Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Nguời cổ Đông Nam Á

Nguyễn Đức Hiệp

Đông Nam Á là nơi cư trú lâu đời của con người từ khi con người hiện đại đi từ Đông Phi qua Ấn Độ đến Đông Nam Á hơn 60000 năm nay. Từ Đông Nam Á, con người đã đi đến Úc châu, và sau đó đã đi lên Đông Á. Người cổ nhất được tìm thấy ở Úc, ở hồ Mungo (nay là sa mạc), được định tuổi là khoãng 50000 năm. Hiện nay chưa tìm được di tích người cổ hơn người Mungo ở Đông Nam Á, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy Đông Nam Á là điểm xuất phát của con người đi xuống lục địa Úc trong thời băng hà Pleistocene. Để có thể hiểu rõ quá trình phát triển của con người, chúng ta hảy đi ngược lại thời gian tìm hiểu về địa chất, môi trường sống trong vùng Đông Nam Á từ cuối thời băng hà Pleistocene cho đến ngày nay.

(1) Đông Nam Á, thời băng hà - Đất tổ của người AustroAsiatic, Austronesian
Thời kỳ địa chất Cenozoic, cách đây 65 triệu năm cho đến ngày nay, là thời kỳ động vật có vú và chim bắt đầu xuất hiện. Thời địa chất Cenozoic gồm có hai kỷ - kỷ thứ ba (Tertiary) và kỷ thứ tư (Quaternary) — Trong 2 kỷ này gồm có 7 kỷ nguyên (epochs). Kỷ thứ ba có 5 kỷ nguyên Paleocene, Eocene, Oligocene, Miocene, và Pliocene và Kỷ thứ tư chỉ gồm hai kỷ nguyên, thời kỳ Pleistocene và Holocene.

Con người bắt đầu xuất hiện vào thời kỷ nguyên Pleistocene, nhưng chỉ bắt đầu có ảnh hưởng to lớn đến môi trường sống trên trái đất vào đầu thời Holocene cách đây gần 12000 năm.

Kỷ thứ ba (Tertiary) Paleocene : 65-57 triệu năm trướcEocene : 57-34 triệu năm
trướcOligocene : 34-23 triệu năm
trướcMiocene : 23-5 triệu năm
trướcPliocene : 5-2 triệu năm trước
Kỷ thứ tư (Quarternary) Pleistocene : từ 2 triệu năm đến 13,000 năm
trước đây Holocene : 12,000 năm trước đây đến ngày nay

Tiến bộ then chốt nhất về khoa học trái đất là sự khám phá trong thập niên 1990 khí hậu địa cầu trong quá khứ 100000 năm đã qua: từ thời băng hà cuối của kỷ nguyên Pleistocene đến thời Holocene ngày nay. Dữ kiện khoa học về thời tiết và nhiệt độ nước biển đã được biết qua các nghiên cứu các lớp san hô, những mẫu phù sa, các tầng nước đá ở Bắc cực trước đây trong nhiều ngành khoa học khác nhau. Nhưng chỉ hơn 15 năm gần đây, qua sự tổng hợp và các hợp tác nghiên cứu liên ngành để giải thích các sự kiện lịch sử con người trong quá khứ cũng như tiên đóan khí hậu môi trường sống trên trái dất trong tương lai, các nhà khoa học đã cấu tạo lại các dữ kiện khí hậu xưa kia trên trái đất rất chi tiết cho đến các đây hơn 100,000 năm để làm nền tảng cho các nghiên cứu sau này. Quan trọng nhất là qua các lớp nước đá lấy ở đảo Greenland gần bắc cực từ trên mặt băng xuống sâu đến tận đất, các nhà khoa học dùng tỉ lệ đồng vị oxygen 18 và oxygen 16 để kiến tạo lại nhiệt độ trong khoảng 120000 năm cách đây, cho thấy thời kỳ Holocene, khi thời kỳ băng hà cách đây 12000 năm chấm dứt, là thời kỳ mà sự thay đổi khí hậu nhiệt độ ít biến động và thay đổi với mực độ không to lớn so với thời băng hà ở kỷ nguyên Pleistocene. Thời kỳ băng hà này có nhiều sự thay đổi lớn lao đột ngột qua giai đoạn ấm rồi trở lai lạnh (xem Hình 2c). Những biến động từ lạnh đến ấm trong thời băng hà được gọi là biến động Dansgaard-Oeschger, và ngược lại từ ấm đến lạnh là biến động Heinrich.

Trong giai đọan chuyển tiếp từ thời băng hà đến Holocene lúc nhiệt độ tăng và ấm trong một thời gian thì thình lình cách đây 12000 năm, nhiệt độ giảm mạnh thay đổi khí hậu trở lại lạnh như trong thời băng hà. Thời kỳ này các nhà khoa học khí hậu gọi là Young Dryas. Đây cũng là lúc con người phải sống dựa vào thực vật, bước ra khỏi thời đá cũ và kỷ thuật canh nông trồng trọt ra đời. Thời Young Dryas rất ngắn, sau đó khí hậu trở lại ấm và đi vào kỷ nguyên Holocene ngày nay. Vào thời Holocene, cách đây khoảng 8200 năm (6200BC), hơn 3000 năm sau Young Dryas, nhiệt độ bổng nhiên tụt xuống lạnh trong vòng 60 năm, làm vùng Mesopotamia (gần Iraq ngày nay) bị hạn hán, tàn phá canh nông. Đa số con người phải bỏ đi, xuôi theo sông Tigris và Euphrate xuống hạ lưu gần vịnh Ba Tư và từ đó canh nông dẫn nước ra đời. Và sau cùng cách đây 4200 năm (2200BC), sự thay đổi khí hậu đột ngột đã làm vùng Sahara xanh tươi, ẩm và ấm trở thành sa mạc và nền văn minh Harappa, ở lưu vực sông Ấn Hà (Indus), cũng như nhiều đế quốc và triều đại ở Cận đông và Ai Cập biến mất.


Hình 1 - Ảnh vệ tinh vùng Đông Nam Á dưới độ sâu 100m của thềm lục địa


Hình 2a - Độ dâng nước biển cuối thời Pleistocene đến ngày nay


Hình 2b - Độ dâng nước biển thời Holocene đến ngày nay


Hình 2c - Nhiệt độ ở giữa đảo Greenland trong 100000 năm vừa qua, tái tạo từ sự đo nồng độ oxygen và đồng vị oxygen 18 trên tầng nước đá lấy được trong chương trình nghiên cứu GISP2 giữa thập niên 1990 (8). Để ý là trong thời kỳ băng hà cuối Pleistocene, có nhiều biến động thay đổi khí hậu đột ngột lên xuống bất thường, biến động ấm Dansgaard-Oeschger, và ngược lại từ ấm đến lạnh (biến động Heinrich). Giai đoạn cuối trước khi vào thời Holocene cách đây khoảng hơn 12000 năm, từ ấm thình lình chuyển đến thời kỳ lạnh goi là Young Dryas (YD), là lúc con người bắt đầu thuần hóa thực vật bước vào thời kỳ canh nông. 
(b) Địa lý - Động vật và thảo vật Cả vùng biển hiện nay từ nam mũi Cà mau, vịnh Thái Lan đến các eo biển giữa các đảo Sumatra, Borneo, Java đều rất nông cạn và được gọi là thềm Sunda (Sunda shelf). Trong thời kỳ băng hà Pleistocene từ cách đây 20000 đến 18000 năm, thềm Sunda còn ở trên mặt nước biển. Lúc nước biển còn thấp (từ 100m đến 150m dưới mực nước hiện nay) thì phần lớn thềm lục địa ở biển Đông và cả vùng vịnh Thái Lan, nam Việt Nam nối dài với bán đảo Mã Lai vẫn còn là đất liền trên mực nước biển hiện nay và các đảo lớn ở Nam Dương, như Sumatra, Java, Borneo, Bali .. còn gắn liền với lục địa Á châu. Hình 1 chụp từ vệ tinh cho thấy rõ thềm Sunda nối với các đảo tạo thành Sundaland gắn liền với lục địa Á châu.Vết tích của thời kỳ này còn có thể tìm thấy được qua nghiên cứu về sự phân phối các động vật trên các vùng ở Đông Nam Á. Tê giác 1 sừng, Rhinoceros sondaicus, trước đây không lâu (đầu thế kỷ 20) còn sống ở vùng rộng lớn trãi dài từ Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Cam Bốt, bán đảo Mã Lai, Sumatra và Java. Ngày nay, do sức ép và sự bành trướng của con người ảnh hưởng đến môi trường sống, chúng chỉ còn ở Java và một ít ở Việt Nam thuộc khu vực rừng quốc gia Nam Cát Tiên, Lâm Đồng. Cũng vậy, tê giác 2 sừng loại Sumatran rhino (Dicerorhinus sumatrensis) hiện hữu trong môi trường sống từ Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, đến đảo Sumatra và Borneo.

Loài Orang Utan (“người rừng”), hiện nay vẫn còn ở rừng nhiệt đới nóng ẩm Sumatra và Borneo, cho ta thấy là khi xưa lúc Borneo còn gắn liền với Sumatra và lục địa Á châu, chúng đã đi lại qua các vùng nhiệt đới xích đạo ở hai nơi (1). Lạ hơn là giống Orang Utan ở Tây Nam Borneo và Sumatra rất gần gụi giống nhau hơn là giữa Orang Utan phía Tây Nam Borneo và các nơi khác trên cùng đảo Borneo. Thêm một sự kiện nữa là các giống cá ở sông Kapuas, phía tây Borneo hầu như giống y như các loài cá ở các sông phía đông đảo Sumatra mà lại rất khác với các giống cá ở sông Mahakam phía đông Borneo cách sông Kapuas qua một rặng núi mà thôi. Điều này cho thấy xưa kia sông Kapuas và các sông ở phía đông Sumatra có cùng chung một lưu vực (catchment) nối liền hai đảo Sumatra và Borneo hiện nay.

Cũng vậy loài voi hiện diện ở khắp vùng Nam lục địa Á châu từ Sri Lanka, Ấn độ, Miến Điện, Thái Lan, Nam Trung Quốc (Vân Nam), Đông Dương, Mã Lai đến các đảo hiện nay Sumatra, và Borneo. Loại voi, Elephas maximus sumatranus, ở đảo Sumatra và Borneo giống như loài Elephas maximus maximus ở Sri Lanka và Elephas maximus indicus ở Ấn độ và các nơi khác.

Các dữ kiện trên cho thấy Sundaland trước thời biển tiến là vùng đất lớn nối các đảo Đông Nam Á với lục địa Á châu cho phép các loại động vật đi lại phát tán trên vùng này. Con người cũng đã đi đến lục địa Úc châu từ Đông Nam Á và Sundaland qua các eo biển hẹp ngăn cách Úc với Sundaland. Con người đã đến Úc cách đây hơn 50000 năm, sớm nhất từ Phi Châu, trước khi có đợt hai từ Trung Đông đến Âu châu.

Vào thế kỷ 19, nhà sinh học Wallace đã quan sát, nghiên cứu các động vật ở các đảo Indonesia. Ông tìm thấy có 48 loài động vật giống nhau ở bán đảo Mã Lai, đảo Sumatra, Borneo và Java. Trong số này có 7 loài vượn khỉ là những động vật sống trong rừng, không bao giờ lội và chắc chắn không thể vượt qua được 1 dặm nào ở biển; 19 loài thú săn, một vài trong số này có thể lội nước vượt biển, nhưng chúng ta không thể nói rằng có nhiều loài trên vượt qua được các eo biển rộng từ 30 đến 50 dặm cách xa hai bờ (trừ 1 eo hẹp hơn 30 dặm), và 5 loài thú có sừng, ngà, gồm loài heo vòi (tapir), 2 loài tê giác và 1 loài voi (đã đề cập như trên). Ngoài ra còn có 13 loài chuột, 4 loại ăn bọ, gồm có chuột chù (shrew-mouse) và 6 loại sóc mà sự vuợt biển qua hơn 20 dặm còn khó cho ta có thể tưởng tượng hơn là các loài thú lớn hơn. Điều trên cho thấy là trước đây đã có thời kỳ các đảo này nối chung với lục địa Á châu.

Trái lại đảo Celebes và các đảo xa hơn băng qua đường gọi là “đường Wallace” (Wallace line) chạy qua giữa biển của hai đảo Borneo và Celebes đã không nối với lục địa Á châu trong thời băng hà đã qua trước đây. Vì độ sâu ở biển giữa đảo Celebes (Sulawesi) và Borneo rất sâu, nên ngay cả khi mực nước biển thấp hơn hiện nay hơn 100m, eo biển vẫn còn là biển chia cách hai đảo. Đảo Celebes từ 160 triệu năm tách rời từ lục địa cổ Gondwana (cũng như Madagascar tách rời Phi Châu trong khoảng thời gian này). Vì thế Celebes biệt lập từ lâu đời và nơi đây có nhiều loài thú đặc biệt khác với Á châu và không nơi nào khác chung quanh vùng có như loài khỉ Tarsier spectrum (giống con lemur ở Madagascar), một loại khỉ nhỏ khoảng 10cm và đuôi dài 20cm, và một loài thú lạ kỳ giống loài heo mà ta thường biết gọi là Babirusa. Cả hai tương tự như các loài sống ở Phi châu hơn là Á châu. Heo Babirusa đặc biệt có răng nanh hàm trên cong vòng gần đến mắt, giống như ngà voi. Hình dáng bên ngoài giống như hà mã. Thật ra loài liên hệ gần giống với heo Babirusa là loài tổ tiên của hà mã sống cách đây 30 triệu năm được tìm thấy trong các hóa thạch ở bắc bán cầu. Hoá thạch của con hà mã sơ khai (Merycopotamus) đã được tìm thấy ở Siwalik, Ấn độ. Đây có thể là tổ tiên của loài heo Babirusa hiện nay. Sống biệt lập hàng triệu năm, heo Babirusa đã tiến hóa ở đảo Celebe đến một dạng không giống loài heo nào trên thế giới.

Ở đảo Celebes, nếu không tính các loài dơi, thì các loài thú vật có vú hoàn toàn 100% chỉ nơi đây mới có (endemic), hơn cả Úc châu. Úc châu, một lục địa đảo đặc biệt, cũng chưa có tỷ lệ số lượng như vậy. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt của đảo Celebes, thì nói chung đường Wallace chạy dài ngăn chia từ giữa đảo Bali và Lombok lên giữa Borneo và Celebes và là ranh giới động thực vật giữa Á châu và Úc. Phía bên trái là các đảo Bali, Java, Borneo, Sumatra. Phía bên phải là các đảo Celebes, Flores, Timor, Lombok, Sumba và các đảo trong quần đảo Moluku gần New Guinea và Úc. Cũng như đảo Celebes, trên đảo Flores có nhiều đông thực vật khác với các đảo bên trái đường Wallace: có loài voi nhỏ Stegodon sondaari lớn bằng con trâu nước đã tuyệt chủng, và vào năm 2004 đã tìm thấy hài cốt của người xưa bé lùn (homo floresiensis) mà giới khoa học nhân chủng và khảo cổ đã nghiên cứu tranh luận xôn xao gần đây.

(c) Con người
Trước khi biển tiến cách đây 14,000 năm thì thềm Sunda vẫn còn trên mực nuớc biển, nối liền lục địa Á châu với các đảo Sumatra, Borneo, Java. tạo thành Sundaland cho phép người cổ Đông Nam Á phân tán và đi qua các “cầu đất liền” trên vùng rộng lớn này.

Thời đá cổ (Paleolithic) và đá mới
Tiến bộ của khoa học di truyền gần đây cho thấy con người hiện đại đã khởi xuất từ Đông Phi qua nhiều đợt di cư đã đến Á châu, Trung Đông và phát tán đi đến các nơi khác. Đợt di cư đầu tiên trong thời kỳ đầu băng hà là dọc đường biển nam Arabia, Nam Ấn Độ (ghé các đảo Andaman, Nicobar hiện nay ở Ấn Độ Dương gần Miến Điện) đến Đông Nam Á và đến Úc châu. Người thổ dân Úc châu hiện nay là các giống dân lâu đời, cũng như người Dravidian (Nam Ấn), người Melanesian ở Guinea, người Orang Asli trong rừng ở bán đảo Mã Lai và các giống bộ lạc còn sót lại trong rừng rậm ở các đảo Andaman như các bộ lạc người Jarawa, Onge. Nghiên cứu di truyền về các tộc trên cho thấy họ là những giống người cổ ở Á châu vẫn còn sống trong rừng khi người thời đá mới với kỷ thuật canh nông xuất hiện sau này (10). Ngôn ngữ của họ thuộc loại ngôn ngữ cổ Indo-Pacific.

Người thổ dân Andaman lùn đen, giống người pygmie ở Phi châu và các thổ dân negritos Orang Asli như Semang, Aeta, Boloven ở rừng rậm Mã Lai và Phi Luật Tân. Hiện nay còn rất ít chỉ dưới 500 người, họ là hậu duệ của người cổ thời đá cũ. Nghiên cứu di truyền học gần đây cho thấy sự liên hệ của họ với các giống thổ dân ở Úc châu hiện nay. Về hình dáng bên ngoài, khó có thể phân biệt và ta thấy sự giống nhau rất nhiều giữa người Semang với người thổ dân Úc hiện nay.

Một bộ xương hầu như còn nguyên vẹn đã được tìm thấy tại một di chỉ gọi là Gua Gunung Runtuh ở Mã Lai vào đầu thời kỳ Holocene. Phân tích bộ xương này cho thấy xương rất giống thổ dân Úc ngày nay ở hình thái răng và chân tay (3), và giống những mẫu sọ người ở thời kỳ Mesolithic (đá trung kỳ) ở Mã Lai và đảo Flores. Sự khám phá này, cùng với các xương tìm thấy ở Tabon và Niah, cho thấy những người cổ ở Sundaland trong thời Pleistocene muộn có thể là tổ tiên của người thổ dân Úc hiện nay. Các đặc tính qua đo lường ở răng và xương chân ở người cổ Sundaland cho thấy các đặc tính này vẫn còn thấy ở các dân cư trong vùng Đông Nam Á cho đến đầu thời kỳ Holocene. Tuy vậy các khác nhau ở đặc tính về sọ đã được tích tụ từ cuối thời kỳ Pleistocene ở thổ dân Úc và các dân cư đầu tiên vùng Đông Nam Á so với các sọ cổ Sundaland.

Cách đây từ khoãng 20000 đến 10000 năm, những giống dân cư này bắt đầu toã ra đi đến cư ngụ ở vùng thượng du phía bắc và nam Đông Nam Á. Từ đó trong những môi trường mới, họ bắt đầu thuần hóa các cây quả và thú vật lần lần một cách có hệ thống. Sự kết hợp đời sống đánh cá với hái lượm trong rừng, và sự vun xới các cây như cây đậu, đã cho phép họ thiết lập được đời sống vĩnh viễn, không đi đâu xa, ở các hang, chủ yếu là gần nguồn nước; đây là cách sống lần lần được các nhóm khác, sống trãi rộng trong khắp vùng, tiếp thu và thâu nhận. Văn hóa của những nhóm người này được gọi là văn hóa Hòa Bình, do sự khám phá các di chỉ có cùng đặc tính chung vào đầu thế kỷ 20 đầu tiên ở tỉnh Hòa Bình, Việt Nam. Sau này các di chỉ tương tự được khám phá ở nhiều nơi khác trong vùng Đông Nam Á. Các đặc tính chung mà ta có thể thấy được về kỹ thuật, tập quán và đời sống hàng ngày trước đây và cho đến tận ngày nay của nhiều sắc dân ở Đông Nam Á.

Năm 1933 là năm mà bà M. Colani, nhà thực vật học và khảo cổ Pháp, đã khám phá ở các hang đá vôi và hầm ở tỉnh Hòa Bình là các nơi trú ngụ của người xưa với các dụng cụ đá sỏi dẻo thô sơ. Bài báo cáo khoa học của Colani trên tạp chí của trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp đã đưa ra ánh sáng đầu tiên của văn hóa cổ gọi là “Hòa Bình”.
Hang Con Moong, một di tích khảo cổ phát hiện vào năm 1977, trong vườn quốc gia Cúc Phương, cho thấy người Hòa Bình đã cư ngụ lâu đời trong hang với nhiều dụng cụ đá đẻo và các xương động vật như sóc, khỉ, chó, heo, tê giác, bò (rừng), hưu và các võ sò, trai, ốc. Người Hòa Bình là ai?. Trong hang Con Moong còn tìm thấy nhiều hài cốt, đa số xương đã mũn nát, nhưng còn một bộ với răng sọ, cho thấy chủng tộc là Australoid negrito (6). Tại đây đã phát hiện các tầng văn hóa (5) chia ra như sau: tầng trên là văn hóa Hòa Bình III, tiếp nối với văn hóa Bắc Sơn, có rìu mài lưỡi và gốm, tầng kế dưới là văn hóa Hòa Binh II cổ điển mà Colani đã phát hiện và mô tả và tầng cuối cùng là văn hóa Hoà Bình I với công cụ đá đẻo rất thô sơ có nhiều đặc trưng của nền văn hóa Sơn Vi. Vì thế nhà khảo cổ Phạm Huy Thông đã cho rằng văn hóa Hòa Bình nảy sinh từ nền văn hóa củ hơn, nền văn hóa Sơn Vi.

Tổng hợp các dữ kiện trên có thể cho ta kết luận là người Andaman, Orang Asli (negritos) ở Mã Lai, Phi Luật Tân và thổ dân Úc là hậu duệ không thay đổi nhiều qua thời gian của những người cổ ở Sundaland và chủ nhân của văn hóa Hòa Bình là cư dân về hình thái giống như hay có liên hệ rất gần với các giống dân trên. Nghiên cứu mới nhất (2006) về di truyền mtDNA cho thấy thổ dân Úc có liên hệ sâu đậm với các dân tộc bản sứ ở Papua New Guinea, Malaya, và các đảo Andaman and Nicobar (12).

Cách đây khoảng 14000 năm, mực nuớc biển tăng lên ở cuối thời kỳ băng hà đã cắt đứt các “cầu” đất liền nối các đảo ở phía nam Đông Nam Á với lục địa Á châu. Và qua đó đã làm tăng nhanh quá trình phân hóa và cách ly giữa các văn hoá bản sứ trong vùng đã bắt đầu phát triển, nhất là ngôn ngữ. Tuy vậy sự kiện xảy ra sau đó không phải là một thời kỳ của sự cách ly xa dần của các nhóm mà là sự phát triển cùng thời của các văn hóa bản sứ này dựa trên một nền tảng chung có cốt rễ là văn hóa Hòa Bình thích ứng với điều kiện riêng ở mỗi địa phương, cộng với sự truyền đạt ý tưởng và kỹ thuật đã cho phép các phát minh tỏa ra trong một vùng địa hình thiên nhiên. Trong thời kỳ mà nhà khảo cổ Wilhem Soldheim gọi là “thời kỳ phát tỏa” cách đây từ khoảng 10000 đến 2000 năm, đã xảy ra ở Đông Nam Á sự phát triển của hầu như tất cả nhu liệu mà ta có thể gắn liền với từ ngữ “văn minh”, không có liên hệ hay du nhập các sáng chế từ bên ngoài vào. Trong thời kỳ này, heo bò và gà vịt đã được thuần hóa và lúa đã bắt đầu được trồng. Ở các vùng gần biển, hay dọc theo các sông rạch, nghề hàng hải bắt đầu từ sự sáng chế ra thuyền có mái chèo. Và người Đông Nam Á đã vượt biển đi xa đến tận Nhật, Melanesia, Ấn Độ, và đảo Madagascar ở bờ biển phía đông Phi Châu.

Kỹ thuật văn hóa Hòa Bình hiện diện ở nhiều nơi ở Đông Nam Á lục địa, ngoài hang ở Hòa Bình, Con Moong còn có thể thấy ở các hang Pha Chang, Moh-Kiew, Lang Rongrien và Lang Kannam ở Thái Lan. Trong hội nghi kỷ niệm 60 năm Colani khám phá di chỉ và văn hóa Hòa Bình năm 1993 ở Hà Nội, các học giả Trung Quốc cũng trình bày những địa điểm khảo cổ ở Nam Trung Quốc có dấu vết của văn hóa Hòa Bình.

Người Hòa Bình đã đến xuống đồng bằng Bắc Việt định cư dọc sông ngòi và bờ biển. Trong khoảng 20000 năm, ho đã tiến hóa song song và có liên hệ với các dân cư khác ở Đông Nam Á hải đảọ Trước khi biển tiến thì Đông Nam Á hải đảo vần còn nối liền với lục địa, miền nam Việt Nam hiện nay và Cam Bốt còn nối với Borneo cũng như vịnh Thai Lan còn là đồng bằng mênh mông.

Biển tiến bắc đầu cách đây 15000 năm mà cao điểm là 14,500 chỉ trong vòng một thời gian ngắn khoảng 300 năm, mực nước biển lên nhanh khoảng 20m đến mực độ cao cách độ cao hiện nay khoảng 80m gần như nhận chìm thềm Sunda (pulse 1A) (7). Thềm Sunda bị chìm hoàn toàn cách đây khoảng 8000 năm.

Lúc bắt đầu thời kỳ biển tiến, người Đông Nam Á dọc bờ biển và sông đã tiến hóa qua môi trường khác với người cổ vẫn còn trong rừng rậm sống hái lượm. người ở đồng bằng vịnh Bắc bộ, Trung Việt, Borneo (như người Dayak), bán đảo Mã Lai, Sumatra, Java đã có sự liên hệ về nhân chủng và văn hóa. Cách đây khoảng 12000 năm vẫn trong thời kỳ biển tiến, thời tiết trên thế giới thình lình trở lại lạnh, khô kéo dài 1300 năm trước khi trở lại ấm bình thường. Hiện tượng khí hậu này gọi là Young Dryas (tên của một loài cây thuộc họ hồng, hoa trắng sống trong môi trường núi rất lạnh khô cằn, đã để lại dấu vết trong các lớp địa chất) đã làm cuộc sống xã hội loài người thay đổi hoàn toàn, buộc một số phải đi xa sinh sống và còn lại sinh sống bằng canh nông, thuần hóa thú vật. Đây cũng là thời kỳ canh nông và thuần hóa súc vật xuất hiện đầu tiên ở xã hội người vùng Cận Đông. Hiện nay chúng ta chưa biết được cuộc sống của người Hòa Bình đã thay đổi như thế nào trong thời kỳ Young Dryas.

Trong một nghiên cứu di truyền mới nhất (9) về sự liên hệ của người cổ thổ dân negrito ở bán đảo Mã Lai với các giống dân hiện nay ở Đông Nam Á và Đông Á. Qua phân tích mitochondria DNA (mtDNA) từ mẫu tóc của người negrito ở Mã Lai trong bộ sưu tập Duckworth Collection và các nhóm người khác cho thấy lúc đầu họ chỉ trong phạm vi tây nam Trung quốc, bán đảo Đông Nam Á và Indonesia nhưng sau đó họ đã phát tán nhanh chóng khắp Đông Nam Á vào giữa cuối thời băng hà và thời Holocene đá mới cách đây 13000 năm.

(2) Đông Nam Á sau biển tiến
Sau biển tiến một thời gian khoảng 10000 năm, Đông Nam Á bắt đầu vào thời đại đồng cách đây gần 2500 năm, gọi là thời kỳ Đông Sơn. Đây cũng là thời kỳ Hùng Vương dựng nước trong lịch sử Việt Nam.

Thời kỳ Đông Sơn là thời kỳ mà dân tộc Lạc Việt và các nhóm Bách Việt khác ở nam sông Dương Tử đã đạt đến trình độ văn minh cao mà trống đồng là những di vật tiêu biểu. Người Đông Sơn là ai ?
So với di chỉ Hòa Bình thì di chỉ Đông Sơn tìm được rất nhiều, tập trung nhiều nhất ở Bắc Việt Nam nhưng có mặt rãi rác khắp Việt Nam, Đông Nam Á, Nam Trung quốc.Nhiều xưong sọ và hài cốt đã được tìm thấy còn nguyên vẹn chưa bị mũn nát, nhất là trong các thuyền mộ táng.Trong bài tổng hợp nghiên cứu các xương sọ (11), người Đông Sơn là chuyển tiếp hổn hợp của chủng Australoid đen và chủng nam Mongoloid, trong quá trình giảm đen. Đặc biệt trong các xương tìm được, có các xương sọ thuần Australoid nhưng không có sọ nào là thuần chủng nam Mogoloid.
Năm 2002, ở làng Đông Xa, tỉnh Hưng Yên, một di chỉ khảo cổ đã được khai quật bởi các nhà khảo cổ Úc (P. Bellwood và J. Cameron, Đại học quốc gia Úc) và Việt Nam (Nguyễn Văn Việt từ Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á). Ở di chỉ này, đã tìm được các mộ chứa hài cốt và di vật chôn theo của người xưa. Đặc biệt là mộ thuyền dùng để chôn người xưa, trong mộ có gốm thừng, và vài đồng tiền thời Hán làm khoảng từ năm 118 đến năm 220 trước công nguyên (13). Một chi tiết khác là kỷ thuật đóng ghép thuyền đã làm ngạc nhiên nhà khảo cổ Peter Bellwood, dùng lỗ mộng trên ván (mortise) và gỗ mộng (tenon) để nối các mảnh gỗ: một kỷ thuật mà chỉ người La Mã ở Địa Trung Hải trước đây dùng. Phải chăng có sự liên hệ giữa người Đông Sơn và thế giới La Mã ?.

Nhà nhân chủng học và khảo cổ Việt Nam Nguyễn Văn Việt, học trò của nhà sử học nổi tiếng Hà Văn Tấn, chuyên về kiến tạo lại gương mặt người qua xương sọ. Ông Việt học từ Đan Mạch các khóa học nắn đúc dùng đất sét và để tái tạo lại gương mặt từ xương sọ, ông dùng phương pháp của nhà nhân chủng học người Nga Mikhail Gerasimov mà ông đã học và được biết trước đây. Việt là người đầu tiên ở Việt Nam dùng xương sọ để kiến tạo lại gương mặt người xưa. Hình 6 cho thấy bộ mặt của hai người Đông Sơn mà ông đã tái tạo. Công trình của ông đã gây nhiều thảo luận trong giới nghiên cứu khảo cổ và nhân chủng học ở Việt Nam. Nguyễn Lan Cường, nhà khảo cổ nghiên cứu về văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn trước đây (6), cho rằng phưong pháp tính toán cơ mặt của ông Việt vẫn còn có nhiều sai số. Tuy vậy ông Cường nói sẽ tiếp nối công việc của Việt trong vài năm tới để tái tạo lại gương mặt và chủng tộc của người Hòa Bình sống cách đây 10000 năm. 
Lời kết
Hiện nay chưa ai tái tạo lại hình ảnh người Hòa Bình qua một số rất ít xương sọ tìm được nguyên vẹn vì phần lớn đã bị mũn. Tôi hình dung người Hòa Bình qua các người của các bộ lạc sống biệt lập trong rừng còn sót lại ở Đông Nam Á và người liên hệ là thổ dân Úc. Tôi sống ở Úc đã lâu và có nhiều cơ hội gặp và tiếp xúc với thổ dân Úc. Tôi còn nhớ lúc còn là sinh viên cách đây hơn 25 năm, cả trường đại học Sydney chỉ có một sinh viên gốc thổ dân duy nhất trong số hơn 10000 sinh viên. Hiện nay thì đã có nhiều tiến bộ về tình trạng thổ dân trong xã hội so với trước đây nhưng vẫn còn khoảng cách khá lớn về mức sống . Đa số ít có cơ hội tiến thân trong xã hội. Ở đảo Tasmania (một tiểu bang của Úc), họ đã bị tuyệt chủng từ cuối thế kỷ 19. Mặc dầu có nhiều bộ lạc khác nhau, nhưng trên toàn lục địa thổ dân hầu như không khác nhau và không thay đổi nhiều trong 50000 năm qua. Họ là người cổ nhất, nhóm người đầu tiên đến từ Phi châu dọc theo ven biển Arabia, Ấn Độ, và Sundaland. Xương tìm thấy ở di chỉ khảo cổ hồ Mungo (nay đã cạn) được định tuổi là hơn 50000 năm, cổ hơn tất cả các xương người hiện đại đã tìm thấy ở Đông Nam Á. Sự thuần chủng của người thổ dân Úc và mối liên hệ của họ với người đảo Andaman và người còn sống trong rừng ở Mã Lai và Phi Luật Tân cho ta nhận diện chung về hình ảnh của người “Hòa Bình” xưa, tổ tiên của nhiều dân tộc ở Đông Nam Á và Nam Trung quốc.

Tham khảo
  1. Penny van Oosterzee, “Where worlds collide - The Wallace line”, Reed Books Australia, 1997.

  2. Vietnam news Agency, Ancient faces brought to life, 14/08/2005, http://vietnamnews.vnagency.com.vn/showarticle.php?num=01SUN140805

  3. Hirofumi Matsumura , Majid Zuraina, Metric analyses of an Early Holocene human skeleton from Gua Gunung Runtuh, Malaysia, Am J Phys Anthropol 109:327-340, 1999.

  4. Nguyễn Khắc Sử, Hang Con Moong-Giới thiệu và nhận xét, Khảo Cổ Học, tr. 26-35, số 2(22), 1977.

  5. Nguyễn Huy Thông, Hang Con Moong-Một phát hiện khảo cổ học đáng chú ý ở Việt Nam, Khảo Cổ Học, tr. 36-43, số 2(22), 1977.

  6. Nguyễn Lan Cường, Di tích người cổ, Khảo Cổ Học, tr. 24, số 2(22), 1977.

  7. T. Hanebuth, K. Stattegger, P. M. Grootes , Rapid Flooding of the Sunda Shelf: A Late-Glacial Sea-Level Record, Science 12 May 2000, Vol. 288. no. 5468, pp. 1033 – 1035.

  8. J. Cox, Climate Crash: Abrupt Climate Change and What It Means for Our Future, JHP Press, 2005.

  9. F. Ricaut, M.Bellatti, M. Lahr, Ancient mitochondrial DNA from Malaysian hair samples: Some indications of Southeast Asian population movements, Am J Hum Biol. 2006 Sep-Oct;18(5):654-67.

  10. K. Thangaraj, L. Singh et al, Genetic Affinities of the Andaman Islanders, a Vanishing Human Population, Current Biology, Volume 13, Issue 2 , 21 January 2003, Pages 86-93.

  11. Hà Văn Tấn chủ biên - Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Viện khảo cổ học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

  12. S. Pellekaan, M. Ingman, J. Roberts-Thomson, R. Harding, Mitochondrial genomics identifies major haplogroups in Aboriginal Australians, American Journal of Physical Anthropology, Volume 131, Issue 2 , April 2006, Pages 282 – 294.

  13. R. Stone, When in Vietnam, build boats as the Romans do, Science 21 Apr 2006, Vol. 312, no. 5772, pp 360-361

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét