Trong rất nhiều kinh Phật, thiết nghĩ Kinh A di Đà đề cập đến môi sinh nhiều nhất và liên hệ giữa môi sinh và cõi Cực lạc.
Thực vậy, hãy ghi dưới đây vài đoạn chính trong kinh:
'Lại còn đây nữa, ông Xá-lỵ-phất, nước Cực lạc có 7 trùng lan can, 7 trùng màn lưới, 7 trùng hàng cây, những trùng trùng đó bằng 4 ngọc báu, vây bọc xung quanh, thế nên nước kia gọi là Cực lạc.
Lại còn đây nữa, ông Xá-lỵ-phất, cõi Cực lạc có hồ ao bảy báu, nước tám công đừc tràn đầy trong ấy. Lại lấy cát vàng trải khắp đầy ao . ...Hoa sen màu xanh toả ánh sáng xanh, hoa sen màu vàng tỏa ánh sáng vàng, hoa sen màu đỏ toả ánh sáng đỏ, hoa sen màu trắng toả ánh sáng trắng, các hoa sen ấy có những hương vị thanh khiết vi diệu. Này Xá-lỵ-phất, cõi nước Cực lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế !
Lại còn đây nữa, ông Xá-lỵ-phất, nước kia thường có đủ các giống chim, màu sắc lạ đẹp, như chim bạch hạc, khổng tước, anh vũ, cùng chim xá-lỵ , ca-lăng-tần-già và chim cộng mệnh. Các giống chim ấy, ngày đêm sáu thời, hót tiếng hoà nhã . Trong những tiếng ấy diễn tỏ diệu pháp: năm căn, năm lực, bảy bồ-đề-phận, tám thánh-đạo-phận. Những diệu pháp ấy, chúng sinh cõi này khi nghe được rồi, hết thảy đều niệm: niệm phật, niệm pháp, niệm tăng. Này Xá-lỵ-phất, cõi nước Phật kia, gió hiu hiu thổi, rung các cây báu cùng những lưới báu phát ra những tiếng êm dịu nhiệm màu,như trăm nghìn nhạc đồng thời trổi lên.
Ai nghe tiếng ấy, tâm tự nhiên sinh: niệm phật, niệm pháp, niệm tăng. Này Xá-lỵ-phất, cõi nước Phật kia thành tựu công đùc trang nghiêm như thế !
Lại còn đây nữa, Xá lợi phật ơi, nước kia thường nghe lưng trời hoà nhạc, mặt đất thuần vàng, ngày đêm sáu buổi, hoa Mạn đà la, rắc xuống như mưa . Chúng sanh nước kia, thường ngày sáng sớm, đều lấy vạt áo, đựng các thứ hoa, mầu thơm đẹp lạ, đi cúng phương xa, mười muôn ức Phật; chỉ trong giờ ăn, lại về ngay nhà, cơm xong đi dạo'.
Đó là môi trường quanh ta sinh sống. Nó gồm có:
a/ thạch quyển tức lớp đá sâu trong lòng đất. nó cũng giúp cho loài người các nguyên liệu kỹ nghệ hay dùng vào năng lượng (dầu hoả, than đá).
b/ thổ quyển, nghiã là đất mẹ nuôi dưỡng ta để sản xuất lương thực, đãt mẹ trên đó là rừng, mà rừng thì có nhiều loại, tùy vùng khí hậu, từ rừng già nhiệt đới đến thảo nguyên 'cỏ non xanh tận chân trời'. Rừng với hiện tượng quang hợp, hút các chất Co2 và nhả ra chất oxy rất cần cho không khí và cung cấp gổ:
Chính ta đã rước người vào cuộc thế trong chiếc nôi âu yếm mẹ đưa ru. Và ta sẽ tiễn người khi tiễn biệt làm áo quan ấm áp giấc ngàn thu
Chưa kể rừng đã tác động trên các yếu tố thủy văn, thủy lợi, thổ nhưỡng, vi khí hậu (microclimat):
để ta sống ta ngăn luồng vũ bảo, chận cát bay làn gió bốc tung trời
để ta sống ta đùn mây quyện gió, đem mưa tuôn đầm ấm cõi trần gian
Muốn có lương thực thì nông nghiệp ngày nay sử dụng phân hoá học, thuốc sát trùng làm nguồn nước bị ô nhiễm
c/ thủy quyển vì nhờ có tài nguyên nước, mới có nước ta uống, có ruộng tôi cày,có nước mơi trồng cây lương thực, mới chạy các nhà máy thủy điện. Trong thủy quyển thì ngoài số lượng, ta còn để ý đến chất lượng nữa vì nước có chổ thì nước ngọt ở sông suối hồ ao, có chổ nước mặn ở biển cả, còn tiếp giáp giữa nước ngọt và nước mặn thì có vùng nước lợ, nơi các loại thủy sản như tôm, cua, sinh sống.
d/ sinh quyển. Giữa khí quyển và thổ quyển là các loài sinh vật trong đó có loài người và các động vật khác như thú nuôi, thú rừng, chim muông ..ta gọi là sinh quyển
e/ khí quyển tức các khí trời như oxy và nitơ, nhờ đó ta có không khí ta thở. Không khí đó càng ngày càng bị ô nhiểm vì khói xe cộ, vì khói nhà máy. Các đô thị lớn thì xe cộ chạy kẹt đường sá, xây hết freeway này đến highway kia mà vẫn kẹt xe, chưa kể tai nạn lưu thông cuối tuần hay các dịp nghỉ hè. Khói nhà máy, khói xe hơi chứa nhiều chất CO2 gây nạn mưa axit, làm đất bị acithoá.
Khí quyển, thủy quyển, thạch quyển, thổ quyển, sinh quyển không phải là những thực thể đơn độc mà có tác động qua lại :mỗi sự thay đổi của một cái trong 5 tác nhân trên đều tác động trên cái kia.
Ví dụ:
a/ rừng bị chặt phá trên thượng nguồn đều tác động trên thủy quyển (nước mặn xâm nhập, lụt lội), trên thổ quyển ( xói mòn đất, chuồi đất, đất màu bị mất đi )
b/ khói nhà máy, khói xe cộ chứa nhiều chất lưu huỳnh, chất chì .. gây ô nhiễm trên khí quyển, tạo nên mưa axít làm hại thổ quyển (đãt đai bị axít hoá) và thủy quyển (hồ ao bị axit nên cá bị chết)
c/ thạch quyển cung cấp cho loài người than đá, các nguyên liệu và những hầm khai thác lộ thiên làm các hầm này trở thành những ao tù nước đọng, mất đi đất đai trồng trọt.
Như vậy rõ ràng là mọi thực tại đều phụ thuộc lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Trong vũ trụ, không có chủ thể, không có khách thể tồn tại một cách độc lập và cũng không có sự tách biệt giữa thế giới người và thế giới sự vật.Vạn vật tạo thành một nhất thể .
Ảnh hưởng qua lại giữa các yếu tố môi sinh
Trong kinh A di đà, chúng ta nhận thấy có rất nhiều yếu tố môi sinh như: cây cỏ, chim muông, nước.. Trong kinh này, chất lượng của môi sinh cũng được đề cập đến, như chẳng hạn nước.
Ai cũng biết ngày nay, nước nhiều nơi bị ô nhiễm: nước mặn, nước bẩn..trái lại trong kinh này, nước có tám công đức:
Lặng trong, khác nước vẩn đục
Man mát, khác nước lạnh qúa, nóng qúa
Ngon ngọt, khác nước mặn qúa, nhạt qúa
Mềm mhẹ, khác nước nặng chìm
Đượm nhuần bóng láng, khác loại nước ô nhiễm
Yên ổn hòa nhã, khác nước chảy mau và dữ tợn
Trừ cơ khát, khác thứ nước sinh ra lạnh bụng
Nuôi lớn mọi căn, khác nước làm tổn hại mọi căn, rối loạn tăng bệnh
Ao 7 báu: vàng, bạc và 5 thứ ngọc có 5 màu: lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não
Hoa sen nhiều màu, ở đây chỉ nói qua 4 màu thôi. Bốn chữ: 'Vi, Diệu, Hương, Khiết' là tán thán 4 đức của hoa sen: hoa chỉ có chất mà không có hình nên gọi là vi; các hoa giao chập vào nhau, không hề chướng ngại nên gọi là Diệu, hoa không có bụi trần nên gọi là Khiết; còn chữ Hương là mùi thơm.
Năm căn (năm căn bản):
Tín căn: tin các pháp chánh đạo và các pháp trợ đạo
Tinh tấn căn: thực hành các pháp thiện về chánh đạo và trợ đạo
Niệm căn: chỉ nghĩ đến các pháp thiện về chánh đạo và trợ đạo, không nghĩ đến pháp nào khác nữa
Định căn: thu nhiếp tâm mình vào trong các thiện pháp về chánh đạo và trợ đạo, không cho tán loạn
Tuệ căn: làm mọi thiện pháp về chánh đạo và trợ đạo và quán tướng 4 Diệu đế: Khổ, tập, diệt, đạo.
Lưng trời hoà nhạc, mặt đất thuần vàng:
Âm nhạc của trời đất ở trên lưng chừng hư không là Thanh trần. Mặt đất thuần vàng là Sắc trần. Các thứ hoa là Hương trần và Sắc trần. Các món ăn là Vị trần. Đựng hoa đi cúng Phật, tung hoa và đi dạo chơi là Xúc trần. Đây là Phật Thích ca nói về 5 căn của chúng sanh đối với 5 trần của mọi vật để mà hưởng thụ mọi cái vui.
Như vậy trong kinh A di đà, ta thấy mỗi yếu tố môi sinh đều chuyên chở những thông điệp khác nhau, mang theo ý nghĩa tâm linh.
Giãy núi Himalaya, với rừng núi bao la, với những loài chim góp nhạc về trời, với những giòng suối nước chảy huê trôi, mãi mãi vẫn là một miền thần bí, ắt hẳn đã tác động trên suy tư của chàng thanh niên Tất đạt đa xưa kia; trên nền trời bình minh của tâm trí, giãy núi Himalaya đã ghi dấu ấn của những người từ bỏ thế tục để tìm kiếm và thực hiện cao vọng tìm mục đích tối hậu của đời người. Cũng nhờ sự u trầm của rừng núi mà tư tưởng mới thiền định được và dưới bóng cây Ngài ngồi thiền,- cây bồ đề cũng là môi sinh-, ngài đã đạt đến cái nhìn minh triết đối với vấn đề đau khổ của con người. Theo đức Phật thì nguyên nhân dẫn đến đau khổ con người nằm ngay trong bản thân con người.
Mà các nguyên nhân của đau khổ - chữ đau khổ là do chữ dukkha phiên âm ra!- đều do Vô Minh, căn nguyên xúc phát của mọi dục vọng . Dục vọng phụ thuộc vào cảm giác tức Thụ mà sự xuất hiện của cảm giác lại phụ thuộc vào sự tiếp xúc giữa 6 căn với 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tức Xúc. Những sự tiếp xúc đó lại phụ thuộc vào 6 căn năng như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, cơ quan tinh thần còn gọi là lục nhập và lục nhập lại phụ thuộc vào danh sắc và danh sắc phụ thuộc vào bào thai sinh thành trong bụng mẹ do có Thức. Tâm thức phụ thuộc nghiệp lực của qúa khứ tức Hành hay hành động tạo nghiệp mà cái này là do ở sự mê muội tức Vô minh.
Trong câu Kiều:
Ma đưa lối quỷ đưa đường,
ma tức là ma quỷ, là vô minh
Phá vở yếu tố Vô Minh bằng trí tuệ hầu diệt được các ô nhiễm tâm linh thì trạng thái niết bàn tự nhiên hiện đến, rực rở như mặt trời ngay trong chính tâm ta.
Hiện nay, nhiều vấn nạn môi sinh xảy ra ở mọi nơi: phá rừng, ô nhiễm nước, sa mạc hoá, sói mòn đất, nhiều cây cỏ, chim muông, thú vật càng ngày càng biến mất, hoàn toàn xa dần các yếu tố môi sinh, phá hủy các sinh hệ trên Trái Đất.
Phá hủy thiên nhiên là phá hủy luôn con người vì con người sau những giờ làm việc suốt tuần cũng cần có không khí trong lành, nghe lại tiếng chim muông, tiếng suối reo, mặt trăng lên, nhìn mặt trời lặn,để tìm chất lượng của đời sống (life quality) để có chỗ giảm bớt căng thẳng vốn là một nhân tố giết người nhiều nhất (stress killer).
Cuộc cách mạng khoa học kỷ thuật hiện nay như mạng lưới thông tin, như đô thị hoá, như vệ tinh nhân tạo, khiến cho cuộc sống vật chất đầy đủ hơn xưa :điện khí hoá, cơ giới hoá, thông tin liên lạc dễ hơn bội phần nhưng với đô thị hoá như hiện nay, các mối liên lạc giữa người và người vốn bền chặt trong đại gia đình xưa kia càng ngày càng lỏng lẽo, con người sống trong bốn bức tường, trải thêm mùa đông dài lê thê không ra đường khiến sự sống lại càng đơn côi thiếu tình thương của người đồng hương và đồng loại ; tóm tắt người ta gặp khủng hoảng về bản thể , về khung cảnh văn hoá và tình cảm và ý nghĩa cuộc sống. Nhà văn Andrei Makine, vừa đoạt giải thưởng Medicis và Goncourt có nói văn minh Tây phương hiện nay là một nền văn minh của bản hữu (civilisation de l'avoir) còn văn minh cổ điển (Đông Phương) là một nền văn minh của bản thể (civilisation de l' être). Nói khác đi, dù cuộc sống vật chất có đầy đủ trong nền văn minh Tây phương hiện nay nhưng vẫn thiếu một khoảng trống của linh hồn. Nhà thờ, giáo đường hiện.nay tràn ngập bởi những vấn nạn như trên. Thất nghiệp, nghiện ngập, xì ke, ma túy ở học đường, tội phạm thiếu nhi, không biết bao nhiêu là vấn đề xã hội .
Sự tăng trưởng và phát triển của thế giới ngày nay cũng như huy chương 2 mặt: một mặt là sự phát triển kỷ nghệ, phi trường, khách sạn, gia cư, hải cảng... nhưng đằng sau là mặt trái của huy chương như sự sa mạc hoá, sự ô nhiễm của không khí, của tiếng động, của nước uống.
Đạo lý môi sinh nêu lên vấn đề chính là trách nhiệm. Ngày nay, với khoa học kỷ thuật, con người đã làm lùi lại ranh giới của sự hiểu biết trên mọi lãnh vực nhưng sự tiến bộ kỷ thuật lớn lao ấy phải đi đôi với sự tiến bộ của lương tâm. Suy ra cho cùng, cần có một hệ thống các giá trị để giúp loài người phân định được cái nào là cần thiết và cái nào thực sự không cần thiết. Chẳng hạn, biết rằng phần lớn các bệnh hoạn không phải chỉ có uống thật nhiều thuốc để trị bệnh mà thể dục, sự thư giãn, môi sinh, ăn uống cũng góp phần vào sự lành bệnh. Tóm lại, sự tiến bộ khoa học kỷ thuật, nếu không có một hệ thống qui chiếu về qui luật sẽ tạo ra một khủng hoảng về các giá trị.
Nhìn về Việt Nam, nạn phá rừng trên nguồn đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực: các loài chim muông không nơi trú ẩn, đất đai thì đồi trọc không cây cối nên cằn cỗi dần mòn. Chợt nhớ về lời ca một nhạc sĩ nọ:
Giọt nước mắt cho đất, đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt cho cây, cây ngã trên non
Giọt nước mắt cho chim, chim bỏ xa rừng
Ôi dòng nước mắt chảy hoài, dòng nước mắt đời đời, giọt nước mắt thương ai. Ôi, dòng nước mắt trong tim chảy lai láng vào hồn...
Nguyên nhân sâu xa là một vấn đề văn hoá: khi phân tích nhu cầu và các khả năng căn bản của con người, ta thấy ngay là cái gì quý giá nhất đều không thể mua được. Ta không thể mua sức khoẻ bằng tiền (vua Iran chết vì ung thư và nhà vua không nghèo!) Tinh thần, đạo lý, sự an bình của tâm hồn không thể mua được. Tạo vật cũng không thể mua được.!
Ta không thể mua cảnh mặt trời lặn Ta mua gạo, bánh mì để sống, còn cuộc đời, sự tự do, cảnh đẹp của tạo hoá .., là free. Con người cũng cần không khí trong lành, sự im lặng, một thành phố không bạo lực, nhiều thì giờ nghỉ ngơi. Tóm lại phải tiến đến một sự tương quan sâu xa giữa người và vũ trụ. Các nhà hiền triết xưa kia cũng ca tụng thiên nhiên : hiện nay, qua ngưỡng cửa thế kỷ 21, ta đã dần dần thấy các dấu chỉ của sự thay đổi nói trên, tượng trưng cho trào lưu New Age : phong trào học Thiền, phong trào vô vi, sự trở về với tôn giáo, du lịch bền vững, nông nghiệp sinh thái ..Sự phát triển thế giới ngày nay phải phụ thuộc vào các giá trị của công lý, của sự thăng tiến xã hội và tâm linh.
Chỉ sử dụng phần lời trong trương mục ngân hàng...
Đạt được sự hài hoà giữa người và tạo hoá , không phá hủy cân bằng sinh thái, không phá hủy môi sinh thái quá và để loài người biết thương yêu nhau trong một hành tinh càng ngày càng nhỏ bé. Sự hài hoà còn có nghiã cần có một hệ thống kinh tế trong đó đô thị và nông thôn, kỹ nghệ và nông nghiệp, lao động chân tay và lao động trí óc phải luôn luôn bổ túc lẫn nhau.
Đạo lý môi sinh, tóm lại phải đặt lại nền móng và các tiêu chuẩn để có thể dung hoà giữa các định luật kinh tế và các định luật môi sinh vốn chi phối đến sự tồn tại của loài người. Cũng y hệt như tiền trong trương mục ngân hàng, con người của thế hệ hôm nay chỉ có quyền sử dụng phần lời, đừng đụng chạm đến phần vốn, vì vốn (vốn đất, vốn rừng, vốn nước...) phải dành lại cho các thế hệ mai hậu.
Cứ đọc kinh A-Di-Đà, ta cũng đã thấy môi sinh trong sạch: đó là phong cảnh thiên nhiên của núi rừng bát ngát, có gió hiu hiu thổi, có nhiều loài chim đủ màu sắc hót ca bốn mùa, có hồ ao trong đó ta thấy nhiều loài sen khác nhau, từ các đoá hoa sen màu trắng đến màu hồng, màu vàng...Chính trong sự thanh thản hài hoà ấy, tâm hồn mới có thể lắng dịu, tìm được sự quân bình giữa tạo hoá và con người, thoát ly được thế tục, tìm mùi thiền trong hương hoa của núi rừng, của thảo nguyên, của cây cỏ thiên nhiên.
Môi sinh thiên nhiên đã giúp loài người tránh sự ô nhiễm của thành phố, của khu đông người.
Môi sinh trong sạch cải thiện chất lượng của cuộc sống. Các thi nhân, các nhà tư tưởng phải có môi sinh thiên nhiên như rừng, như suối róc rách chảy, như ao hồ, như thác nước cuồn cuộn thì dòng thơ mới lai láng bồi hồi!
Môi sinh trong sạch giúp con người, sau những ngày tháng bon chen, được gần gủi với tạo hoá, giúp tái tạo sinh lực của cơ thể vì rừng suối là nơi để thư giãn, giải trí và giúp tránh phiền não. Ta không lấy làm lạ rất nhiều du khách, chán cảnh phù phiếm ở thành phố đã đổ xô qua Népal để chỉ đi trek dọc theo các đường mòn gần rặng núi Himã lạp sơn, hi vọng tìm lại tạo hoá nguyên thủy . Việc bảo vệ môi sinh trước hết là một vấn đề nhận thức để có thể đóng góp vào việc bảo vệ ngôi làng của thế giới .Trong khung cảnh bảo vệ môi sinh, hiện nay nhiều tổ chức quốc tế đang tài trợ những công viên ở những sinh hệ khác nhau, trên mọi lục địa, chính cũng vì lý do đó.
Nhà thơ Szymborska vừa được giải Nobel Văn học có viết về thế kỷ 20 sắp kết thúc như sau:
Thế kỷ 20 của chùng ta
Lẽ ra phải tốt hơn rất nhiều thế kỷ
Nhưng đã không kịp để chứng minh điều đó
...
Đã quá nhiều điều xẩy ra
Lẽ ra không cần phải có
Những gì lẽ ra phải dến
thì lại chẳng hề thấy đâu
Lẽ ra phải hướng về mùa xuân
Hướng về con người, hạnh phúc
Lẽ ra một vài bất hạnh
đã không thể xảy ra
Ví như chiến tranh, nạn đói
Lẽ ra niềm tin
Sự yếu đuối của những người yếu đuối
Cùng bao điều tương tự
Phải được con người nâng niu
Thế kỷ 20 là như vậy: chiến tranh, nạn đói, phá hủy môi trường.. Còn thế kỷ 21 thì sao ? Chúng ta hi vọng loài người trở về trong thế giới của tâm linh, phá tan cái vô minh và gìn giữ môi sinh trong sạch, thái hòa trong hành tinh Trái đất này, ngôi nhà chung của thế giới ngày càng nhỏ bé để tiến dần đến cõi Cực Lạc như cõi Cực lạc trong kinh A di Đà vậỵ
Cõi Cực lạc của môi sinh, chính là bảo vê muông thú, chim muông vì hiện nay nhiều giống thực vật cũng như động vật càng ngày càng bị mất dần với sự hủy hoại các nơi chốn chúng trú ở. Mà sự phá hủy các chổ trú ẩn của thú rừng, của chim muông, nói trắng ra, là rừng, là thảo nguyên, là rừng tràm...là do nạn nhân mãn trên thế giới hiện nay đã 5 tỷ người .Bùng nổ dân số, nhất là ở các xứ nghèo như ở Việt nam, đà tác động tiêu cực đến môi sinh: phá rừng, sa mạc hoá, nước mặn xâm nhập sâu trong đất liền...
Cõi Cực lạc của tâm hồn, chính là tìm sự hài hoà giữa Thiên, Địa, Nhân. Cõi Cực lạc tâm linh có nghĩa phải phá vỡ những ô nhiễm trong tâm hồn như tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, phỉ báng, cố chấp.
Tóm tăt, kinh A di Đà, khi nói về môi trường thiên nhiên và chi phối của môi trường đối với sinh vật, ắt hẳn đã hướng dẫn con người đặt lại những vấn đề căn bản tương giao mới với thiên nhiên trong một sự hài hoà giữa Thiên, Địa, Nhân, không khai thác thiên nhiên một cách trơ trẽn chỉ vì hưởng thụ mà phải điều hoà sự tiêu thụ, giảm bớt ô nhiễm, trong một khung cảnh 'có Trời mà cũng có Ta', mà Dansereau, một giáo sư ở Đại học Québec ở Montreal, gọi là một sự thanh bạch sung sướng (une joyeuse austérité):
Còn Trời, còn nước, còn non
Còn trăng, còn gió hãy còn đó đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét