệnh lý quân đội (Mỹ) có ý tưởng tìm ra lại virút Tây Ban Nha để nghiên cứu, ông hy vọng là virút 1918 sẽ cho thấy những thay đổi di truyền làm sự truyền nhiểm từ người sang người xảy ra được, từ đó giúp con người tìm ra biện pháp ngăn chặn nạn dịch trước khi chúng phát tán khắp nơi. Đây là công trình nghiên cứu khoa học hết sức quan trọng để tìm ra virút nguy hiểm va phương pháp để làm chúng hết hiệu lực. Năm 1918, virút chưa được khoa học khám phá. Làm sao các nhà khoa học ngày nay có thể tìm ra lại virút Tây Ban Nha và kiến tạo lại cấu trúc di truyền của nó?.

Ông Taubenberger nhớ lại là viện của ông đang làm có một nhà kho chứa các tế bào từ khám nghiệm tử thi, được thiết lập dưới thời tổng thống A. Lincoln, người đã ra lệnh là mỗi khi một bác sĩ quân y chẩn bệnh và lấy các mô tế bào, thì một mẫu tế bào đó cũng phải được gởi tới và chứa tại Viện Bệnh lý quân đội. Ông Taubenberger muốn biết là ông có thể tìm được tế bào phổi từ binh lính đã chết trong dịch cúm 1918 và từ đó lấy ra được virút để nghiên cứu. Ông đã tìm được mô tế bào từ 2 người lính, mẫu mô phổi của họ ngâm với formalin nằm trong các khối sáp. Các mô tế bào phổi này đã được chứa và chưa ai dung đến đã gần 80 năm, tuy vậy trong đó có virút đã bị gảy và xuống cấp, chỉ còn lại vài phân tử virút. May mắn hơn, ông lại có thêm một mô thứ ba, từ một người đàn bà đã chết ở vùng lạnh Alaska khi cúm lan đến làng của bà, giết chết 72 người lớn chỈ còn lại 5 người sống sót. Tất cả nạn nhân đều được chôn ở một mồ tập thể dưới tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu (permafrost). Ông John Holtin, nhà bệnh lý học đã về hưu, khi nghe biết công trình ông Taubenberger đang nghiên cứu, đã tự bỏ tiền ra từ San Francisco nơi ông ở đến tận mồ chôn ở Alaska và với sự chấp thuận của làng này, lấy mẫu tế bào phổi còn đông lạnh, gởi đến ông Taubenberger. Nhóm ông Taubenberger trong gần 10 năm đã lấy và cấu tạo lại các gene của virút Tây Ban Nha. Họ đã công bố dãy di truyền của 8 gene virút trên các tạp chí khoa học Nature và Science.

Tháng 8, năm 2005, ông Tumpey và các đồng nghiệp ở Trung tâm Kiểm chặn bệnh tật (Center of Disease Control) đã dùng thông tin từ các gene mà ông Taubenberger đã công bố để cấu tạo lại virút 1918. Họ tự hỏi là điều gì sẽ xảy ra nếu các chuột trong phòng thí nghiệm và mô phổi ở người bị nhiểm virút 1918 mà họ cấu tạo lại. Các nhà khoa học đã hết sức cẩn thận, họ dùng phòng thí nghiệm đặc biệt để bảo vệ các nhà nghiên cứu và phòng ngừa sự phát tán của virút 1918 được cấu tạo lại. Họ cũng đặt câu hỏi là có chăng virút 1918 vẫn còn gây chết người nếu họ thay một số gene trong 8 gene cấu tạo lại của virút 1918 với gene của virút cúm thông thường hiện nay. Các nhà khoa học đã bắt đầu khám phá những bí mật của virút 1918. Trong các thí nghiệm trao đổi gene, họ thay gene hemagglutini từ virút 1918 với gene hemaglutini từ virút cúm gần đây nhất trên người. Kết quả bất ngờ là virút 1918 được cấu tạo lại không còn phát sinh ở phổi chuột và giết chuột nữa. Và chúng không thể bám vào mô tế bào phổi ở người trong phòng thí nghiệm. Quan trọng nhất là protein trên gene hemagglutini của virút 1918 chết người chỉ khác protein của cúm gia cầm ở hai amino acids. Điều này cho thấy sự nguy hiểm và tác hại không lường của virút cúm gia cầm hiện nay nếu gene hemagglutini trên virút gia cầm biến dạng qua đột biến hay trao đổi gene với virút cúm khác trên người để trở thành gene hemaglutini trên virút 1918.

Các bệnh truyền nhiễm từ thú vật qua người

Jared Diamond cho thấy rằng khi con người thuần hóa thú vật thành gia súc, sự tiếp súc gần gủi này đã gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virút từ thú vật thích ứng với môi trường mới ở người. Đậu mùa và lao phổi là do vi khuẩn từ bò sang người thích ứng với môi trường truyền từ người sang người. Bệnh AIDS do virút bắt đầu từ khỉ biến thái nhảy sang người, bệnh sốt rét do sinh vật protozoa Falciparum malaria gây ra bắt nguồn từ protozoa tương tự ở chim.

Khảo sát các bệnh từ thú sang người cho thấy có bốn giai đoạn tiến hóa của các virút, vi khuẩn gây bệnh ở người (4). Giai đoạn đầu ta có thể thấy là các bệnh mà hiện nay thỉnh thoảng ta bị nhiễm trực tiếp từ gia súc như bệnh sốt từ vết cào của mèo, sốt leptospirosis từ heo, chó, mèo, sốt psittacosis từ gà và chim két. Những vi khuẩn này vẫn còn ở trạng thái mới bắt đầu trong sự tiến hóa đến vi khuẩn truyền ở người, chúng chưa trực tiếp truyền từ người này sang người kia. Giai đoạn thứ hai, vi khuẩn tiến hóa đến mức chúng có thể trực tiếp truyền nhiễm giữa người và gây ra bệnh dịch truyền nhiểm. Tuy nhiên sau đó một số các bệnh dịch truyền nhiểm này biến đi bởi các lý do như bệnh bị chăn đứng bởi y học hiện đại hoặc chấm dứt khi nhóm người đã bị nhiễm được miễn nhiễm hay đã chết hết không truyền được ra khỏi nhóm. Thí dụ như vào năm 1959 ở Đông Phi, một bệnh sốt chưa bao giờ được biết đến gọi là sốt Ónyong-nyong đã lan nhiễm vài triệu người. Bệnh này có thể bắt nguồn từ virút ở khỉ và truyền qua người từ muỗi. Do bệnh nhân hồi phục nhanh và trở thành miễn nhiễm nên bịnh mới này biến mất nhanh chóng. Giai đoạn thứ ba trong sự tiến hóa của các bệnh truyền nhiễm bởi những vi sinh vật từ thú là chúng đã có mặt trong loài người và chưa biến mất, có thể tái phát truyền nhiễm rất nhanh chưa biết lúc nào. Như sốt Lassa giết người chắc hẳn gây ra bởi virút từ chuột, đã phát tán rất nhanh ở Nigeria năm 1969 đến nổi các bệnh viện phải đóng cửa chỉ cần có một trường hợp bệnh nhân nhập viện. Giai đoạn tiến hóa sau cùng là các bệnh truyền nhiễm đã xảy ra ở người nhiều lần và vẫn còn đó, chúng đã thiết lập chắc chắn trong xã hội người sau khi đã trãi qua nhiều giai đoạn tiến hóa nhảy từ thú sang người và tự phát sinh từ người qua người.

Đối phó và phòng ngừa bệnh cúm gà

Trong một nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí Viện Hàn Lâm Khoa Hoc ở Mỹ, sau khi phân tích di truyền các loại virút H5N1 từ gia cầm, chim ở Trung quốc cho thấy là virút đã có mặt và phát tán ở nam Trung Quốc từ cả một thập niên trước đây (5). Vì vậy có thể đoan chắc rằng Nam Trung Quốc là nơi khởi thuỷ, phát sinh ra bệnh cúm gia cầm H5N1.

Các nhà khoa học cũng cho thấy là các loài chim di cư đã đóng một vai trò quan trọng trong sự truyền bá và phát tán virút gia cầm trên thế giới. Ở Nam Trung Quốc, nhiều gia cầm khoẻ mạnh đã được miễn nhiễm nhưng vẫn còn mang virút. Đây là vấn nạn lớn phải giải quyết để khỏi lan ra các gia cầm chưa bị bệnh ở những nơi khác. Sau khi phân tích dãy di truyền của cá loại virút H5N1 trên chim trời, gà ở đầm lầy Hong Kong, hồ Phổ Dương ở miền đông Trung Quốc và các chợ gà vịt ở Nam Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã cho thấy, qua các biểu đồ liên đới giữa các virút, là gia cầm từ Nam Trung Quốc đã nhiễm vịt trời đầu năm 2005. Các vịt trời này đã mang virút đến hồ Phổ Dương ở đông Trung Quốc, và từ đó đã đến hồ Thanh Hải, miền tây Trung Quốc, cách đó hơn 1700km giết chết rất nhiều chim ở khu trú ẩn và được bảo vệ này. Từ hồ Thanh Hải, virút được truyền đến Nga và các nước khác ở Trung Đông, Mông Cổ và Âu Châu.

Từ Nam Trung Quốc, đã có nhiều lần các đợt truyền nhiễm quan nước láng giềng Việt Nam và xa hơn (Indonesia). Ở các nơi đấy, virút thiết lập nơi cư trú mới và gây trầm trọng thêm biện pháp phòng ngừa ngăn chặn dịch cúm gia cầm nhảy sang người. Vì thế muốn ngăn chặn và kiểm soát dịch cúm, cần phải phong tỏa bao vây nguồn dịch ở Nam Trung Quốc trước nhất.

Ở Saigon và nhiều tỉnh, tôi để ý thấy có nhiều bích chương, biểu ngữ thông báo cho dân chúng biết về hiểm hoạ dịch cúm gia cầm có thể lan sang người va cách đề phòng, từ những thông tin cơ bản như nấu chín kỹ thịt gà, dịch cúm H5N1 khi lan qua người và truyền nhiễm sẽ giết đến 2 triệu người ở Việt Nam, phương tiện vận tải chở gia cầm phải tránh giờ cao điểm lưu thông và có đường đi nhất định. Phải nói là ở Việt nam có sự thực hiện tích cực ngăn chận dịch cúm gia cầm. Tổ Chức Y tế thế giới (World Health Organisation) đã đánh giá cao thành quả của Việt Nam trong sư đối phó với dịch cúm gia cầm và xem Việt nam là một mô hình cho các nước phát triển thực hiện theo.

Cũng theo công trình nghiên cứu đề cập ở trên (5), phân tích di truyền của các họ virút cho thấy có nhiều loại khác nhau ở trên chim trời và gia cầm, trong khi phân tích virút trước đây trên người bị nhiễm chỉ cho thấy hai loại khác nhau. Thuốc phòng ngừa và chữa bệnh cho một loại virút có thể chỉ có chút hay không hiệu nghiệm với loại virút khác. Các nhà nghiên cứu đề nghị là một số các loại thuốc khác nhau được chế tạo và dự trữ trước để sẵn sàng khi có dịch phát tán lan truyền trên thế giới ở con người. Hiện nay các nước trên thế giới đã và đang sản xuất hay mua sẵn các loại thuốc cúm như Tamiflu (chỉ có hiệu nghiệm cầm chừng) phòng sẵn khi dịch cúm gia cầm nhiễm lên người và lan rộng. Một hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tham khảo
  1. Dobson, A., What links bats to emerging infectious diseases, Science, 28 Oct 2005, Vol 310, p. 628-629

  2. Normile, D., Are wild birds to blame, Science, 21 Oct 2005, Vol 310, p. 426-428.

  3. Butler, D., Wartime tactic doubles power of scarce bird-flu drug, Nature, Nov 2005, Vol 438/3, p. 6.

  4. Diamond, J., Guns, germs and steel, Vintage, London, 2005.

  5. H. Chen, G. J. D. Smith et al., Establishment of multiple sublineages of H5N1 influenza virus in Asia: Implications for pandemic control, Proceeding of the National Academy of Sciences, 2006, 103: 2845-2850

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét