Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

A Vương – Nỗi Sầu Xứ Quảng Cứu lụt năm nay đừng quên tránh lụt năm sau

Phạm Phan Long P.E

Việc xả lũ từ đập A Vương xuống hạ nguồn trong hai ngày 29 va 30 tháng 9 vừa qua, khi cơn bão số 9 đang hòanh hành miền Trung, đã làm 48 người chết ở Kontum, 35 người tại Quảng Nam, 25 người ở Quảng Ngãi. Gần 150 triệu mét khối nước của đập thủy điện A Vương ở Quảng Nam đã góp phần lũ nhấn chìm hàng trăm nghìn dân ở hạ lưu sông Vu Gia và Thu Bồn. Thiệt hại này cho dân cư là việc đáng tiếc và đáng lý nhẹ hơn và còn có thể tránh được.

Việc hồ A Vương xả lũ gây tăng thêm thảm họa lũ không phải là lần đầu, các hồ thủy điện tại Việt Nam đã xả lũ gây lụt lội như thế. Trên diễn đàn Enviro-VLC của UNDP vào đầu tháng 10 năm 2000, người viết bài này đã lên tiếng cảnh giác các hồ chứa nước qúa nhiều sẽ phải xả lũ tăng thêm thảm họa cho dân cư hạ nguồn, và chỉ hai tuần sau đó, việc xả lũ đáng tiếc này đã xảy ra cùng lúc tại các đập Đa Nhim, Trị An, Thác Mơ và Dầu Tiếng tại Việt Nam vào giữa đỉnh mùa lũ. Cùng lúc đó dân, Cam Bốt đã lên tiếng tố cáo đập Yali của Việt Nam đã xả nước xuống hạ nguồn vào năm 2000 gây cho họ nhiều tổn thất.


A Vương xả lũ - Ảnh: T.Hoài / Nguồn [1]


Nguồn Tài Liệu Tham Khảo /Nguồn [6]

Cần phải làm gì cho nguôi ngoai nỗi sầu A Vương trên xứ Quảng? 

Theo bản tin Vietnamnet ngày 4 tháng 10 năm 2009:
“Cả đời tui hơn 71 tuổi đầu sống ở vùng rốn lũ Đại Lộc ni, đến bây chừ tui mới thấy bão mạnh kèm theo lũ lên nhanh như ri. Trước đây, bà con tui đã quen sống chung với bão lũ. Lệ thường bão qua ít ngày, gây mưa vùng thượng nguồn rồi lũ mới lên. Nên bà con tui còn có thời gian để mà lo đối phó. Còn bây chừ bão trên đầu gầm rít, nước lũ dưới chân dâng lên tích tắc làm răng mà chịu cho thấu…” - cụ Đoàn Văn Long, 71 tuổi nhà ở xã Đại Lãnh kể.

Theo bản tin Vietnamnet ngày 8 tháng 10 năm 2009:
Ngay sau khi A Vương tiến hành xả lũ, lũ bắt đầu lên vùn vụt, mỗi giờ nước lên hơn 10cm. Đỉnh lũ lúc 3 giờ sáng ngày 30/9, nghĩa là sau 11 giờ xả lũ của hồ chứa nhà máy thuỷ điện A Vương, đã vượt xa đỉnh lũ lịch sử của các năm gần 2 mét nước. Vùng hạ lưu ngập chìm trong lũ khi bão chưa tan.

Theo bản tin của Tuổi Trẻ ngày 17 tháng 10 năm 2009:
Đã có tổng cộng gần 150 triệu m3 nước được xả về hạ lưu đúng vào thời điểm lũ ở hạ lưu đang lên, do đó nhiều làng mạc ở Đại Lộc (Quảng Nam) bị chìm sâu trong lũ, có nơi vượt đỉnh lũ mọi năm lên gần 1,5m nước.

Việc cấp cứu nhân đạo, tái thiết và đền phù cho các nạn nhân cần phải được thực hiện ngay để xoa dịu mất mát vật chất cho họ. Mối lo to lớn hơn là làm sao tránh tai họa này tái diễn trong tương lai. Việt Nam cần có một quốc sách xem xét lại toàn diện các công trình khai thác thủy điện để tránh tai họa cho dân cư sống ở hạ nguồn các hồ thủy điện từ Bắc xuống Nam.

Dân Quảng Nam như cụ Đòan Văn Long đã sống nhiều đời, chống đỡ với bão tố mà sinh sống dù thiên nhiên khắc nghiệt họ vẫn bám giữ lấy đất Quảng làm quê hương. Họ cũng không chống lại thủy điện vì nhu cầu phát triển kinh tế, nhưng đập A Vương, vừa xuất hiện chưa ngăn lũ đã gây ra nhân tai, chỉ mới qua một mùa đã nâng mực lũ vượt tất cả kỷ luc cuốn đi nhân mạng và sản nghiệp của nhiều người.

Nếu không làm gì, an tòan của dân cư Quảng Nam và con cháu họ sẽ còn tiếp tuc bị đe dọa bởi A Vương từ nay về sau. Hy sinh mất mát của nạn nhân A Vương sẽ thành vô nghĩa nếu không học được gì và không tìm hiểu tận gốc rễ các nguyên nhân đã gây ra tai họa này. Không nhất thiết điều tra để truy tố hay quy trách mà là để tìm ra các biện pháp để đối phó tránh tai họa này tái diễn, để điều chỉnh lại cách thiết kế và vận hành cả trăm các công trình thủy điện đã có và sắp tiến hành.

Đã có rất nhiều bản tin về A Vương với các hình ảnh thật thê lương. Thậm chí đã có những lý giải ngô nghê đến bất ngờ và tiết lộ sự kiện đã không có phương án an tòan cho việc ngăn lũ lụt. Trích dẫn vài đọan báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ sau đây:

Chiều 10.10, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện A Vương, cho biết: “Lúc 7 giờ ngày 28.9, mực nước trong hồ là 361,6m (mực nước chết là 340m) và là mức nước thấp tối thiểu của các cửa xả. Khi đó nước về bao nhiêu là chạy qua tổ máy bấy nhiêu, chúng tôi có muốn xả thêm để cho hồ cạn nước thêm cũng không được.

Nếu đúng thế, đây là bằng chứng sự việc chủ đập đã tự nhận để hồ đầy lên đến tối đa 240 triệu mét khối để dành phát điện như vẫn còn trong mùa khô và chỉ có 150 triệu mét khối còn lại để chứa lũ ..
Hồ chứa của thủy điện A Vương là hồ nhỏ, dung tích 343 triệu m3, lượng nước dùng để phát điện thực tế chỉ có 240 triệu m3. Khi lượng mưa quá lớn, chúng tôi đã cắt được lũ đợt đầu, từ 7 giờ ngày 28.9 đến 15 giờ ngày 29.9. Trong vòng 32 tiếng chúng tôi đã tích được 145 triệu m3 nước trong hồ, cắt được gần 50% lượng nước lũ về.

Nếu đúng thế, hồ A Vương cần một dung tích dành riêng để phòng lũ là 300 triệu mét khối. Chủ đập đã không nghĩ đến mối an tòan cho hạ nguồn để xả lũ sớm hơn, chậm hơn và an tòan hơn cho dân cư hạ nguồn:

12 giờ ngày 29.9, khi nước lên mấp mé mức 380m (mức nước buộc phải xả để đảm bảo an toàn thân đập) chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh. Đến 15 giờ, lãnh đạo tỉnh cho phép, chúng tôi mới xả lũ. Khi đó nước qua hồ chứa như một con sông tự nhiên, mực nước về bao nhiêu chúng tôi phải xả ra bấy nhiêu (khoảng 1.000 - 2.000 m3/giây).

Chúng tôi đã làm hết sức, đúng quy trình. Trước khi lũ về chúng tôi đã cho hạ mực nước ở hồ chứa đến mức tối đa. Khi mưa lớn, lũ về, chúng tôi đã cho tích nước trong hồ để cắt lũ đợt đầu. Lượng nước về quá nhiều, đến ngưỡng an toàn chúng tôi mới buộc phải xả vì nếu tích thêm nước sẽ có nguy cơ vỡ đập, mà khi thảm họa xảy ra thì hậu quả khôn lường”. 

Nếu đúng thế, chủ đập chỉ báo cho UBND có 3 tiếng để quyết định, khi đó mực nước đã đến mức đe dọa đập vỡ mà vẫn coi như đã làm hết sức và còn làm đúng quy trình. Quy trình A Vương nếu đúng thế, thật quá nguy hiểm và sẽ thảm họa sẽ còn tái diễn. Chủ đập đã hãm nước đến tối đa dành cho thủy điện, thì dung tích còn lại dành chống lũ chỉ còn tối thiểu nhất là vào giữa mùa bão, mà họ vẫn tự cho là họ đã hạ mực nước hồ chứa đến mức tối đa. Suy luận sai lầm từ căn bản này của chủ đập thật qúa nguy hiểm. Lời tuyên bố như vậy đã chứng tỏ họ quả thật không biết gì về mối tương quan đối nghịch giữa hai mục đích thủy điện và chống lũ.

Ông Nguyễn Văn Lê - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện A Vương (đơn vị quản lý Nhà máy thủy điện A Vương) đưa ra đã khiến rất nhiều người có mặt bất ngờ, đó là: “Hồ A Vương đã góp phần giảm lũ cho hạ lưu bằng việc trữ thêm 146,1 triệu m3 nước. Chiếu theo quy trình mà Bộ Công thương ban hành cho thấy tỉ lệ cắt lũ mà A Vương tham gia trong đợt lũ vừa qua là 832%.

Chủ đập cho rằng A Vương đã cắt được 832% lũ. Tỉ lệ cắt lũ này tính tóan theo công thức hay phương trình nào không được rõ. Trong khi đó bà Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khẳng định khi trả lời PV Báo Thanh Niên chiều 10.10 :
“Việc xả lũ của hồ thủy điện A Vương chắc chắn làm gia tăng tình trạng ngập lụt. Vừa rồi do bận tập trung vào dự báo cơn bão số 10 nên chúng tôi chưa kịp tính toán cụ thể lượng nước xả bao nhiêu, ảnh hưởng như thế nào. Việc tính toán để đưa ra những con số chính xác là nằm trong tầm tay, chẳng có khó khăn gì cả. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thành việc này.

Bản tin dưới đây là bằng chứng đập A Vương đã cho họat động trước khi có phương án an tòan:
Chúng tôi đã ký hợp đồng dự báo cho các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang và Thác Bà. Theo đó, hằng ngày, đơn vị quản lý và điều hành các hồ trên phải cung cấp số liệu về mức nước hồ cho trung tâm. Chúng tôi sẽ tính toán và tư vấn cho họ mực nước trong hồ lên mức nào thì xả lũ, mức độ ảnh hưởng đến hạ lưu và xả lũ vào thời điểm nào là thích hợp... nhằm giảm thiệt hại có thể cho vùng bị ảnh hưởng. Trong đó, hồ thủy điện Hòa Bình luôn báo trước kế hoạch xả lũ cho trung tâm 12 tiếng đồng hồ. 

Vừa qua, bên phía điện lực có đề nghị trung tâm xây dựng đề cương dự báo lũ phục vụ cho 14 thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên như cách mà chúng tôi đã làm với các thủy điện nêu trên. Tháng 7.2009, chúng tôi đã hoàn thành đề cương này. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, đến thời điểm này, đề cương đó vẫn chưa được triển khai trên thực tế”.

Điều này được một quan chức khác công khai xác nhận:

Theo ông Nguyễn Thế Lượng - trưởng phòng quản lý phòng chống lụt bão (thuộc văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương), phương án chống lũ cho hạ lưu của nhà máy là chưa có và cũng chưa có phương án báo động cho dân vùng hạ lưu khi xả lũ khẩn cấp.

Có nhiều tiếng nói quan tâm của dân chúng và trí thức trong nước xuất hiện công khai trên nhiều diễn đàn.

Ông Trương Duy Nhất đã cảnh giác các quan chức từ ngày 9 tháng 9 năm 2009, trước đỉnh lũ như sau: “Muốn giúp dân, cứu dân, hãy về trước lũ. Đừng đợi đến khi bão lũ ập về nhấm chìm nhà cửa, xóm làng ngập trắng khăn tang mới hú còi inh ỏi về thăm dân, lôi những đứa trẻ nít còn vấn vành khăn tang trên đầu ra trước bàn thờ để trao phong bì, quay phim chụp ảnh. Những cách “về” như vậy chỉ phơi bày thêm sự giả dối, phản cảm và xa cách dân thêm mà thôi.”

Và cũng chính ông vào tháng 10 sau khi A Vương đã gây ra tai họa đã phải viết ra một sự phũ phàng: “Nhờ bão, mới thấy không ít các dự án thủy điện chỉ là sự phân chia xí phần, mới thấy ngay từ thiết kế xây dựng đã chỉ chú tâm vào chức năng làm ra điện, mà quên mất hoặc xem nhẹ chức năng cắt giảm điều tiết lũ.”

Từ nước ngòai nhìn về, những dữ kiện về con đập A Vương và cơn lũ vưa qua có vài điều nổi bật đáng chú ý như sau:

Vài số liệu căn bản về A Vương

Đập A Vương có dung tích họat động là 267 triệu mét khối. Theo tài liệu của Hội Đập Lớn và Phát Triển Nguồn Nước Việt Nam (VNCOLD):

Công trình Nhà máy Thủy điện A Vương gồm 2 tổ máy có tổng công suất 210 MW, sản lượng hàng năm đạt 815 triệu kWh điện và dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm 2007. Đập chính cao 83m, dài 250m, bằng bê tông đầm lăn. Hồ chứa dung tích hữu ích 267 triệu m3 nước, tổng dung tích trên 343,5 triệu m3.

Đường hầm áp lực dẫn nước vào nhà máy thủy điện có tổng chiều dài gần 5,3km, tiết diện 33m2, đường kính 6,2m, dẫn nước từ hồ chứa nước A Vương, xuyên núi Trường Sơn và qua tua-bin thủy điện trước khi đổ xuống sông Bung. Đây là đường hầm áp lực dài nhất nước ta hiện nay. Tốc độ đào đường hầm đạt đến 163m dài/tháng. Cột nước chênh cao cho tua-bin thủy điện là 344m.

Từ đó tính ra A Vương có 76 triệu mét khối thặng dư cho lũ mà A Vương đã xả đến 150 triệu mét khối trong hai ngày 29 và 30 tháng 9. Như thế A Vương đã không được thiết kế với đủ dung tích, hay đã không được vận hành để có dung tích an tòan để đối phó với cơn lũ vừa qua.

Tiêu chuẩn thếit kế phòng lũ của chính phủ là vấn đề tiên khởi với A Vương

Có bí ẩn về dung tích hồ chứa và tiêu chuẩn của chính phủ: Theo bản tin Tuổi Trẻ ngày 19 tháng 12, 2008, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã lưu ý ban giám đốc nhà máy A Vương “đánh giá, khảo sát bão, lũ trong quá trình vận hành để bảo đảm an toàn tuyệt đối hồ chứa nước dung tích 800 triệu m3”. Nhưng theo số liệu của Hội Đập Lớn VN dung tích hữu ích của hồ A Vương chỉ có 267 triệu m3, tổng dung tích là 343,5 triệu m3. Khả năng cắt lũ chỉ có 76 triệu m3 mà thôi. A Vương có tiết lộ là theo tần suất 10% nghĩa là rất thấp.

Việc chính phủ cho phép dung tích hồ cho công ty A Vương có ít dung tích phong lũ như thế là một quyết định nguy hiểm, coi rẻ mối an tòan của trăm ngàn dân cư ở hạ nguồn. So với các đập khác, tính tỉ lệ dung tích phòng lũ với dung tích hữu ích họat động thủy điện, A Vương chỉ có 28% phòng lũ trong khi Sơn La/Hòa Bình có đến 50%, cả 19 hồ của sông Dương Tử 160%, riêng Tam Hiệp 170%.

Quy trình vận hành A Vương không an tòan và thái độ công ty A Vương có vấn đề
 
Ông Lê Đình Bản - Phó Tổng GĐ Công ty A Vương giải thích: “Tin dự báo thường không chính xác. Nếu xả trước, mà mưa không to, lượng nước không tích được đến mực gia cường, ai chịu trách nhiệm?”

Trong một báo cáo xả lũ của Công ty A Vương, họ cho tổng lượng nước xả lũ đã làm nhà máy tổn thất lượng điện năng lên tới 110 triệu kWh, thiệt hại của nhà máy mất hơn 55 tỷ đồng! Cho đó là con số thiệt hại quá lớn cho nhà máy! Công ty A Vương đã công khai hóa thái độ coi trọng lợi tức thủy điện hơn an tòan hạ nguồn, tự nhận đã không tin vào dự báo và đã tích nước quá đầy vào những ngày trước đỉnh lũ.

Phá rừng hủy họai thảm chứa lũ, thảm cản lũ và gây lũ gỗ
 
Nạn phá rừng lan rộng đã làm mất đi khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn. Theo bài TS Nguyễn Ngọc Trân đã viết trên mạng Người Đại Biểu Nhân Dân ngày 12 tháng 10:

Ai cũng biết nạn phá rừng đang là một tai họa đối với đất nước. Nhưng phải nhìn thấy những bãi gỗ trôi theo lũ về huyện Đại Lộc (Quảng Nam); cảnh một làng bị cát vùi lấp tất cả, thì mới thấy cụ thể quy mô của tai họa này, mới nhận ra hậu quả khủng khiếp của lòng tham đầy tội lỗi của lâm tặc, và sự bất lực của một bộ phận trong bộ máy quản lý nhà nước đã không giải quyết được tận gốc hiểm họa dai dẳng này. Lũ chảy về nhanh. Thêm lũ gỗ chảy xuống hồ A Vương tấn công lan can đập và đe dọa an tòan kiến trúc của đập tất nhiên họ phải xả lũ một cách vội vàng. 

Xả lũ từ A Vương vào giữa mùa bão lụt có phải sai lầm hay không? 
 
Trong mắt nạn nhân thì rõ ràng hòan tòan sai; nhưng quyết định xả lũ từ A Vương trong lúc đó là việc rất khó khăn cho những người có trách nhiệm. Thiết kế hồ A Vương đã coi nhẹ phận sự chống lũ, A Vương đã lỡ chứa nước quá đầy; coi lũ như của để dành và tích lũy lại làm thủy điện; không tin và dự báo khí tượng; các nguyên nhân này cùng tác động làm hồ không còn khả năng chống lũ vào ngày 28 và 29 tháng 10 năm 2009.

Chưa kể nếu đập đã xây cất bằng kỹ thuật và vật liệu không tốt sẽ không chống nổi áp suất mực nước đang dâng và chống lại những thân cây (do lâm tặc đã đốn xuống ở thương nguồn) đang lũ lượt trôi dạt xuống nhắm vào thân đập. Nếu đập vỡ, không phải chỉ có 150 triệu mà có thể đến 350 triệu mét khối lũ sẽ tàn phá khủng khiếp hơn nhiều. Quyết định phải xả lũ trong hòan cảnh đó rất có thể là điều đã có sự cân nhắc và quyết định xả lũ là bất khả kháng mà thôi.


Bạt ngàn gỗ trôi về lòng hồ thủy điện A Vương ngày 9-10 - Ảnh: Đ.Nam / Nguồn [2]

Dân cư Quảng Nam cần yêu cầu những điều gì để A Vương tránh xả lũ năm sau?

Dân cư Quảng Nam phải tiếp tục sống dưới đe dọa A Vương cần yêu cầu chính phủ tạm ngưng ngay việc phá rừng và xây thủy điện để làm những việc sau:
  1. Giảm dung tích họat động của hồ A Vương xuống, chỉ được chứa đến 100 triệu m3 khối cho họat độn thủy điện vào mùa lũ sắp tới. Phải để riêng 250 triệu m3 ra cho việc phòng lũ. Khối dung tích này là vùng cấm địa, và nếu cần, theo dự báo có thể còn phải tăng hơn nữa để bảo vệ đập lẫn bảo vệ dân.

  2. Xét lại quy trình vận hành dành ưu tiên một là chống lũ thay vì phát điện.

  3. Công ty A Vương phải bồi thường nạn nhân và lập quỹ cấp cứu bảo hiểm bồi thường nạn nhân nếu tái phạm.

  4. Xét lại tất cả các dự án thủy điện trong nước để tránh tai họa A Vương tái diễn tại những nơi khác.

  5. Lập ra một nhóm điều tra kỹ thuật độc lập có thẩm quyền xem xét thiết kế, quy trình điều hành các dự án thủy điện dể rút ra các bài học.

  6. Bạch hóa kết quả điều tra cho dân cư hạ nguồn của tất cả các đập thủy điện.
Ông Trương Duy Nhất đã viết: “Mùa bão lũ vẫn chưa qua. Ý thức quan chức vùng lũ (chứ không phải ý thức dân chúng) sẽ còn tiếp tục được… thủ thách. Bão lũ không hẳn chỉ là sự tàn phá. Nhiều khi chỉ nhờ vào bão lũ mới nhìn nhận, đánh giá chân xác được ý thức trách nhiệm và… tầm vóc quan chức.”
 
Những câu hỏi cần được trả lời trước mùa lũ tới?

  1. Nhóm điều hành thủy điện và hồ nước có huấn luyện chuyên môn thủy học, thủy điện và đủ kinh nghiệm để đảm nhận trách nhiệm vận hành A Vương hay không?

  2. Có cơ chế thanh tra độc lập cung cách quản lý và quy luật điều hành A Vương không?

  3. Nhóm nghiên cứu tiên đóan khí tượng thủy văn có đủ khả năng kỹ thuật và dụng cụ khoa học tốt để thông báo và dự phòng thiên tai không?

  4. Nhóm đầu tư vào A Vương có phải bồi thường cho nạn nhân hay bị phạt khi gây ra tai nạn thiệt hại hay không?
Mối lo của dân Á Châu sống dưới chân các hồ thủy điện đang hàng lọat nổi dậy
 
Dân Trung Quốc đã gánh chịu những tai họa triền miên vì các kế hoạch kinh tế thất bại và các đại công trình khai thác thủy điện trong nhiều thập niên qua. Từ phong trào Đại Nhảy Vọt nông nghiệp tập thể, Cách Mạng Vô Sản, trong suốt các thập niên ấy Trung Quốc đã xây 80,000 đê đập, mỗi ngày có thêm một đập mới, nhưng vài ngày lại có một đập vỡ. Số thiệt hại và nạn nhân không hề được công bố. Đập Bản Kiều -nói là xây chống được lũ kỷ lục 1000 năm- mà vẫn bị vỡ năm vào 1975 gây thiệt mạng cho 230000 người. Sông Hòang Hà được gọi là nỗi sầu Trung Quốc.

Nếu những con đập Vân Nam cũng xả nước vào đỉnh lũ như A Vương sẽ có cơ nguy gây thảm họa cho hàng trăm lần hơn A Vương và sẽ đổ lên đầu hàng chục triệu dân Lào, Thái, Cam Bốt và có thể xuống cả Đồng Bằng sông Cửu Long.

Cuồng vọng khai thác thiên hiên làm con người lầm tưởng như đã khắc phục được tạo hóa, đội đá vá trời, dời sông, lấp biển; nhưng sự hiểu biết của con người, dù thông minh hay quán triệt với khoa học tân tiến nhất vẫn còn rất giới hạn trước tầm thước to lớn và vận hành bất trắc của thiên nhiên. Ngay các nước văn minh nhất vẫn còn phải chùn bước trước các di hại lâu dài của thủy điện ngày càng rõ nét. Việt Nam, trong hòan cảnh hiện tại, còn đứng sau các nước tân tiến khác nhiều thập niên, đầu óc và khả năng guồng máy còn đứng sau họ cả thế kỷ, nên càng cần phải khiêm cung khi lập phương án cho những công trình khai thác đại quy mô. Tai họa A Vương là một tiếng chuông báo động. Sai trái lần đầu có thể tha thứ, nhưng lần sau, lũ sẽ cuốn đi cả lòng tha thứ trong các con tim nạn nhân từ bi nhất.

California 11/4/2009

Tài Liệu Tham Khảo
  1. http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=342895&ChannelID=3

  2. http://bauxitevietnam.info/c/13310.html

  3. http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200941/20091010234632.aspx

  4. http://www.rfi.fr/vietnamien/actu/articles/118/article_5249.asp

  5. http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=566

  6. http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/182715

  7. http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/191964#891876

  8. http://www.vietecology.org/Article.aspx/Detail/3

  9. http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/70/ContentID/86700/Default.aspx

  10. http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=342724&ChannelID=119

  11. http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=340990&ChannelID=3

  12. http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/200910/Thuy-dien-A-Vuong-xa-lu-gay-ngap-vung-ha-luu-871894/

  13. http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2009/10/205815/

  14. http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/200910/Thu-pham-gay-lu-trong-bao-so-9-Thuy-dien-A-vuong-873928/

  15. http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/48/48/48/41863/Default.aspx

  16. http://bauxitevn.net/page/2?s=a+v%C6%B0%C6%A1ng

  17. http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2009/10/205815/

  18. http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2009/10/205908/

  19. http://www.sggp.org.vn/xahoi/2008/9/163860/

  20. http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/70/ContentID/86700/Default.aspx

  21. http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?newsid=58057&fld=HTMG/2009/1011/58057

  22. http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=2091

  23. http://new.wvic.com/index.php?option=com_content&task=view&id=7&Itemid=44

  24. http://www.hydroworld.com/index/display/article-display/355245/articles/hydro-review-worldwide/volume-16/issue-1/articles/chinarsquos-hydro-construction-activity-the-role-of-multi-purpose-projects.html

  25. http://www.inshp.org/THE%202nd%20HYDRO%20POWER%20FOR%20TODAY%20CONFERENCE/res/Tentative%20programs.pdf

  26. http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=345679&ChannelID=118

  27. http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=344095&ChannelID=3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét