Gửi
Uỷ Hội Mekong Việt Nam
và
Nhóm Bạn Cửu Long
NGÔ THẾ VINH
BA "NGŨ
NIÊN" CỦA THỦ TƯỚNG HUN SEN
Tháng 10,
2015_ Chỉ mới đây thôi, TT Hun
Sen đã ký sắc lệnh huỷ bỏ ngày Lễ Hội Nước Bon Oum Tuk dự trù tổ chức vào ngày
24 tới 26 tháng 11 "do mực nước sông quá thấp và tình trạng hạn hán mà
Vương quốc Cam Bốt đang phải đối đầu, đồng thời đòi hỏi mọi người phải tập
trung nỗ lực và vận dụng mọi phương tiện có thể có được nhằm giải quyết vấn đề
thiếu nước trên các ruộng lúa trong mùa khô." Đây là lần thứ tư trong vòng
5 năm chính phủ Hun Sen đã phải huỷ bỏ Lễ Hội Nước truyền thống hàng năm, thường
tụ hội hàng mấy trăm ngàn người đổ về thủ đô Nam Vang để tham dự lễ hội đua
thuyền trên sông Tonle Sap. [Water
festival cancelled over drought fears_ Chhay
Channyda; Phnom Penh Post, Oct 31, 2015]
Tháng 11, 2010_ Năm năm trước, TT Hun Sen, sau Hội Nghị Thượng Đỉnh ACMECS ở
Nam Vang, lại một lần nữa đã bác bỏ mọi mối quan ngại về ảnh hưởng của các đập
thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy sông Mekong. Ông khẳng định rằng
chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây là hậu quả của thay đổi khí hậu / climate
change và khí thải carbon / carbon emissions chứ chẳng liên hệ gì tới chuỗi những
con đập thủy điện của Trung Quốc. [Hun Sen denies China
Dam impacts – Thomas Miller & Cheang Sokha; The Phnom Penh Post, Nov 17,
2010]
Tháng 7, 2005_ Mười năm trước, TT
Hun Sen, trước khi sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, đã tỏ ra thỏa mãn với
tình hình khai thác con sông Mekong như hiện nay, theo ông chẳng có vấn đề gì
phải quan tâm. Ông công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, đối với kế hoạch khai
thác sông Mekong, ông còn cho rằng các ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ họ chú
ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn sự hợp tác nên
có giữa 6 quốc gia. [Hunsen backed China's
often-criticized development plans for the Mekong River, Phnom Penh, Jun 29,
2005, AFP]
BIỂN
HỒ TRÁI TIM CỦA CAM BỐT VÀ ĐBSCL
Với đất nước Cam Bốt, ai cũng biết rằng
trái tim Biển Hồ chỉ còn nhịp đập khi sông Mekong trong Mùa Mưa còn đủ nước đổ
vào con sông Tonlé Sap tạo dòng chảy ngược vào Biển Hồ như một hiện tượng thiên
nhiên kỳ diệu. Là hồ cạn chỉ với diện tích 2,500 km2 trong Mùa Khô, nhưng từ
tháng 5 đến tháng 9 bước sang Mùa Mưa, khi nước con sông Mekong dũng mãnh đổ về,
khiến con sông Tonlé Sap đổi chiều, chảy ngược vào Biển Hồ làm nước hồ dâng cao
hơn từ 8 tới 10 mét và tràn bờ; diện tích Biển Hồ tăng gấp 5 lần, khoảng hơn
12,000 km2. Những cánh rừng lũ / flooded
forest của Biển Hồ là cái nôi nuôi dưỡng và tái sinh nguồn thực phẩm khổng
lồ chủ yếu là cá, chiếm tới hơn 60% lượng cá của Cam Bốt. Chính con sông Mekong
và Biển Hồ từng là cái nôi của nền văn minh Angkor Khmer và nay vẫn là cái nôi
của nền văn minh xứ Chùa Tháp. [1]
Nhưng rồi không có một bảo đảm nào cho một
tương lai bền vững của Biển Hồ khi mà không thiếu những dấu hiệu xấu dồn dập đổ
xuống từ Phương Bắc, từ ngày có chuỗi những con đập Vân Nam.
Với Thủ tướng Hun Sen, thì lại chẳng có gì
phải lo lắng. Hồi tháng 6 năm 2005, nhân buổi lễ thả cá giống vào một hồ phía
đông Cam Bốt, ông Hun Sen đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông
Mekong lúc bấy giờ. Trước khi bay sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, ông đã
công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, cho
dù điều ấy đi ngược lại ý kiến quan ngại gần như báo động của các chuyên gia bảo
vệ môi sinh. Đi xa hơn thế nữa, ông Hun Sen còn cho rằng ý kiến chỉ trích chỉ để
chứng tỏ là họ chú ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm
ngăn chặn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia. [AFP, 6/29/05].
Hình I: Một Biển Hồ thoi thóp, không
còn co giãn với hai Mùa Mưa Nắng;
đang co lại và cạn dần
[nguồn: Tom Fawthrop]
Năm năm sau, ngày 17 tháng 11 năm 2010, tại
thủ đô Nam Vang bên bờ con sông Tonle Sap, một lần nữa Thủ tướng Hun Sen, sau Hội
Nghị Thượng Đỉnh ACMECS [Ayeyawady-Chao
Praya-Mekong Economic Cooperation Strategy] gồm 5 nước Cam Bốt, Miến Điện,
Lào, Thái Lan và Việt Nam, đã phủ nhận và bác bỏ mọi mối quan ngại về ảnh hưởng
của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy sông Mekong. Ông khẳng
định rằng chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây là hậu quả của thay đổi khí hậu chứ
chẳng liên hệ gì tới chuỗi những con đập thủy điện của Trung Quốc.
Khi nói chuyện với các phóng viên báo chí,
Thủ tướng Hun Sen đã “diễu cợt / mocked” họ về các ý tưởng cho rằng các con đập
trên thượng nguồn sông Mekong đưa tới hậu quả làm tụt giảm mực nước có tính
cách lịch sử trong thời gian vừa qua. Như một thách đố, ông đưa ra câu hỏi: “Liệu
mực nước lên xuống dọc theo sông Mekong có phải là do các đập thủy điện hay
không?” Rồi cũng rất tự tin, ông Hun Sen tự đưa ra câu trả lời bằng những
con số: “Năm 1998, mực nước Sông Mekong tụt thấp tới mức kỷ lục 7.5 mét, nhưng
tới năm 2000, mực nước lại cao tới 12 mét.
Cần mở một dấu ngoặc ở đây
về hai thời điểm mà ông Hun Sen nêu ra:
_ Năm 1998, đã có con đập thủy điện lớn đầu tiên của Trung Quốc chắn
ngang dòng chính sông Mekong: đập Mạn Loan / Manwan 1,500 MW hoàn tất từ 1993,
tiếp tục lấy nước và hoạt động toàn công suất từ 1995; lại thêm con đập thứ hai
Đại Chiếu Sơn / Dachaoshan 1,350 MW cũng đang được xây cất. Không đủ mưa, lại bị
giữ nước trong hồ chứa, đã khiến mực nước hạ lưu sông Mekong xuống rất thấp tới
7.5 mét.
_ Năm 2000, khoảng tháng 8-9 năm đó, do những những trận “mưa gió
mùa / monsoon rains”rất lớn và kéo dài bất thường, lại thêm hiện tượng “cường
triều / high tides” ngăn lũ thoát ra Biển Đông nên đã đẩy mực nước sông Mekong
vùng hạ lưu lên cao tới 12 mét, gây cảnh lũ lụt tệ hại nhất trong nhiều thập
niên với nhiều tổn thất cả về vật chất lẫn nhân mạng từ Cam Bốt xuống đến
ĐBSCL.
_ Năm 2010, trong mấy tháng đầu của năm nay, mực nước lại xuống thấp
tới mức kỷ lục trong vòng 50 năm qua ở vùng đông bắc Thái và Lào, gây bao nhiêu
lo ngại về an toàn thực phẩm, nước uống và thủy lộ giao thông. Đây cũng là thời
kỳ con đập thứ tư Tiểu Loan/ Xiaowan 4,200 MW, sau con đập Cảnh Hồng /
Jinghong, còn được gọi là “con đập mẹ” với dung lượng hồ chứa lên tới 15 tỉ mét
khối – bằng tổng số dung lượng tất cả các hồ chứa khác của tỉnh Vân Nam, đang lấy
nước vào hồ chứa và bắt đầu hoạt động phát điện.
Nhưng cũng vẫn theo ông Hun Sen, thì đơn giản đó chỉ là do “biến đổi khí hậu và khí thải carbon;
chính khí thải carbon đã làm những cơn mưa thay đổi bất thường”. Rồi
ông mạnh miệng khuyên nhủ: “Vậy các
nhà hoạt động môi sinh đừng có quá đáng / don’t be too extreme, và cũng đừng
nói rằng vì các đập thủy điện mà thiếu nước ở hạ nguồn. Đó là một sai lầm”.
Thấy như vậy chưa đủ, ông Hun Sen còn hỏi ngược: “Năm qua Trung Quốc cũng bị
hạn hán, các anh sẽ lên án Trung Quốc ra sao khi mà chính họ cũng thiếu nước?”
Không ai phủ nhận “thay đổi khí hậu”
là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Hiện tượng bất thường ấy
không loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng lâu dài khác của các con đập lớn trên dòng
chính sông Mekong.
Phải nhìn bức tranh toàn cảnh phức tạp, với
những tác hại tích lũy và dây chuyền của các con đập thủy điện trên nguồn nước,
nguồn cá, nguồn phù sa, lúa gạo, và cả gây ô nhiễm nơi hạ nguồn, chứ không thể
như ông Hun Sen giản lược một cách thô thiển bằng “vài con số” và một cụm
từ “thay đổi khí hậu” rất thời thượng.
Trong khi chính Bắc Kinh đang phải vất vả
chống đỡ với sức ép của dư luận và cả cố gắng xoa dịu sự chống đối của các nhóm
cư dân vùng Bắc Thái và Lào đang là nạn nhân trực tiếp của các con đập Vân Nam,
thì ông Hun Sen lại tự nguyện biến mình thành “một luật sư hùng biện cho
Trung Quốc / nhưng bất cần lý lẽ.”
Ông Hun Sen lãnh đạo quốc gia Cam Bốt, khi
đứng trước nguy cơ cả một hệ sinh thái của con sông Mekong và Biển Hồ đang bị suy
thoái “một cách hiển nhiên và nhãn tiền” thì chính ông đã lại cố ý phủ nhận bao
nhiêu mối quan tâm chính đáng và đầy trí tuệ trong suốt mấy thập niên qua của
bao nhiêu chuyên gia bảo vệ môi trường và của các tổ chức môi sinh phi chính phủ
như TERRA/ Towards Ecological Recovery and Regional Alliance, IRN /
International River Network, Viet Ecology Foundation…
Thái độ của ông Hun Sen rõ ràng là “phủi
tay rũ bỏ trách nhiệm” bằng cách đổ lỗi “cho thiên nhiên, cho thay đổi khí hậu”
thay vì do sự bất lực của chính quyền do ông lãnh đạo từ bấy lâu nay. Trước hết
ông đã không màng gì tới bao nhiêu nỗ lực để bảo vệ Biển Hồ, cũng là nguồn cá
nguồn lúa gạo của hơn 15 triệu người dân Cam Bốt, rộng hơn là bảo vệ nguồn tài
nguyên mong manh của con sông Mekong, đang đe dọa trên đời sống của ngót 70 triệu
cư dân của 7 quốc gia ven sông.
Theo Fred Pearce, thì vào đầu thập niên tới,
chuỗi đập Vân Nam sẽ có khả năng giữ lại hơn nửa lưu lượng dòng chảy của con
sông Mekong trước khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, con sông
Mekong đã trở thành “Tháp Nước và Nhà Máy Điện” của riêng họ.
Odd Bootha, 38 tuổi, anh lái đò bến Chiang
Khong Bắc Thái, đã than thở “Nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mekong
chỉ còn là một con lạch.” Tình cảm bài Hoa rất mạnh ở vùng Bắc Thái, chính
dân làng đã công khai chống lại kế hoạch phá đá phá ghềnh thác khai thông sông
Mekong của Trung Quốc. [2]
Cũng dễ hiểu là để có đủ nước vận hành những
turbines trong các đập thủy điện Vân Nam, Trung Quốc đã thường xuyên đóng các cửa
đập khiến mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất. Phía tả ngạn bên Lào, chỉ
riêng trong tháng 3/2004 , tổ chức du lịch đã phải hủy bỏ 10 chuyến du ngoạn
trên sông chỉ vì những khúc sông quá cạn.
Chainarong Sretthachau, giám đốc Mạng Lưới
Sông Đông Nam Á cho rằng “Trung Quốc đã có quyền lực để kiểm soát dòng sông
Mekong.”
Chỉ vì sự thiển cận và những quyền lợi rất
ngắn hạn nhận được từ Bắc Kinh, ông Hun Sen đã dễ dàng hy sinh một dòng sông như
mạch sống và một Biển Hồ như trái tim của đất nước Cam Bốt và Đồng Bằng Sông Cửu
Long Việt Nam.
NGÀY
HỘI NƯỚC SẼ TRỞ THÀNH QUÁ KHỨ
Tin báo Phnom Penh Post [31/10/2015] Thủ tướng Hun
Sen một lần nữa đã phải ký sắc lệnh huỷ bỏ ngày Lễ Hội Nước dự trù tổ chức vào
ngày 24 tới 26 tháng 11 "do mực nước sông quá thấp
và tình trạng hạn hán mà Vương quốc Cam Bốt đang phải đối đầu, đồng thời đòi hỏi
mọi người phải tập trung nỗ lực và vận dụng mọi phương tiện có thể có được nhằm
giải quyết vấn đề thiếu nước trên các ruộng lúa trong mùa khô." Đây là lần
thứ tư trong vòng 5 năm chính phủ Hun Sen đã phải huỷ bỏ Lễ Hội Nước truyền thống
hàng năm, thường tụ hội hàng mấy trăm ngàn người đổ về thủ đô Nam Vang để tham
dự lễ hội đua thuyền trên sông Tonle Sap. [3]
Không biết từ bao lâu rồi, Lễ Hội Nước Bon
Om Tuk có lẽ có từ thời vua Jayavaman VII thế kỷ thứ XII, người có công xây dựng
khu đền đài Angkor như một kỳ quan của thế giới, và từ đó cứ hàng năm, khi vừa
hết Mùa Mưa, mực nước sông Mekong bắt đầu ổn định và con sông Tonlé Sap lại chảy
xuôi dòng kéo theo vô số tôm cá từ Biển Hồ đổ vào các nhánh sông Mekong, xuống
xa tới ĐBSCL. Đây cũng là thời điểm của Ngày
Hội Nước được tính theo tuần trăng
vào khoảng tháng 11 diễn ra trước Hoàng Cung, khu mà người Pháp gọi là Quatre
Bras /Chatomuk, nơi bốn nhánh sông Mekong hội tụ. Trong dịp lễ hội này, vua
và hoàng hậu tới đây chung vui với thần dân, và “Khai Mùa” cho ngư dân đánh cá, cho nông dân bắt đầu mùa gieo trồng.
Hình II: Lễ Hội Nước
Bon Oum Tuk hàng năm trên sông Tonlé Sap trước Hoàng Cung; năm nay 2015 cũng là
năm thứ tư phải huỷ bỏ vì Biển Hồ cạn nước và sông Tonlé Sap cạn dòng [nguồn:
internet]
Nhưng rồi trong những năm gần đây, Ngày Hội Nước Bon Om Tuk, trong
cái ý nghĩa đích thực ban đầu, khi mà con sông Tonlé Sap còn đủ nước để chảy
ngược chiều, khi trái tim Biển Hồ còn giữ được nhịp đập thì nay chỉ còn là một trái
tim Biển Hồ thiếu nước và thoi thóp, điều mà chính những ngư dân nông dân Cam Bốt
và dưới ĐBSCL biết rất rõ, do lượng cá
và lúa thì càng ngày càng “thất thu”.
Với nhãn quan của các nhà hoạt động môi
sinh, thì sẽ có một ngày “thảm họa
môi sinh lớn nhất / greatest ecological catastrophe” đến với đất nước
Cam Bốt, khi trái tim Biển Hồ ngưng
đập; với cái chết chậm nhưng chắc chắn ấy của Biển Hồ thì tên tuổi
ông Hun Sen không phải là hoàn toàn vô can.
Tưởng cũng cần nên ghi lại nơi đây những sự
kiện phải nói là bi quan, liên hệ tới Biển Hồ, sông Tonlé Sap và con sông
Mekong ngay trong thập niên đầu của thế kỷ 21:
Trên trang web World Wide Fund for Nature,
đã ghi nhận: mực nước con sông Mekong tụt thấp xuống tới mức báo động kể từ
2004 và trở thành những hàng tin trang nhất trên báo chí. “Trung Quốc làm kiệt
mạch sống sông Mekong_ New Scientist”; “Sông Mekong cạn dòng vì các con
đập Trung Quốc_ Reuters AlertNet”; “Xây đập và con sông chết dần_ The
Guardian”; “Sông cạn do các con đập Trung Quốc_ Bangkok Post”. Hầu hết
đều mạnh mẽ quy trách cho việc xây các con đập thủy điện dòng chính của Trung
Quốc trên khúc sông thượng nguồn.
Theo Fred Pearce, tác giả cuốn sách “Khi
Những Con Sông Cạn Dòng, Nước – Khủng Hoảng của Thế Kỷ 21” xuất bản 2006,
trong chương viết về con sông Mekong, đã có ghi nhận:
“Cuối năm 2003 và đầu năm 2004 là thời
gian tuyệt vọng trên Biển Hồ. Cơn lũ mùa Hè thấp hơn. Thời điểm con sông Tonle
Sap chảy ngược vào Biển Hồ đến trễ hơn và cũng chấm dứt sớm hơn. Thay vì 5
tháng con sông đổi dòng nay chỉ còn có 3 tháng. Rừng lũ thiếu ngập lũ và cá thì
không đủ thời gian để tăng trưởng... Và mùa thu hoạch cá chưa bao giờ thấp như
vậy. Tại sao? Đa số ngư dân đổ tại con sông cạn dòng. Khi con nước cạn trước
Hoàng Cung, thì sẽ không có cá dưới sông.
… Vào tháng 05/2009, Chương
Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo rằng “chuỗi đập
Vân Nam” là “mối đe dọa duy nhất – lớn nhất / the single greatest threat” đối
với tương lai và sự phồn vinh của con sông Mekong, sẽ giết chết nhịp đập thiên
nhiên của dòng sông vốn như một kỳ quan của thế giới.
Aviva Imhoff, nguyên giám đốc truyền thông
Mạng Lưới Sông Quốc Tế / IRN, đưa ra nhận định: Trung Quốc đang hành xử một
cách hết sức vô trách nhiệm. Chuỗi đập Vân Nam sẽ gây ra những tác hại vô lường
nơi hạ lưu, gây rối loạn toàn hệ sinh thái con sông Mekong xa xuống tới Biển Hồ,
nó như một chuông báo tử cho ngư nghiệp và nguồn cá vốn là thực phẩm của ngót
70 triệu cư dân sống ven sông.
Hình III: Băng qua Biển
Hồ tới khu Bảo Tồn Sinh Thái Tonlé Sap
Biosphere Reserve 12/2001
[nguồn: tư liệu Ngô Thế Vinh]
Không ai tin rằng, ông Hun Sen lại có thể
không biết tới “Hồi Chuông báo Tử”
ấy, ông đã cố tình không muốn biết do nhu cầu chính trị ngắn hạn trong thời
gian cầm quyền. Nhưng rồi ra, cái giá rất
cao phải trả sẽ là tương lai của dân tộc Cam Bốt và cả nền văn minh xứ Chùa
Tháp. Đã có những dấu hiệu sớm nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long đang phải hứng chịu
những cơn đau thắt ngực dẫn xuống từ trái tim Biển Hồ thiếu nước.
Tới thời điểm này 2015, chỉ mới có 6 con đập
thượng nguồn Vân Nam hoàn tất, chưa có con đập dòng chính hạ lưu nào xây xong;
vậy mà năm nay cũng là năm thứ tư Ngày Lễ Hội Nước Bon Oum Tuk truyền thống của
Vương Quốc Cam Bốt trên Nam Vang đã phải huỷ bỏ do một Biển Hồ thiếu nước và
con sông Tonlé Sap thì quá cạn dòng; và cũng năm nay 2015, Đồng Bằng
Sông Cửu Long đã không có Mùa Nước Nổi. [4]
NGÔ THẾ VINH
California, Nov 03, 2015
Tham Khảo:
1/ Cửu Long Cạn
Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Ngô Thế Vinh; Chương XIV, Nxb Văn Nghệ 2000, Nxb Viet
Ecology Press & Giấy Vụn 2014
2/ Mekong Dòng Sông
Nghẽn Mạch. Ngô Thế Vinh; Chương III, Nxb Văn Nghệ 2006, Nxb Văn Nghệ Mới 2007,
Nxb Giấy Vụn 2013
4/ Năm Nay 2015 Không Có Mùa Nước Nổi. Ngô Thế Vinh. VOA 15/10/2015
www.voatiengviet.com/...nay-2015.../3007569.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét