Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Khám phá kho báu bị bỏ quên của danh sơn Yên Tử: Kỳ vĩ, bí ẩn ở sườn Tây

(VieTimes) - Sườn Tây của núi Yên Tử hùng vĩ, nằm trùm lên địa giới hành chính của hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Từ nguồn tin của lâm tặc, thợ săn người địa phương, một nhóm cán bộ có khả năng leo rừng như… khỉ của Bảo tàng Bắc Giang đã khám phá ra hệ thống chùa, am, tháp, mộ, tượng, bia đá và cây cổ thụ được trồng trong di tích… vô cùng quý giá trên dãy Yên Tử hùng vĩ và bí ẩn.

Nằm giữa mây mù và rừng nguyên sinh hoang rậm, cả hệ thống những thiền viện, am, chùa cổ hiện ra - với toà ngang dãy dọc, với ngôi tháp đá tảng xanh 7 tầng nguyên vẹn, với di tích am Ngoạ Vân, nơi mà sử cũ chép rõ, vua Trần Nhân Tông - vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm, một pháp chủ người Việt đã tu hành, giảng đạo rồi viên tịch vào năm 1308. Cả rừng mộ tháp bị nhồi bộc phá, bị khoét hang khoét hầm hòng bới tìm cổ vật (họ nghĩ rằng vua tu ở đấy thì nhất định là đủ vàng thoi bạc nén); cả hệ thống các cây vải, quýt, bưởi, nhãn, đại, thông (được các vị tu hành trồng từ gần bảy trăm năm trước) bị đánh gốc xẻ thịt dần dà…



Những phát hiện trên đã gây sửng sốt trong giới khoa học. Sau hàng thế kỷ cơ bản bị lãng quên, giữa rừng già, con đường của các bậc chân tu đắc đạo đã được chính thức ghi nhận. Trước đó, người am tường cổ sử và phật tử mộ đạo thiền Trúc Lâm chỉ nghe nói về con đường và hệ thống di tích kể trên. Nhóm Phóng viên mê leo núi chúng tôi đã có 4 ngày đi bộ ròng rã và 3 đêm ngủ giữa rừng để khám sự thiêng liêng - vẻ đẹp quyến rũ độc nhất vô nhị và cả nỗi đau bị tàn sát của hệ thống di sản này, VieTimes xin giới thiệu cùng độc giả:

Khám phá Hồ Thiên và Ngọa Vân



Chúng tôi tính toán kỹ: con đường chinh phục sườn Tây Yên Tử đi từ tỉnh Bắc Giang, lên đỉnh cao nhất, sang đến tỉnh Quảng Ninh, phải mất 3 đêm 4 ngày. Đúng là Trúc lâm Yên Tử, đỉnh núi thiền với những rừng trúc mênh mông đã đi vào… tên gọi từ bảy trăm năm trước, chúng tôi đi ngày nọ qua ngày kia, vượt những rừng trúc ken dày như so đũa. Đôi lúc không nhìn thấy ánh mặt trời.



Có lẽ độc giả phải mất thời gian một tý với kỳ hoa dị đá của sườn Tây Yên Tử. Một cây nấm vàng rực, kỳ khu như toà lâu đài của một lãnh chúa tây phương.



Phiến đá này thì được tạo hoá đẽo tạc đẹp hơn cả hình rồng chầu ở sân vua thuở cũ.



Bạn có thể đi cả ngày trời qua rừng cỏ mượt và những bãi đá kỳ lạ như thế này.



Khu nhà tổ chùa (am) chùa Ngọa Vân tuy đã hoang phế, nhưng hoang phế giữa rừng già ai bảo là nó không có vẻ quyến rũ riêng có của nó.



Trong rừng, và trong điệp trùng am, tháp, ta bắt gặp những tấm bia ghi rõ “tháp Phật hoàng”, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của Trúc lâm Thiền phái đã viên tịch, cả tấm bia ghi rõ việc chúa Trịnh đưa các bậc vương tôn công tử lên thăm nơi Phật hoàng đã hoá.



Con đường dốc dác mà 700 năm trước vua Trần đã tu, đã vui cõi đạo, giờ có vài Phật tử đi lại trong mưa, giữa xanh rì rêu cũ khiến khách lãng du cũng dậy lên cái mộng Phật, Thiền.



Bạn hãy nhớ rằng, cả Đại Việt sử ký toàn thư, cả các Giáo sư uy tín nhất của chúng ta, sau quá trình nghiên cứu, đều khẳng định: vua Trần Nhân Tông, sau khi rũ long bào đi tu, đã hoá ở đây, một phần xá lỵ trong mộ tháp có “nóc” hình cái hồ lô đắc đạo này.



Trong mộ tháp này có xá lỵ của một vị tỳ kheo nổi tiếng, cái “thế” tháp – cây cổ thụ - và đá thật đẹp.



Một trong những cái am mà tương truyền 700 năm trước vua Trần đã ngồi thiền vẫn còn tương đối nguyên vẹn hình hài, sau quá trình bị đào khoét cả nền, tường, móng, nóc nhằm tìm vàng bạc - cổ vật. Tiền cảnh là tấm bia quý bị đập nát tìm vàng, nhà tu và các chuyên gia đã ghép và dựng lại.

Đáng buồn hơn, ở chùa Hồ Thiên, cách đó một ngày đi bộ leo núi, chẳng còn gì nguyên vẹn.



Tháp đá tảng xanh 7 tầng vào loại báu vật của Việt Nam, năm 2004 vẫn còn nguyên vẹn khiến các nhà nghiên cứu phải trầm trồ



Thì đến nay đã bị kẻ xấu dùng bộc phá đánh sập để bới…
vàng bạc mà chúng tin là sẽ tìm ra



Bên trên toà sen bằng đá tảng xanh là một ngọn tháp gạch đỏ. Trong “cửa sổ” tháp có những pho tượng Phật hoàng bằng đá trắng. Nhiều pho đã mất, nhiều pho bị chặt cụt đầu đã được nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông khênh về đặt ở cạnh tấm bia Trung Tu



Tấm bia được coi là đẹp nhất tỉnh Quảng Ninh này cũng vừa mới được dựng lại, sau khi nó bị đánh bộc phá thành hang hốc để bới cổ vật và vàng bạc. Cả nhà bia toàn bằng đá khổng lồ cũng bị đổ sụp. Bức ảnh này chụp năm 1988, khi các nhà nghiên cứu có mặt, bia đã bị đào bới, phá huỷ giữa rừng hoang, sau khoảng 200 năm Hồ Thiên tự vắng bóng nhà tu hành.



Sử cũ và cả tấm bia kể trên đã ghi rõ: Hồ Thiên từng là một Thiền viện cấp quốc gia với hàng trăm gian nhà lớn nhỏ. Và bạn phải sửng sốt khi gặp giữa hoang vu hệ thống cây ăn quả (cây nhà) được trồng từ hàng mấy trăm năm trước, cùng dấu tích của những “đền cũ lâu đài” tráng lệ.



Bạn sững sờ trước một cây vải không thể cổ thụ hơn, tương truyền có từ 700 năm trước, do vua Trần Nhân Tông trồng, nó vẫn đơm hoa kết trái.



Cạnh đó là một cây đại khổng lồ
Những nhà sư khổ hạnh trên mái đá non thiêng!



Quá tiếc nuối trước những rừng mộ tháp bị tàn phá không còn dấu tích, “nhà tu hành” tên là Cường đã kỳ công dựng một mái lá để quyến luyến non thiêng. Ông san nền dưới gốc thông tuyệt đẹp, dựng lều bằng thân trúc, đóng ghế bàn bằng gỗ rừng và đêm ngày thiền nhưng rồi (có lẽ) không chịu nổi sự cuộc sống như Robinson, ông đã bỏ “lều lán” ra đi



Tuy nhiên, ở Am Ngọa Vân, sư Tiến vẫn trụ lại 8 năm với rừng hoang, lợp lều cỏ, ăn quả vả thay cơm để lấy sức ngồi thiền. “Cây vả” (như cây sung) này đã được các nhà sư tri ân đến mức, khi chúng tôi có mặt, chú tiểu Hà phải đi hái vả đãi khách ngay



Và cặp huynh đệ (hai nhà sư) này vẫn kiên trì ngồi thiền trong mái đá hoang vu. Nhà sư Q. đã sống trong mái đá như người nguyên thuỷ với một niềm tin sắt son vào Đạo pháp



Họ ăn một món ăn rất ám ảnh: đó là chuối rừng xanh ngâm muối, ngâm dấm. Chuối rừng toàn hạt chát xít, họ ăn trong nhiều năm qua. Những ngày ở rừng, chúng tôi cũng được “chiêu đãi” món ăn kinh điển này



Nhà sư này không thích đăng ảnh lên báo, tuy nhiên, nụ cười của thầy khi tiễn chúng tôi xuống núi khiến ai nấy đều day dứt thấy áy náy cho cái tham sân si không gợn chút lòng thiền của mình vô cùng. Trong mái đá, sự “diệt dục” của thầy là khả kính. Không có cớ gì chúng tôi giấu độc giả niềm tin khả kính vào Đạo pháp của thầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét