Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Tứ đại trong vũ trụ và trong con người

Thái Công Tụng

1. Nhập đề.
Gió, đất, lửa, nước là 4 chất lớn trong vũ trụ nên gọi là Tứ Đại theo Phật giáo. Thực vậy, từ giây phút thành lập đầu tiên của Trái đất mà các nhà khoa học gọi tên là Big Bang:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

cho đến nay, trái đất già đến 4 tỷ năm, sinh ra trong những điều kiện thiên nhiên rất khác với ngày nay, với các tinh vân họp lại, đụng phải nhau, xoáy tròn tạo ra lâu dần nguội lại. Suốt một khoảng thời gian rất dài, với nhiều đá phun trào từ lòng trái đất, với mưa rơi mưa rơi, bào mòn, xói lở... Rồi Trái Đất bị nguội lại dần. Khi ta nóí Trái đất nguội lại dần, như vậy có thể nghĩ ngay đến yếu tố Lửa với Mặt Trời, rồi đá biến thành Đất, mưa rơi đại dương thành lập là Nước, không khí là Gió họp thành Tứ Đại trong vũ trụ.

Riêng trong các câu trong bài hát Dấu chân địa đàng:
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô
Từ mưa gió
Từ vào trong đá khô


ta đã thấy hình ảnh của gió, nước, đất và lửa (đá).

2. Lửa, đất, nước, gió trong vũ trụ
2.1 Lửa (Hoả đại): Lửa không những có nghĩa thông thường như lửa đốt, lửa nấu cơm mà còn có nghĩa là năng lượng mặt trời, chiếu sáng trần gian làm sinh vật sống và sinh tồn vì nếu không có mặt trời, Trái Đất này sẽ rất lạnh, sinh vật không tồn tại được. Trái Đất là một hành tinh quay xung quanh mặt trời trong vòng 365 ngày nên mới có Xuân, Hạ, Thu, Đông và tự xoay quanh chính nó nên mới có ngày và đêm. Vị trí hành tinh Trái Đất không quá xa mặt trời như các hành tinh khác (sao Hoả, sao Mộc v.v…) nên không quá lạnh mà cũng không gần quá mặt trời nên không quá nóng.

Lửa cũng có nghĩa là núi lửa, với các dung nham (magma) nóng từ lòng đất sâu phun trào và nguội lại, lâu ngày bị phong hoá thành đất. Và dưới áp lực mạnh và nhiệt độ nóng, các đá phun trào (eruptive rocks) sẽ thành đá biến chất (metamorphic rocks), lâu ngày các loại đá bị xói mòn do mưa, do gió và chuyên chở xuống châu thổ đồng bằng tạo thành đá trầm tích (sedimentary rocks).

Không những lửa có mặt dưới lòng đất mà lửa còn có mặt dưới đáy biển sâu: nhờ các thám hiểm sâu dưới lòng đại dương, sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nhà khoa học khám phá ra là giữa đáy đại dương có những giãy núi (mid-ocean ridges) từ đó có những phun trào bazan phun ra cả hai bên và chảy tràn, trong khi đó ven các lục địa thì lại có những máng biển sâu thẳm. Các phun trào từ lòng biển sâu khi lên đến đáy biển bị nguội dần lại và tràn sang hai bên để tạo chỗ cho các phun trào bazan tiếp nối phun lên, lâu dần tạo thành các giãy núi giữa đại dương. Thuyết tách dãn đáy đại dương spread floor ocean ra đời, cho thấy nhiều vật liệu phun trào từ lòng đất phun lên tại vùng tách dãn.

Và mỗi ngày, mõi tháng, mỗi năm, dòng bazan từ vực sâu trong lòng trái đất cứ trào sang hai bên miệng núi, lan dần và khi các vật liệu bazan này di chuyển đến rìa lục địa thì sẽ bị cuốn hút trong các máng biển sâu thẳm (fosse océanique) để lại trở về lòng đất ! Có những máng biển sâu trong lòng đại dương như máng Mariannes ngoài khơi Phi Luật Tân, máng Aleoutienne ngoài khơi Alaska v.v… Như vậy, vỏ trái đất giãn ra chỗ này thì phải co rút chỗ kia, chui xuống lại các hố sâu đại dương nên cuối cùng khối lượng trái đất vẫn giữ nguyên.

Như vậy đáy đại dương luôn luôn ở trạng thái động và di chuyển chậm chạp, cứ chừng vài cm mỗi năm, làm các lục địa cũng phải di chuyển theo như tấm thảm lăn (tapis roulant) ta thường đi lên xuống metro mỗi ngày.

Trên Trái Đất này, có nhiều dãy núi giữa đại dương như vậy: giãy núi chạy dài 3.500km từ Bắc xuống Nam giữa Đại Tây Dương, giãy núi xuyên Ấn Độ Dương, giãy núi ven bờ Thái Bình Dương. Những giãy núi giữa đại dương đã chia bề mặt rắn chắc qủa đất thành nhiều mảng (plate, plaque) không bằng nhau. Có chừng 12 mảng lớn: mảng Âu Á, mảng Thái Bình Dương, mảng Phi Châu, mảng Bắc Mỹ, mảng Úc Châu, mảng Ấn Độ và mảng Nam băng dương và những mảng nhỏ hơn như các mảng Caraibes ngoài khơi bờ biển phía Đông các xứ Trung Mỹ, mảng Cocos ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Trung Mỹ, mảng Nazca ngoài khơi rặng núi Andes Nam Mỹ, mảng Juan de Fuca gần bờ biển bắc Cali v.v…

Có mảng hầu như phía trên là đại dương (mảng Thái Bình Dương), có mảng vừa đại dương, vừa lục địa (mảng Âu Á), có mảng chỉ có lục địa phía trên (mảng Bắc Mỹ).

Các mảng này dày gần cả trăm km, nằm dưới vỏ trái đất.

Như vậy, các lục địa có thể ví như những chiếc bè đang trôi dạt cực kỳ chậm chạp trên quả địa cầu. Qua các sự chuyển động này của các mảng, gây ra bởi các chuyển động chậm chạp của magma mà tạo ra các đại dương (2 mảng rời nhau) và xuất hiện các rặng núi (2 mảng chạm nhau).

Khi 2 mảng đều cùng là mảng đại dương mà chạm nhau (ví dụ: mảng đại dương Thái Bình Dương) đụng phải phần đại dương của mảng Âu Á, mảng Thái Bình Dương đụng phải mảng Phi Luật Tân ) hoặc khi một mảng đại dương chạm phải một mảng lục địa (ví dụ mảng đại dương Thái Bình Dương đụng phải mảng lục địa của Nam Mỹ, mảng đại dương Juan de Fuca đụng phải mảng lục địa Bắc Mỹ, mảng Caraibes đụng phải mảng Nam Mỹ) thì một trong hai mảng này, thường là mảng đại dương sẽ chui xuống mảng kia tạo ra một vùng hút chìm (zone de subduction)... Chính tại các vùng hút chìm mới xảy thường xuyên các trận động đất như Cali, Nhật v.v…

Động đất thường quanh quẩn nhiều nhất ở hai vành đai sau đây:
- vành đai Thái Bình Dương kéo dài từ Nam Mỹ đến Bắc Mỹ (như Cali) vòng qua Alaska xuống Nhật Bản, Đài Loan, Phi Luật Tân và xuống Indonesia.

- vành đai các xứ quanh bờ Địa Trung Hải đến Trung Đông (Iran, Afghanistan), Tây Tạng.

Cái mảng bị chui xuống đó sẽ bị lớp nhu quyển của Trái Đất nuốt tiêu đi tạo ra các phun trào bazan lên mặt đất, tạo ra núi lửa. Do đó :

- có một đai dài núi lửa tạo thành vòng cung quanh Thái Bình Dương, từ Nam Mỹ (Chili, Pérou) đến Bắc Mỹ (núi St Helens), qua đến Nhật, Phi Luật Tân.

- có một đai núi lửa quanh bờ Địa Trung Hải, chỗ tiếp xúc giữa mảng kiến tạo Phi Châu với mảng Âu Á như các núi lửa Vesuve, Etna ở Ý, v.v…

Ở Việt Nam, cách nay khoảng 1 triệu năm, núi lửa phun trào đã phát triển nhiều ở Pleiku, Darlac, Lâm Đồng, Long Khánh tạo nhiều vùng đất đỏ bazan rất phì nhiêu.

Trên thế giới có khoảng 500 núi lửa hoạt động, tập hợp thành các đai núi lửa, thường đi cùng với các đai động đất. Các núi lửa có thể gặp ở các dãy núi đáy đại dương cũng như ven bờ lục địa, chỗ ép nén giữa mảng đại dương chui xuống mảng lục địa (như tại dãy Andes ).

Các động đất mạnh ngoài bờ biển gây tai ương cho không biết bao nhiêu sinh linh ở Sumatra cuối năm 2004, đến nỗi các rạn san hô dưới bờ biển, các thuỷ thực vật dưới biển cũng bị tan tành. Thật đúng như thơ của cụ Ôn Như Hầu:

Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này


Và chu kỳ “thành, trụ, hoại, không”, cứ tiếp diễn, thay đổi bộ mặt trái đất, theo lẽ vô thường của trời đất.

Lửa trong Tứ Đại bao hàm không những lửa trong lòng đất, lòng biển mà cả trên trời

Nếu không có mặt trời, trái đất sẽ rất lạnh; nếu không có mặt trời sẽ không có cây cỏ.

Chính cây cỏ với năng lượng mặt trời thông qua sự quang hợp đã hút chất CO2 trong không khí và nhả ra oxy, giúp cho động vật sinh trưởng.

Trên kia là nói về khoa học trái đất, còn nếu nói về Phật pháp, Đức Phật ví ba cõi con người tức Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới như căn nhà lửa đang bốc cháy.

Cõi Dục giới là cõi thân, khẩu, ý còn nhiều ô nhiễm, còn tham sân si, cõi Sắc giới là cõi cao hơn dục giới, đang gắng đến gần bờ giác, cõi Vô sắc giới là cõi cao nhất, không tham dục và thức thì chánh niệm rõ ràng, tĩnh lặng sáu căn, đi vào thiền định. Muốn đưa chúng sanh ra khỏi căn nhà lửa thì Đức Phật dùng 3 cỗ xe (Tam thừa) là Thinh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa để đưa chúng sanh ra khỏi căn nhà lửa:

- Thinh văn thừa là giáo pháp của Đức Phật Thích Ca dạy tu theo Tứ Diệu Đế. Tại sao gọi là Thinh văn? Là vì nhờ nghe Tứ Diệu đế mà nhập Đạo nên gọi là Thinh văn.

- Duyên giác thừa là giáo pháp dạy tu theo mười hai nhân duyên. Tại sao gọi là Duyên giác ? Là vì nghe cái lí Thập nhị nhân duyên mà giác ngộ nên gọi là Duyên giác.

- Bồ tát thừa là giáo pháp dạy tu gồm Lục độ ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, trí huệ). Bồ Tát là tự mình giác ngộ, lại còn nguyện đem giác ngộ của mình mà giảng dạy chúng sinh cùng được giác ngộ (tự giác nhi giác tha).

Còn nhớ Đức Phật đã dạy cho đệ tử Rahula: Con hãy học cách hành xử của Lửa. Lửa có thể đốt cháy mọi thứ, dù là những cái xấu xa dơ bẩn mà lủa không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Tại vì lửa có khả năng thiêu đốt và chuyển hoá tất cả những gì người ta đem tới. Nếu Tâm con không kỳ thị, không vướng mắc, con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá mọi bất công và oan ức và những thứ ấy sẽ không thể nào xáo trộn được hạnh phúc và bình an trong con.


2.2 Đất (Địa đại)
: Nếu phân loại theo địa mạo, ta có từ trên cao xuống dưới: đất núi, đất đồi, đất bãi, đất cồn v.v… Nếu phân loại theo hoá học, ta có đất mặn (nhiều ClNa), đất phèn (nhiều Sulfat), đất cà giang (nhiều CO3Na2). Nếu phân loại theo màu sắc, ta có đất đỏ, đất nâu, đất đen v.v… Nếu phân loại theo cách sử dụng, ta có : đất xây dựng, đất nông nghiệp, đất trồng rừng.

Tuy chữ Đại và chữ Thổ, tiếng Việt đều gọi là đất nhưng thật ra có ý nghĩa khác nhau. Chữ Anh khi nói về chữ Địa thì dịch ra là LAND còn khi nói về chữ Thổ thì có nghĩa là SOIL. Địa theo nghĩa địa hình, địa mạo. Thổ như thổ cư (đất nhà ở, xây dựng), thổ canh (đất trồng trọt). Nhưng dù là Địa hay Thổ thì thoạt đầu cũng do đá bị phân hoá, bị xói mòn do mưa, do gió với thời gian để tạo ra các núi đồi, các thung lũng, các châu thổ. Đất được tạo thành cho thực vật bám rễ. Không có thực vật thì không có động vật, kể cả con người. Không phải đất nào cũng trồng trọt được: các đất vùng sa mạc không nuớc, khô khan nên chỉ có vài cây thưa thớt: đó là trường hợp sa mạc Sahara, sa mạc xứ Namibie, sa mạc Tân Cương. Nhưng cũng có những đất phì nhiêu như đất phù sa dọc sông ngòi:

Quê ta mát đất phù sa,
Trồng rau, rau tốt, trồng cà cà sai
Quê ta lắm bắp nhiều khoai,
Đồng trong chắc lúa, bãi ngoài xanh dâu
Dâu xanh, xanh ngắt một màu,
Xóm làng đan né, rủ nhau chăn tằm
Ruộng vườn, ta bón ta chăm,
Cho dâu đầy lá, cho tằm thêm tơ


Các nền văn minh lớn của nhân loại như văn minh Ai cập, văn minh Trung Đông là phát xuất từ những dòng sông lớn như dọc sông Nil, dọc sông Tigre và sông Euphrate. Đó là vì nhờ đất phì nhiêu, tạo căn bản cho một nên kinh tế trù phú. Mỗi loại đất có chức năng khác nhau vì cây cối cũng nhiều loại :

Đất màu trồng đậu trồng ngô
Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn


Từ nắm đất trong tay, ta có nắm xôi của thằng Bờm (Thằng Bờm có cái quạt mo…) Triết lí của thằng Bờm đang đói cần nắm xôi trước hết là để cứu cái khổ vật chất cấp bách trước khi cứu cái khổ tinh thần. Từ nắm đất đó mà bao nhiêu đời dòng họ, tổ tiên, chúng sinh đã hoà mình trong đó và nó chứa tiếng vọng ngàn đời vào tàng thức cộng thể.

Đất là chỗ thấp, hứng chịu mọi thứ dơ bẩn, tượng trưng cho sự khiêm cung. Đất nhận các loại phân mục, phân chuồng, phân hữu cơ, phân hoá học để chuyển hoá thành các chất cần cho thực vật. Đất để người ta dẫm chân lên mà đất không hề oán thán, tượng trưng cho sự nhẫn nhục. Nhẫn nhục không phải cắn răng chịu đựng trong mọi tình huống. Khi ta quán chiếu vào nội tâm, hiểu được những nỗi đau và trăn trở của người khác thì ta có thể hiểu được người kia, đó là khả năng thấu cảm (empathie), giúp ta nhẫn nhục được và tâm ta sẽ an, sẽ vô lượng và sống sẽ an vui.

Trong kinh Phật, địa ngục là nơi đày các phạm nhân bị lỗi nặng lúc còn sống, còn Địa tạng vương bồ tát là vị Bồ tát cai quản cõi âm. Ngài Địa Tạng có phát nguyện ngày nào địa ngục còn có người chịu hình phạt đau khổ, ngày đó ta chưa lên cõi Phật.

Đức Phật có lần dạy tu sĩ Rahula như sau : Con hãy học cách hành xử của đất, dù người ta có đổ và rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hoa hương, nước ngọt và sữa thơm hoặc người ta có đổ lên đất những thứ hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu và phân rác thì đất cũng tiếp nhận mọi thứ ấy một cách thản nhiên, không vướng mắc tự hào cũng không oán hờn hay tủi nhục. Vì đất có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hoá. Nếu tâm ta rộng lớn và vô lượng như đất thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất công và oan ức và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con buồn tủi và khổ đau.


2.3 Nước (Thuỷ đại): Nước cũng là một trong Tứ Đại trong vũ trụ. Tục ngữ ta có câu: « Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống » đủ thấy ngay tầm quan trọng của yếu tố nước. Chúng ta ở Canada là một quốc gia nhiều tài nguyên nước chất chứa trong vô số hồ, với tuyết băng giá vào mùa đông, nhưng lại có nhiều quốc gia thiếu nước như Turquie, Syrie, Irak thường xảy ra tranh chấp về phân phối nước của lưu vực sông Tigre và sông Euphrate. Các xứ như Jordanie, Palestine, Israel cũng tranh giành tài nguyên nước của sông Jordan. Giòng nước sông Mekong cũng vậy, liên hệ đến hàng triệu dân đồng bằng châu thổ ở Việt Nam ở cuối nguồn nước.

Trong kinh Phật cũng thường nhắc đến cát và nước sông Gange (sông Hằng) v.v… Trên trái đất này, nếu không có mặt trời và nước thì không có sinh vật sống được. Nếu diện tích Trái Đất là 510 triệu km2, thì riêng Đại dương đã chiếm 361 triệu km2, nghĩa là 71%. Phần lớn nước trên hành tinh này là nước mặn đại dương chiếm đến 97%, còn lại 3% nước trên đất là nước ngọt. Nếu phân loại nước theo hoá học, ta có nước ngọt, nước phèn, nước lợ, nước mặn :

- Nước ngọt (không phải là nước xá xị đâu !) có những đặc tính như nước mưa, uống được, dùng trong sinh hoạt.

- Nước phèn là nước chứa nhiều sắt và nhôm, có nồng độ acid lớn nên không uống được.

- Nước lợ (nước chẻ hai) là nước pha giữa nước ngọt và nước mặn, gặp ở các vùng trung gian giữa ngọt và mặn.

- Nước mặn là nước gần vùng cửa biển chứa nhiều clorua natri (ClNa).

- Nước có thể trong veo như trong các suối đầu nguồn :
Ngoài đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non

và nước cũng có thể đỏ ngàu như nước chứa nhiều phù sa mùa lũ lụt.

Nếu phân loại nước theo đối tượng sử dụng thì nước có thể dùng trong:
- Lãnh vực nông nghiệp như nước tưới ruộng, tưới rau cải v.v…
- Lãnh vực kỹ nghệ như nước dùng trong các công kỹ nghệ nhà máy giấy, nhà máy đóng đồ hộp.
- Lãnh vực năng lượng như trong các nhà máy thuỷ điện.
- Lãnh vực sinh hoạt gia cư như nước nấu ăn, rửa chén, giặt áo quần…

Tế bào sống hầu như 3/4 là nước và không nước, con người sẽ mau chết hơn là không ăn.
Nước gặp nóng sẽ bốc hơi lên cao, ngưng hơi thành mây. Có mây trắng hiền hoà trôi:
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
như trong thơ Quang Dũng hoặc :
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay

(Bạch vân thiên tải như du du) trong bài thơ nổi tiếng Hoàng Hạc Lâu, nhưng cũng có mây đen vần vũ báo hiệu cơn mưa lũ.

Nước không những có trên mặt (surface water) mà còn có dưói đất, tức nước ngầm (undergroundwater) như nước giếng. Mọi ô nhiễm trên đất đều chảy vào nuớc mặt rồi xuống nước ngầm do đó rác sinh hoạt, chất thải rắn v.v… cần được đốt hoặc ủ rác thay vì thả xuống kênh mương.
Nước đục có các bùn lơ lửng, nếu ta gạn đục, chờ mọi chất bùn lắng xuống thì nước sẽ trong, tượng trưng các phiền não lắng xuống, bỏ hết bùn có nghĩa dứt lìa căn bản vô minh. Lóng nước đục là : Biết chỉ (ngừng lại các vọng niệm, vọng ngữ) rồi sau mới định. Định rồi sau mới tĩnh. Tĩnh rồi sau mới an :

CHỈ --> ĐịNH -> TĨNH --> AN.

Tâm quân bình và an tịnh chỉ xuất hiện khi ta lắng dịu. Tâm quân bình và xả bỏ có thể tiếp cận với cuộc sống và sự vận hành của các pháp mà không bị dính mắc.

Nước tượng trưng cho vô thường. Như triết gia thời Thượng cổ Hi Lạp có nói: “Ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông”, dòng nước luôn luôn thay đổi tại một địa điểm nhất định: nó chảy xuống, không chảy lên, cuốn trôi hết.

Và Đức Phật cũng dạy tu sĩ Rahula như sau: Con hãy học cách hành xử của Nước. Nước có thể tiêp nhận mọi thứ rác rến dơ bẩn một cách thản nhiên, không vướng mắc tự hào, không oán hờn vì nước có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận mọi dơ dáy ô nhiễm mà không buồn tủi… Nếu tâm ta rộng lớn và vô lượng như nước thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất công và oan úc.

2.4 Gió (Phong đại): Gió là không khí chuyển động mà không khí (khí quyển) là tối cần cho sinh vật. Khi ta thở, ta hút O2 và trả lại CO2 cho không khí; cây hút chất CO2 và nhả lại oxy cho con người.
Chỉ nói riêng về gió theo nghĩa hẹp, ta có thể phân loại gió :

2.4.1 Theo cường độ:
Gió nhẹ:
- Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
(thơ Hàn Mạc Tử ).


- Gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi (thơ Bàng Bá Lân).
-Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
(thơ Huy Cận)

- Êm như hơi gió thoảng cung tiên
Cao như thông vút, buồn như liễu
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên
(Thế Lữ)


Gió mạnh:
- Đùng đùng gió dục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần mây bay
(Kiều).

- Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
(Thế Lữ).


2.4.2 Theo nguồn gốc:
- Gió Nam:
Lạy Trời cho chóng gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn xuôi buồm chóng ra

- Gió Bắc (Bấc) thường lạnh vì từ miền Bắc Á thổi xuống
- Gió Tây ở Việt Nam còn gọi gió Lào vì bên Lào, mùa hè là mùa mưa mà bên Việt Nam là mùa nắng. Khi gió thổi từ Lào qua, nó vứt bỏ ảm độ trên các sườn núi Tây Trường Sơn để khi xuống sườn Đông Trường Sơn thì đã khô ráo nên rất nóng làm khô cây cối ở miền Trung.

Trong kinh Phật, có lời Phật dạy Rahula: Con hãy học cách hành xử của gió; Gió có thể tiếp nhận, thổi đi và chuyển hoá mọi mùi hương, dù thơm hay thối mà không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Tại vì gió có khả năng xua đuổi và chuyển hoá tất cả những gì người ta đem tới. Nếu Tâm ta không vướng mắc, con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá mọi bất công và oan ức.

Để tóm lược ý nghĩa tâm linh của Tứ Đại, không gì bằng các câu sau đây, trích trong kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ (phẩm Ba mươi mốt Công Đức Chân Thật) :

Nhẫn nhục như đất, tất cả bình đẳng;
Thanh tịnh như nước, tẩy sạch trần cấu;
Hừng hực như lửa, đốt sạch phiền não;
Không dính như gió, không các chướng ngại.



3. Lửa, đất, nước, gió trong con người:
Trong con người thì đất tượng trưng cho sự rắn chắc: đó là xương thịt, hệ thống tứ chi, nước là chất lỏng (hệ thống tiêu hoá như nước miếng, nước tiểu và hệ tuần hoàn như máu), gió tượng trưng bởi hơi thở (hệ thống hô hấp),và lửa là năng lượng nhờ thức ăn, thức uống.

Bốn chất trong tứ đại bổ túc và hỗ trợ cho nhau và phải hài hoà, thiếu một thì thân phải hoại. Ví dụ : thiếu không khí ta sẽ chết. Máu không điều hoà như áp huyết cao cũng sẽ đứt mạch máu. Thiếu năng lượng do không có thức ăn cũng chết mà nhiều thức ăn uống quá sẽ béo phì và người cũng chết.

Protein, chất liệu của ADN trong tế bào đều đã cấu trúc từ 4 nguyên tố C,H, O, N mà nói cách nào đó là từ lửa (Carbone), nước (Hydrogène), gió (oxygène), và đất (Nitrogene) tức cái mà Phật học đã dùng từ “tứ đại” đất - nước – gió - lửa.

Ngoài phần vật chất (Sắc) gồm đất, nước, gió, lửa như vừa nói, con ngưòi còn có phần tinh thần gồm có : Cảm giác (Thụ), tư tưởng phân biệt, suy xét (Tưởng), hành động của ý chí (Hành), tâm thức, trung tâm của ba thứ tình cảm, lý trí và ý chí nói trên (Thức). Trong tế bào con người có 23 cặp nhiễm thể và trong mỗi cặp nhiễm thể thì một cái do cha, một cái do mẹ di truyền đến người con.

4. Tương quan giữa tứ đại trong vũ trụ và trong con người:
Đất, nước, lửa, không khí trong vũ trụ tạo ra một tổng hợp gọi là môi trường thiên nhiên với các vùng đất và khí hậu hàn đới, vùng đất và khí hậu ôn đới, vùng đất và khí hậu nhiệt đới, vùng đất và khí hậu xích đới v.v… Nhưng cái môi trường địa lí thiên nhiên (physical geography) cũng tác động lên môi trường địa lí nhân văn (human geography) vì con người phải thích nghi với thiên nhiên để sinh tồn hoặc phải tranh đấu với thiên nhiên (xây dựng hệ thống đê điều, đào kinh mương để thoát lũ) để sống còn. Các danh từ thông dụng như trúng gió, cảm lạnh, nước độc v.v… đều đã nói ngay cái ảnh hưởng của tứ đại.

Nếu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì ngược lại, ngoại cảnh cũng có ảnh hưởng lên con người : ở xứ Quebec này, mỗi năm đâu mấy tháng nắng. Cái lạnh triền miên với mùa đông tuyết phủ cũng tác động lên sức khoẻ tinh thần.

Văn hoá y phục cũng tùy khí hậu: người Phi châu như ở quanh sa mạc Sahara thì bận áo quần rộng để dễ thoát hơi, màu trắng để mặt trời phản chiếu ra ngoài thay vì phải hấp thụ như áo màu đen; người vùng có nhiều mưa lũ thì phải trồng lúa vì lúa thích nghi với đất ngập; như vậy văn hoá y phục, văn hoá ẩm thực v.v… tóm lại địa lí văn hoá (cultural geography) cũng khác nhau. Ta có thẻ kể ra muôn vàn thí dụ như trên để chứng tỏ các mối tương quan giữa Thuỷ đại, Hoả đại, Phong đại, Địa đại.

Phong đại
(khí quyển) với không khí, nhiệt độ, mưa nắng hai mùa ảnh hưởng đến đất đai; nhiệt độ khí quyển có ảnh hưởng đến nhiệt độ đất. Tại các xứ nhiệt đới, nhờ nhiệt độ nóng quanh năm nên có thể làm nhiều vụ trồng trọt quanh năm, khác với các xứ ôn đới như Canada, trồng trọt hoa màu chỉ 6 tháng mùa hè còn mùa đông, đồng tuyết bao phủ không trồng tỉa gì được. Gió trong thời tiết tác động lên thực vật : các vùng thường có bão làm cây cối dễ ngã, gió Lào làm cây khô vì rất nóng.

Thuỷ đại
(thuỷ quyển) với nước sông suối, hồ ao cũng ảnh hưởng đến hoa màu. Thiếu nước sẽ gây hạn hán, ảnh hưởng đến an toàn lương thực. Hạn hán thì nước mặn tràn vào sông sớm hơn nên con người không có nước để uống. Nước ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Địa đại (thạch quyển) với đất đai dĩ nhiên tác động lên lương thực thực phẩm; nếu đất bị xói mòn, nếu con người phá rừng, giết sinh vật thì sẽ làm đa dạng sinh học (biodiversity) bị mất đi, làm nguồn gen trong thảo mộc bị tiêu diệt nên dần dà không còn vật liệu di truyền để lai tạo.

Hoả đại liên hệ đến năng lượng mặt trời, đến đất đai nghĩa là đến khí quyển, thạch quyển.

Biết rằng có sự tương quan giữa vũ trụ và con người, có nghĩa là phải có tâm Từ, tâm Bi với trái đất. Với sự bùng nổ dân số, tài nguyên thiên nhiên như đất, như nước bị thay đổi rất nhiều. Đất bị ô nhiễm với phân bón, bị xói mòn kéo theo lụt lội còn nước cũng bị ô nhiễm do rác sinh hoạt, chất thải kỹ nghệ đổ xuống kinh rạch sông ngòi còn không khí cũng ô nhiễm với khói xe cộ, khói nhà máy.

Cái rối loạn sinh thái này, các nhà khoa học gọi là một en-tro-pi sinh thái (ecological entropy) nghĩa là bị hỗn loạn: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, đất đai bị sa mạc hoá, mặn hoá, băng tuyết tan làm nước biển dâng lên gây lụt lội như cảnh diễn tả trong phim The day after to-morrow. Không khí ô nhiễm thì ta bị dị ứng. Nước ô nhiễm thì ta bị đau bụng.

Có tâm Từ, tâm Bi với trái đất nghĩa là gì?
Từ: là híến tặng hạnh phúc, làm những gì cho trái đất ít ô nhiễm, ít bụi bặm, có màu xanh hơn với trồng rừng, cải tạo đất, tránh xói mòn v.v… Bi: là làm cho nguời ta bớt khổ đau, bớt bệnh tật hiểm nghèo.

Như vậy tứ đại trong vũ trụ ngày nay bị mất thăng bằng mà sự mất hài hoà là một động cơ kéo theo suy trầm về sức khoẻ con nguời. Mọi việc đều tương quan với nhau như nhà Phật thường nói: cái này có vì cái kia có ; mọi việc có nhân, có quả, có duyên chằng chịt.

Ta sống nhờ vay mượn của thiên nhiên với hơi thở vay mượn, với nước vay mượn và khi cơ thể này chết đi, bốn yếu tố gió, đất, nước, lửa lại trở về thế giới tự nhiên.

Tóm lại ta chỉ ở đậu, ở trọ trên trái đất này, đúng như các câu hát :
- Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trên khe nước nguồn

- Chiều nay em đi phố về
thấy đời mình là những quán không
Bàn im hơi bên ghế ngồi

- Em đi qua chuyến đò ơi a thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ mà trăng tên lãng du
Em đi qua chuyến đò ới a vui như ngày hội
Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi


7. Kết luận
Tuy phân tích thành từng yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa để dễ thảo luận nhưng thật ra như trên kia đã trình bày, không có các ranh giới giữa 4 phạm trù vừa kể. Chúng tương quan, tương nhập mà tinh thần Phật học gọi là “Tất cả là Một và Một là Tất cả”. Vạn vật đều cùng chung một bản thể mà nhà Phật gọi bằng nhiều tên khác nhau như Bản lai diện mục, Chân Như, Thực tánh Thực Tướng. Trái đất này là Một, -một không có nghĩa là 1, 2- mà là toàn thể (holism, do chữ whole).

Đó cũng là luận thuyết GAIA. Gaia là một từ ngữ Hi Lạp cổ về nữ thần của Trái Đất Ngày nay, người ta sử dụng danh từ này để mô tả một hệ thống trong đó đại dương, khí quyển, khí hậu và vỏ trái dất được điều chỉnh lần nhau dể có sự sống: vũ trụ này là một thực thể sống động tương tác với những dòng chảy năng lượng luân lưu.

Ngay cả hạt gạo tuy nhỏ nhưng cái tiểu vũ trụ này chứa đựng cả sương đêm, cả mặt trời, cả đất trong đó. Quan niệm Gaia với Trái Đất - Quê Hương buộc ta có một cái nhìn tổng thể, cái nhìn Huyền đồng. Trên hành tinh này, vạn vật nương nhau mà sống: cái này có vì cái kia có, vì mọi hệ sinh thái đều là những hệ thống mở, nghĩa là có trao đổi vật chất và năng lượng giữa chúng: rừng cây sống là nhờ đất, đất phóng ra các dưỡng liệu nuôi cây là nhờ nước; nhưng nếu không có lửa của mặt trời thì không có quang hợp và cây sẽ chết.

Như vậy, Trái Đất này không chỉ là một hành tinh vật lý cộng với một bầu sinh quyển cộng với một nhân loại mà là một tổng thể phức tạp có tính vật lý / sinh lý / nhân loại. Con người chỉ là một thành phần của Thiên Nhiên do đó phải vượt lên tinh thần nhị nguyên, không phân biệt, không vướng mắc những vòng xích mê chấp, có tâm vô lượng và có bổn phận làm cho Trái Đất được tươi đẹp hơn, biến tinh cầu lưu lạc trong vũ trụ này thành cái bến bờ cứu rỗi của chúng ta, từ dó có sự an nhiên tự tại trong cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét