Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Lào chịu ‘‘tham vấn trước’’ Don Sahong: Thực hư và cơ hội

Trọng Thành

Về dự án đập thủy điện Don Sahong, bị nhiều phản đối trong dư luận khu vực và quốc tế, một sự kiện khá bất ngờ đã xảy ra tại phiên họp của Ủy hội Mêkông (MRC) diễn ra ngày 26/06/2014 tại Bangkok. Lào thông báo gửi lại hồ sơ Don Sahong theo đúng quy trình “tham vấn trước”, thay vì làm lơ như trước đây, nại cớ Don Sahong không nằm trên dòng chính. Thực hư ra sao đằng sau chấp nhận “tham vấn trước” của Lào, và liệu quyết định này có trở thành tiền lệ, để bảo đảm rằng không dự án đập nào khác trên dòng Mêkông có thể được thực thi mà không có sự đồng thuận của cộng đồng các quốc gia trong lưu vực ? 

Trước đó, việc Lào không tuân thủ thủ tục "tham vấn trước và thỏa thuận" (PNPCA/Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement) đặt Hiệp ước Mêkông 1995 trước “nguy cơ tan vỡ”. Sự kiện Lào đột ngột thay đổi thái độ mới đây nhận được sự tán thưởng trong công luận các nước trong vùng, đặc biệt là Việt Nam. Một số người thở phào. Tuy nhiên, việc Lào một mặt chấp nhận quy trình “tham vấn trước”, mặt khác vẫn không từ bỏ kế hoạch xây dựng con đập, là điều mà nhiều nhà chuyên môn hết sức lo ngại, với lời cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn có thể xảy ra (đơn cử các nhận định của TS Đào Trọng Tứ “Lào tham vấn thủy điện Don Sahong : Việt Nam trưng ngay bằng chứng”, báo Đất Việt, của TS Tô Văn Trường, “Lào tham vấn thủy điện Don Sahong: 4 lý do lo ngại...”, báo Đất Việt và “Phía sau” việc tham vấn thủy điện Don Sahong, trang bauxite Việt Nam).
Dự án xây dựng đập Don Sahong chỉ là một trong số hơn 10 con đập, dự kiến được xây trên dòng chính của Mêkông, con sông mẹ nuôi sống hàng chục triệu cư dân các nước Đông Nam Á lục địa. Đa số các đập nằm trên đất Lào. Theo nhiều nhà khoa học, việc xây dựng dù chỉ một con đập trên dòng chính có thể gây ra những tác hại vô cùng lớn, mà các hệ quả với môi trường và xã hội là không thể vãn hồi.